Tiếp tục kiến nghị sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

26/10/2024 - 12:10

PNO - Tại kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với tình hình thực tiễn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị giải pháp để kiểm soát giá vàng - ảnh: M.Quang
ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị giải pháp để kiểm soát giá vàng - Ảnh: M.Quang

Lập sàn giao dịch vàng liên thông quốc tế

Tại phiên thảo luận tổ sáng 26/10, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhận định, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều bất ổn từ xung đột địa chính trị, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định và có nhiều điểm sáng. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. ĐBQH tin tưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt tăng trưởng trên 7%, nhờ các động lực kinh tế truyền thống và mới.

Liên quan tới thị trường vàng, ĐBQH Trần Hoàng Ngân phân tích, giá vàng trong nước chịu tác động của biến động giá vàng thế giới khi có chiến tranh, xung đột. Những tháng vừa qua, Chính phủ đã có nỗ lực trong kiểm soát giá vàng. Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn là “điểm nghẽn cần giải quyết”.

Theo dõi giá vàng trong thời gian dài, ĐBQH cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định 24 để kiểm soát tốt hơn biến động giá. Khi có nghị quyết thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, theo ĐBQH, cần quan tâm lập sàn giao dịch vàng liên thông với sàn giao dịch vàng thế giới.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) chỉ ra, thị trường vàng biến động rất mạnh và chưa có giải pháp thật sự ổn định thị trường này. Giá vàng trong hơn 1 năm đã “ngoi” lên 20% khiến tài sản của người dân giữ bằng tiền mặt bị giảm đi. Điều này tác động lớn tới cả tâm lý lẫn đầu tư của người dân, doanh nghiệp.

Đề xuất tăng lương hưu, sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh...

ĐBQH Trần Kim Yến đề xuất sửa Luật thuế thu nhập cá nhân để người dân tiếp cận được với nhà ở xã hội - ảnh: QH
ĐBQH Trần Kim Yến đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để người dân tiếp cận được với nhà ở xã hội - Ảnh: Q.H.

Về tiêu dùng nội địa, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đánh giá đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn cần chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam. Ông đề xuất nhiều chính sách để tăng sức mua của người dân, trong đó có vấn đề tăng lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội và ưu đãi cho người có công. Năm 2025, theo ĐBQH, là năm của những sự kiện, ngày lễ lớn của dân tộc như 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Do đó, cần tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để niềm vui trọn vẹn.

ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) cho hay, trong quá trình tiếp xúc cử tri, bà cũng nhận được phản ánh về chính sách tiền lương. Theo đó, lương hưu hiện nay có mức cao thấp khác nhau do quy định đóng - hưởng. Cử tri kiến nghị, khi Chính phủ đã tăng lương, cần hướng tới mức lương khi về hưu đồng đều với nhau. ĐBQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu về vấn đề này.

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ĐBQH cũng quan tâm tới việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân với người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Theo ĐBQH, 2 mức quy định trên với các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM không đảm bảo và cần sửa đổi.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Trần Kim Yến nêu, nhiều người dân hiện không tiếp cận được với nhà ở xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là do quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bởi người dân đã đóng thuế thu nhập cá nhân thì không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Với giá nhà như hiện nay, bà khẳng định, người thu nhập trung bình và thu nhập thấp không thể "với tới được".

“Tôi nhớ rằng, kỳ họp Quốc hội nào cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có giải trình nhưng cuối cùng, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn thấp” - bà Trần Kim Yến nói. ĐBQH nhấn mạnh, cần giải pháp cho vấn đề này để người tiêu dùng có nhu cầu thật có thể tiếp cận với nhà ở xã hội.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI