Tiếp tục họp bàn khi công nhân sống mòn với bữa sáng 3.000 đồng?

03/09/2015 - 10:53

PNO - Phiên họp 3 bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng diễn ra căng thẳng với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự kiến, sáng ngày 3/9 Hội đồng tiền lương Quốc gia tiếp tục họp bàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất năm 2016 tăng lương tối thiểu lên 16,8%. Đây là mức đề xuất thấp nhất trong 3 năm qua.

Ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam là vậy nhưng không thể quyết định. Đại diện giới chủ thì có xu hướng càng thấp càng tốt, trong khi đại diện Bộ LĐ-TB-XH với vai trò chủ tịch hội đồng lại có xu hướng dung hòa dù biết rõ đề xuất của Công đoàn hoàn toàn có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Lãnh đạo nói kinh tế khởi sắc, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, thế mà tiền lương của người lao động lại giảm?”.

Tiep tuc hop ban khi cong nhan song mon voi bua sang 3.000 dong?
Ông Đặng Ngọc Tùng thăm hỏi người lao động.

Ông Tùng cũng đặt ra câu hỏi: “Không thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước với đội ngũ công nhân đang sống mòn với những bữa sáng 3.000 đồng, những bữa tối chỉ có rau và đậu hũ; sống tạm bợ trong những khu trọ tồi tàn, nhếch nhác…”.

"Tôi khẩn thiết kiến nghị các vị thành viên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia hãy đặt mình vào vị trí người lao động, hãy thực tế với cuộc sống xã hội, hãy chịu khó đọc bài nghiên cứu và đề xuất lộ trình tăng lương tối thiểu của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để có quyết định đúng đắn, bảo đảm được quyền lợi người lao động và người sử dụng lao động, thực hiện đúng luật pháp mà Quốc hội đã thông qua" - ông Tùng bức xúc nói.

Trước đó vào ngày 25/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tiến hành họp bàn đề xuất tăng lương tối thiếu vùng nhưng phải buộc dừng cuộc họp giữa chừng vì ý kiến căng thẳng giữa các bên.

Tiep tuc hop ban khi cong nhan song mon voi bua sang 3.000 dong?
Phiên họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia vào ngày 25/8 diễn ra căng thẳng.

Đại diện giới chủ, ông Vũ Đức Giang (Hiệp hội Dệt May VN) nói về khó khăn của doanh nghiệp dệt may trong thời gian vừa qua và cho biết ngày 13/8, tại buổi họp chi hội các vùng của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, không doanh nghiệp nào chấp nhận phương án tăng lương tối thiểu ở mức là 10%...

Được biết Hội đồng tiền lương Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên: Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời trong cuộc họp giao ban báo chí tháng 8/2015: “Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016”.

Khánh Hưng (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI