Tiếp tục báo động về nhạc “rác”

03/04/2025 - 07:13

PNO - Ca khúc Sự nghiệp chướng của rapper Pháo (Nguyễn Diệu Hiền) với lời rap thô tục, kích thích bạo lực lọt vào top trending (danh sách video trên YouTube được xem nhiều nhất trong một khoảng thời gian cụ thể). Sự việc này một lần nữa báo động về tình trạng nhạc “rác”.

Ca khúc này kể câu chuyện một cô gái yêu phải chàng trai lăng nhăng, đã mạnh mẽ phản ứng và chọn một lối đi khác. Điều đáng nói là phần lời dễ dãi, thiếu văn hóa và mang tính kích động: “Yêu đương như thế thì có ngày tao tát cho một phát là đi vào viện răng hàm mặt, khoa chấn thương chỉnh hình. Răng môi mày lẫn lộn trộn vào với nhau. Tao ra đi trong yên lặng thì mày khôn hồn mà sống cho đàng hoàng tử tế…”.

Sự nghiệp chướng của Pháo đang nhận nhiều chỉ trích vì lời lẽ thô lỗ, kích động bạo lực.
Sự nghiệp chướng của Pháo đang nhận nhiều chỉ trích vì lời lẽ thô lỗ, kích động bạo lực.

Chưa đầy 1 ngày sau khi ra mắt, MV có hơn 3 triệu lượt xem, đứng thứ hai trong top trending (tốp thịnh hành nhất) của YouTube Việt Nam. Tiếp sau đó, MV giữ vị trí số 1 trên top trending trong gần 8 ngày với khoảng 21 triệu lượt xem.
Chưa bao giờ việc phát hành một ca khúc mới dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay. Trước đây, muốn cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, cần phải đi qua rất nhiều khâu: từ kiểm duyệt, cấp phép và phát hành. Còn hiện nay, chỉ cần 1 cú click, sản phẩm âm nhạc đã có thể xuất hiện trên nhiều nền tảng. Đúng sai, phản cảm, dung tục… hạ hồi phân giải.

Sự nghiệp chướng của Pháo không phải là trường hợp đầu tiên. Từng có không ít ca khúc, MV của các ca sĩ tên tuổi thu hút hàng triệu lượt xem bị dư luận chỉ trích, phản ứng dữ dội. Chẳng hạn MV Ghệ iu dấu của em ơi của tlinh (Nguyễn Thảo Linh) bị chỉ trích vì hình ảnh phản cảm, ca từ sáo rỗng; Fever cũng của tlinh và Coldzy (Đỗ Hoàng Hải) bị nhận xét là phản cảm, ca từ gợi liên tưởng về chuyện tình dục. Sashimi của Hứa Kim Tuyền do Chi Pu thể hiện cũng bị khán giả phản ứng khi có từ “kimochi” trong tiếng Nhật (thường xuất hiện trong các phim dán nhãn 18+) kèm nhiều từ ngữ dung tục, phản cảm.

Vì sao một ca khúc nhảm nhí, lời lẽ dung tục và đầy tính khiêu khích bạo lực lại đạt được hàng triệu view và đứng ở top trending trong nhiều ngày liền. Phải chăng người nghe đang quá dễ dãi khi tiếp nhận sản phẩm văn hóa giải trí?
Sẽ chưa đầy đủ nếu chỉ nhắc đến vai trò của người nghe. Đầu tiên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nghệ sĩ. Hiện Sự nghiệp chướng đã rời khỏi top trending do YouTube đã bật chế độ giới hạn độ tuổi (dưới 14 tuổi sẽ không được xem MV này). Sản phẩm văn hóa, dù được phát hành với mục đích gì hoặc nhắm đến đối tượng nào thì phải có giá trị văn hóa với những yêu cầu bắt buộc về tính thẩm mỹ. Một sản phẩm văn hóa giải trí không có tính thẩm mỹ sẽ trở thành một sản phẩm độc hại với người nghe.

Sơn Tùng M-TP từng bị phạt 70 triệu đồng và phải gỡ MV There’s no one at all khỏi các nền tảng số. Rapper Chị Cả cũng bị phạt 35 triệu đồng vì sáng tác có nội dung trái với thuần phong mỹ tục. Nhưng, so với con số thu về từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi tháng, dựa trên lượt xem và số người đăng ký, vài chục triệu đồng tiền phạt chỉ là chuyện nhỏ.
Trong khi chờ đợi sự quyết liệt hơn của cơ quan quản lý trong việc “dẹp rác” văn hóa, cần nhận thức rằng yếu tố quan trọng có thể giúp nghệ sĩ đi đường dài là đạo đức. Tôn trọng khán giả cũng là cách nghệ sĩ tôn trọng chính bản thân và nghề nghiệp của mình.

Anh Vy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI