Tiếp thêm động lực cho người thầy

20/11/2023 - 06:22

PNO - Mấy ngày nay, giới học thuật loan báo tin vui, giảng viên ngành y đầu tiên của Việt Nam đã nhận giải thưởng quốc tế Nghiên cứu xuất sắc ISPOR (Hiệp hội Nghiên cứu về hiệu quả và kinh tế y tế thế giới) năm 2023. Đó là thầy Trần Xuân Bách - 39 tuổi, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội. Ông cũng vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh giáo sư ngành y học và là 1 trong 3 người trẻ nhất được công nhận chức danh giáo sư năm nay.

Trong lần tới thăm Văn Miếu (TP Hà Nội) một chuyên gia ở một nước phát triển tâm đắc rằng, Việt Nam có truyền thống coi trọng học thuật sâu sắc. Ông cũng đã đến thăm một trường phổ thông và ngạc nhiên khi thấy các học sinh này sáng dạ hơn nhiều so với trẻ đồng trang lứa ở nước ông, không chỉ ở những kỹ năng cơ bản mà còn ở cả sự sáng tạo khi xử lý những bài toán đố khá hóc búa.

Trong một nghiên cứu năm 2020, phó giáo sư Abhijeet Singh (Trường Kinh tế Stockholm, Thụy Điển) đã xem xét dữ liệu từ các bài kiểm tra PISA của học sinh Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam - các nước đối tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ông nhận thấy, trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5-8 trội hơn hẳn so với phần còn lại. Theo ông, trường học ở Việt Nam đã được cải thiện theo thời gian. Điều này phần lớn là nhờ giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn. 

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cả nước hiện có 1.234.124 giáo viên, tăng 141.894 người và có 78.190 giảng viên đại học, tăng hơn 16.000 người so với năm học 2012-2013. 

Nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đã được ban hành nhằm nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Theo Luật Giáo dục năm 2019, năm học 2022-2023, trình độ đạt chuẩn của giáo viên ở bậc tiểu học là 83,26%, bậc THCS 90,32%, bậc THPT 99,83%, tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ đạt 32,44%, tăng 17,64% so với năm 2013.

Cả nước hiện có 135 cơ sở có đào tạo giáo viên. Các cơ sở này đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học giáo dục, coi trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm. Giáo viên được tập huấn thường xuyên và có thể sáng tạo để làm cho buổi học trở nên hấp dẫn hơn. 

Nhưng, nghề giáo vẫn còn đó những “cái khó” chưa được giải quyết. Do đồng lương thấp, nhiều nhà giáo vẫn phải làm thêm các việc khác nhau để duy trì cuộc sống. Nhiều trường chưa có đủ cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ giảng dạy. Vẫn còn hiện tượng học sinh hỗn hào, phụ huynh không tôn trọng thầy cô, bất chấp đạo lý...

Chưa kể, trong quá trình đổi mới giáo dục, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy, không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải khai thác được năng lực học sinh. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó”. 

Quả thực, hiện nay, quá nhiều nhiệm vụ được chất lên vai người thầy. Dù đã được tập huấn, chuẩn bị, nhưng họ vẫn phải dò dẫm thực thi những điều mới mẻ nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, vấp váp. Họ cần nhận được sự cảm thông, hỗ trợ, đồng hành từ phía xã hội hơn là những phán xét thiếu công tâm, công bằng. 

Đầu tháng Mười một này, giới nhà giáo nhận được tin vui là trong đợt cải cách chính sách tiền lương tới đây, nhà giáo được ưu tiên xếp ở thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát lại các quy định về tiền lương - nhất là tiền lương mới và các phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo - để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.

Nhiều nước phát triển có giải thưởng Người thầy của năm để tôn vinh nhà giáo. Việt Nam có ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôn vinh nhà giáo trong ngày 20/11 cũng là dịp để xã hội thấu hiểu hơn về nghề giáo, với nghề giáo. Việc xã hội thấu cảm, quan tâm tới người thầy sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên hoàn thành sứ mạng cao cả của mình. 

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI