Tiếp sức đường dài cho nhóm người yếu thế

13/04/2025 - 15:21

PNO - Trong quá trình chống chọi với bệnh tật, vượt qua nỗi đau và những biến cố cuộc đời, nhiều phụ nữ yếu thế luôn có Hội Phụ nữ đồng hành, tiếp sức.

Tuổi già mang nhiều gánh nặng

Chạy chiếc xe lắc điện quanh các con hẻm tại phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM, bà Hồ Thị Đào (54 tuổi) niềm nở mời mọi người mua vé số. Cả ngày ngoài đường bà cũng chỉ bán được hơn 100 tờ. Chồng bà Đào bị khuyết tật chân và cũng đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Vợ chồng bà chi tiêu tằn tiện, để dành tiền lo cho đứa con gái đang học cao đẳng.

Với mức học phí hơn 10 triệu đồng/học kỳ của con, bà Đào lúc nào cũng lo toan, không dám ngơi nghỉ dù bà đang phải chống chọi với những cơn đau. Ngoài một chân bị cụt do chiến tranh, bà còn mang trong mình nhiều căn bệnh như tiểu đường tuýp 2, gút, gan nhiễm mỡ…

Hội Phụ nữ phường 7 và chi hội phụ nữ khu phố đến thăm, tặng quà cho bà Hồ Thị Đào (bìa trái)
Hội Phụ nữ phường 7 và chi hội phụ nữ khu phố đến thăm, tặng quà cho bà Hồ Thị Đào (bìa trái)

Cách nhà bà Đào vài con hẻm, bà Nguyễn Thị Quý không còn nhớ nổi tuổi của mình. Khi chị em Hội Phụ nữ phường hỏi tuổi, bà luống cuống tìm căn cước công dân trong xấp giấy tờ khám bệnh đưa cho chị xem rồi hỏi lại “tôi năm nay nhiêu tuổi rồi cô?”.

Bà Quý năm nay đã 68 tuổi. Tuy chưa đến mức lẫn nhưng vì phải lo toan quá nhiều khiến bà không còn nhớ nổi ngày tháng. Bà Quý thật thà: “Tôi giờ không còn nhớ gì trong đầu, chỉ mong còn sức khỏe để đi làm lo cuộc sống và nuôi đứa cháu cố mới 3 tuổi”.

Cả đời bà Quý vất vả vì con, vì cháu và luôn sống trong nỗi bất an. Cả con trai và cháu ngoại bà đều sa vào nghiện ngập, hiện đang đi cai nghiện. Tuổi già, bà Quý vẫn phải đi giúp việc dù đang mang nhiều căn bệnh như tim, cao huyết áp, viêm tụy, sỏi túi mật… và phải uống thuốc mỗi ngày. Cách đây vài tháng, nửa đêm, bà bị đau bụng dữ dội, bà phải cố bò sang nhà hàng xóm gõ cửa nhờ chở đi cấp cứu. Đứa cháu nhỏ được bà con hàng xóm chăm sóc giúp trong mấy ngày bà nằm viện.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng cả bà Quý và bà Đào đều đang cố gắng từng ngày, chăm chỉ làm việc để tự chủ cho cuộc sống.

Đồng hành với người yếu thế

Cả bà Quý và bà Đào đều thuộc nhóm phụ nữ yếu thế, khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được Hội Phụ nữ phường 7, quận Phú Nhuận chăm lo từ nhiều năm qua thông qua mô hình K+.

Theo đó, hằng tháng, hằng quý, các bà đều được Hội Phụ nữ phường, chi hội phụ nữ khu phố kết nối các đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ nhằm đảm bảo cuộc sống.

Chị Nguyễn Quốc Toản - Chủ tịch Hội LHPN phường 7 - thông tin, mô hình K+ được thực hiện từ năm 2023, khi có 1 chị hội viên mắc bệnh ung thư vú. Chia sẻ và kêu gọi nhiều tấm lòng giúp đỡ cho trường hợp trên, Hội Phụ nữ phường nhận được nhiều gợi ý sẽ đồng hành hỗ trợ lâu dài cho các trường hợp phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo. Chính vì vậy, hội đã mạnh dạn tổ chức thực hiện mô hình K+.

Ban đầu, qua rà soát, Hội Phụ nữ phường và các đơn vị, cá nhân nhận chăm lo cho khoảng 30 trường hợp, đa phần là phụ nữ, người già neo đơn… Các trường hợp sẽ nhận được chăm lo hằng tháng, hằng quý và cả các đợt đột xuất. Ngoài quà là nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, tã… các trường hợp còn nhận thêm một khoản tiền mặt từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy theo từng đợt vận động. “Ước tính, mức thấp nhất cũng khoảng 5 triệu đồng/năm/trường hợp và được duy trì trong nhiều năm qua” - chị Toản thông tin.

Nhắc đến mô hình K+, bà Hồ Thị Đào cảm ơn Hội Phụ nữ và các mạnh thường quân. Bà cho biết, khoảng nửa năm trước, trong lúc đi bán vé số thì bà bị tai nạn, chiếc xe hư hỏng nặng nhưng bà không có tiền sửa trong nhiều tháng liền. Để mưu sinh, hằng ngày, bà Đào phải chống nạng đi bán vé số. May nhờ có mô hình K+, bà Đào đã được hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng để sửa lại chiếc xe lắc điện.

Ngoài ra, hằng năm, Hội Phụ nữ còn kết nối các đơn vị trao tặng học bổng cho con gái bà. Hằng tháng Hội Phụ nữ phường và chi hội phụ nữ đều đến tặng quà, thăm hỏi, động viên giúp gia đình bà bớt một phần gánh nặng cuộc sống.

Còn bà Nguyễn Thị Quý cũng được hội kết nối các đơn vị tặng thẻ bảo hiểm y tế, duy trì chăm lo hằng tháng, tặng quà, gạo, tã, sữa cho cháu cố của bà. Bà Quý xúc động: “Mọi sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ phường đối với tôi đều quý giá, giúp những ngày tháng tuổi già của tôi vơi bớt âu lo”.

Chị Toản chia sẻ thêm, qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình K+ đã phát huy hiệu quả. Hội Phụ nữ phường đã mời gọi được nhiều cá nhân, đơn vị đồng hành. Nhóm đối tượng chăm lo cũng được mở rộng, không chỉ nhóm phụ nữ mắc bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo mà còn mở rộng ra cho cả nhóm phụ nữ khó khăn.

Hiện tại, hội đang duy trì chăm lo thường xuyên cho khoảng 30 trường hợp phụ nữ, người già neo đơn, định kỳ từ 1-1,5 triệu đồng/quý. Còn lại, khoảng 70 trường hợp khó khăn cũng được kết nối các đơn vị, cá nhân chăm lo đột xuất hoặc vào các dịp lễ, tết.

Bà Toản nhận định: “So với các phường khác trong quận thì tỉ lệ người dân khó khăn trên địa bàn phường 7 cao hơn nhiều lần. Mô hình K+ ra đời và duy trì trong những năm qua đã phần nào tiếp sức cho nhiều phụ nữ, nhiều gia đình, nhất là các gia đình không còn khả năng lao động… có cuộc sống tốt hơn, vượt qua giai đoạn ngặt nghèo”.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI