Đây là lần thứ hai hãng Million thông báo thay đổi thời gian diễn ra sự kiện quan trọng này, với cùng lý do là "có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía Nhà nước Việt Nam".
Bảo vật Kim ấn được dự kiến đưa ra đấu giá lần đầu tiên vào ngày 31/10 với ký hiệu lô số 101 cùng hơn 300 hiện vật khác trong khối tài sản mà vua Bảo Đại để lại cho người vợ sau, bà Monique Baudot. Sau khi bà qua đời năm 2021, các tài sản này được chia cho những người thừa kế.
|
Kim ấn Hoàng đế chi bảo - Ảnh: Hãng Milion |
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan đang rất tích cực vận động để có thể hồi hương ấn vàng. Theo nguồn tin riêng, đại diện của Bộ đã tiếp xúc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để đàm phán mua trực tiếp hiện vật không qua đấu giá. Đây cũng là kênh duy nhất để tiến hành các biện pháp thương lượng, vì những người thừa kế tại Pháp đã ủy quyền cho hãng đại diện quyền lợi. Một đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có mặt tại Pháp từ mấy ngày qua để thực hiện các công tác này. Cả đại diện Việt Nam và hãng đấu giá đều từ chối tiết lộ nội dung các cuộc thảo luận với lý do thương vụ vẫn đang diễn biến và chưa có kết quả cụ thể.
|
Kim ấn Hoàng đế chi bảo có họa tiết tinh xảo - Ảnh: Hãng Milion |
Kim ấn Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng đúc bằng vàng ròng, nặng 10,78 kg, kích thước 13,8x13,7kg, trên đúc nổi con rồng uốn khúc. Khi mới giới thiệu hiện vật, hãng Millon định giá kim ấn khoảng 2-3 triệu euro. Trong phiên đấu giá ngày 31/10 vừa qua, chiếc bát vàng của vua Khải Định, khối lượng 456,6 gram, có giá khởi điểm từ 20.000 đến 25.000 euro, đã được bán với giá cao gấp 44 lần, lên mức 680.000 euro, tương đương 16,7 tỷ đồng.
|
Kim ấn Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng đúc bằng vàng ròng, nặng 10,78 kg |
Trước đó, ngày 7/11, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo theo các phương thức.
Huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với nhà đấu giá Millon (Cộng hòa Pháp) nhằm kịp thời mua lại và hồi hương chiếc ấn Hoàng đế chi bảo.
Vận động mạnh thường quân là tổ chức, cá nhân yêu quý di sản thương lượng, mua lại ấn Hoàng đế chi bảo để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.
Ấn Hoàng đế chi bảo do vua Minh Mạng đúc năm 1823. Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại. Đặc biệt là với Thừa Thiên - Huế - kinh đô của triều Nguyễn, cũng là nơi đã xảy ra sự kiện ngày 30/8/1945, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là vua Bảo Đại trao lại ấn kiếm cho đại diện của chính quyền cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam. Do những sự cố không mong muốn, bộ ấn kiếm trên đã rơi vào tay thực dân Pháp, và ngày 8/3/1952, phía Pháp đã trao lại cho “Quốc trưởng” Bảo Đại và sau đó được đưa qua Paris. Vì vậy, rất cần thiết phải huy động mọi nguồn lực có thể để thương lượng, mua lại và hồi hương chiếc ấn vàng đặc biệt này.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc kiểm chứng tính xác thực của cổ vật được đấu giá cơ bản dựa trên sự bảo đảm, uy tín của các hãng đấu giá. Trên thực tế, Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam “hồi hương” về nước theo 3 hình thức.
Đó là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978).
Thứ hai là cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022).
Thứ ba là chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022)…
Điều 5 của Luật Di sản văn hóa nước ta nêu rõ: "Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu của toàn dân, công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật".
Về di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Khoản 2, Điều 8 cũng chỉ rõ: "Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia".
Hiện Việt Nam là một trong những nước tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cản xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa...
Thuận Hóa