Tiếp tục di dời cơ sở gây ô nhiễm ra xa khu dân cư

18/09/2023 - 06:32

PNO - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã liên tục xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nằm xen cài trong khu dân cư, tập trung ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, thanh tra sở này đã xử phạt 20 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2,22 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, xả khí thải vượt quy chuẩn cho phép, xả thải chất gây mùi khó chịu vào môi trường, không nộp hồ sơ cấp quyền khai thác nước dưới đất, hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác nước dưới đất không đúng thời hạn, không có giấy phép môi trường theo quy định. 

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phối hợp các ban ngành di dời những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư vào các nhà máy giết mổ công nghiệp ở ngoại thành.  Trong ảnh: Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, huyện Củ Chi
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phối hợp các ban ngành di dời những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư vào các nhà máy giết mổ công nghiệp ở ngoại thành. Trong ảnh: Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, huyện Củ Chi

Tuy nhiên, việc cưỡng chế, buộc đình chỉ hoạt động, buộc di dời các cơ sở vi phạm vẫn còn gặp khó khăn. Mới đây, sở đã soạn thảo văn bản để UBND TPHCM kiến nghị Bộ TNMT xem xét, trình cấp có thẩm quyền bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả bằng hình thức ngừng cung cấp điện, nước cho cá nhân, tổ chức vi phạm; ban hành quy chế phối hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Sở TNMT TPHCM hiện đang rà soát tiêu chí “không phù hợp quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải” để áp dụng hình thức buộc di dời đối với các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư. Đồng thời, sở cũng góp ý dự thảo của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM về quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.  

Theo lãnh đạo Sở TNMT TPHCM, trong thời gian tới, sở sẽ hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý về môi trường chung của thành phố để công tác kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu TNMT giữa các sở, ngành, các cấp chính quyền và đơn vị có liên quan được thuận tiện, kịp thời.

Sở sẽ tăng cường phối hợp thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo kế hoạch trong năm 2023; kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm, nguồn thải lớn. Cụ thể như lập danh sách, thống kê các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm, yêu cầu các cơ sở xả nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, truyền số liệu về sở; xây dựng kênh liên lạc với cộng đồng xung quanh để thông báo về các hoạt động sản xuất và lắng nghe ý kiến từ cư dân.

Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất nằm giáp ranh với tỉnh Bình Dương đang được Sở TNMT TPHCM tăng cường cũng như phối hợp với Sở TNMT tỉnh Bình Dương kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò, lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái. Sở đã kiến nghị UBND TPHCM ký kết với UBND tỉnh Long An bản kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm ở khu vực giáp ranh.

Sở TNMT TPHCM cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý, nhắc nhở chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ký cam kết về bảo vệ môi trường. Hằng năm, sở duy trì kế hoạch phối hợp với UBND cấp quận huyện, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường. 

Quang Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI