Đong đưa phận buồn
Sau khi mẹ mất, chị Cil Múp K’Sang (dân tộc Cil, SN 1964, ngụ tại thị trấn Lạc Dương, H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bơ vơ, hết làm thuê cho nhà này lại chạy sang cánh đồng kia. Tới đâu, K’Sang cũng xin chủ cho một manh chiếu, một tấm mền mỏng, tối đến nằm ngủ ngoài hiên nhà người ta.
Người đàn ông cùng làng quả quyết chỉ thương và cưới mình K’Sang thôi, vậy mà khi chị sinh con đầu lòng, xung quanh chẳng có ai. Rời bệnh viện, K’Sang được các soeur cho tá túc trong nhà thờ một thời gian. Tiếp đó là những ngày “ăn bờ ở bụi”, K’Sang bán lá chuối, trồng bắp thuê nuôi con.
Trong những đêm co ro ngoài trời, chị ước sao mua được mảnh đất nhỏ, dựng được túp lều. Người thương K’Sang quay lại ngọt nhạt thề hẹn, thế là chị lại xuôi lòng. Ba đứa con nữa chào đời. Không cưới hỏi, không chu cấp, không một chút đoái hoài, người ấy đi lấy vợ; mình K’Sang gồng gánh nuôi bốn người con.
|
Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP.HCM trao bảng tượng trưng tặng mái ấm tình thương cho chị Ka Lan (bìa trái) và chị K’Sang |
Ba người con đầu của K’Sang đều dang dở đường học, riêng cậu út Múp Ha Phúc (SN 2007) năm nay vô lớp Bốn. Chật vật tích góp, cuối cùng K’Sang cũng mua được mảnh đất nhỏ, lấy ván bìa quây tạm thành nhà.
Năm 2011, được chính quyền địa phương giao cho 2,8 sào đất trồng cà phê, chị vay 25 triệu đồng, vừa làm nông, vừa lấy hàng thổ cẩm mang lên Đà Lạt bán. Mỗi ngày cuốc bộ đi, về gần 15 cây số, đói không dám mua gì ăn, khát thì xin nước của cánh tài xế xe du lịch, K’Sang đã sống như vậy năm này qua năm khác.
Các con lần lượt lập gia đình, K’Sang chỉ còn Phúc kề bên. Nhà xuống cấp, mưa xuống dột tứ bề, hai mẹ con ôm nhau chịu trận. Phúc bị té, ảnh hưởng đến não, hai mắt mờ dần, mỗi lần đi bệnh viện, tốn hơn 500.000 đồng, K’Sang không kham nổi.
Lấp lánh tình người
Nghe chuyện của K’Sang, chị Ka Lan (dân tộc K’Ho, ngụ thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, H.Đơn Dương) chép miệng: “Mình cũng thiếu ăn, cũng sống nhà tạm với vách ngăn bằng tôn. Nhưng, mình thương K’Sang quá. K’Sang cực hơn vì mình còn có chồng thương”. Vợ chồng Ka Lan từ nhỏ đến giờ đều đi làm thuê.
Thời gian gần đây, có hai sào đất, Ka Lan đánh liều dồn hết tiền đầu tư trồng 500 cây cà chua mà chưa tới ngày thu hoạch. “Nhà mình không biết chừng nào sập. Vợ chồng mình làm thuê mãi, chắc mấy chục năm nữa chưa tự xây nhà được đâu” - Ka Lan tâm tình.
K’Sang và Ka Lan là hai PN thuộc diện hộ nghèo được Hội LHPN TP.HCM quyết định xây tặng mái ấm tình thương trong chương trình an sinh xã hội chiều 26/8, trị giá 50 triệu đồng/căn. Trước khi lên bục nhận bảng tượng trưng tặng mái ấm tình thương, Ka Lan, K’Sang siết chặt tay nhau nói “vui lắm”. Vài phút sau, K’Sang bộc bạch: “Cán bộ PN xã cho mình tiền mua mắm, muối. Giờ, Hội PN ở tận Sài Gòn lên xây nhà cho mình nữa. Cực mấy mình cũng không nản đâu, mình sẽ cho Ha Phúc ăn học đàng hoàng”.
Kéo máy bơm thuốc trừ sâu là phương tiện vừa được tặng, chị Nai Giào (ngụ tại thôn K’Răng Chớ, xã Ka Đơn, H.Đơn Dương) hỏi chị Kon Sơ Na Ly (ngụ tại thôn Hamanhai 1, xã Proh, cùng huyện): “Bên kia biết dùng máy chưa? Nghe mình được Hội tặng máy này, chồng con mừng lắm”. Chị Na Ly cười tươi: “Mình cũng được người ta chỉ cho rồi. Có máy, công việc sẽ đỡ vất vả”.
Như phần đông PN K’Ho ở H.Đơn Dương, chị Nai Giào chủ yếu làm lúa trên đất bạc màu, năng suất thấp. Thấy người Kinh đến thuê đất trồng rau hiệu quả, Nai Giào bàn với chồng học theo. Vợ chồng chị đang dành dụm tiền cải tạo đất, chuẩn bị đến tháng Chín này sẽ gieo bí đỏ, đậu cô ve, nhưng việc đầu tư phân bón, máy móc, với chị là cả một bài toán khó.
Trong chương trình an sinh xã hội này, Hội LHPN TP.HCM đã trao tặng hai mái ấm tình thương, năm phương tiện làm ăn, 17 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cùng tập trắng, bút, cặp sách, áo ấm, bánh kẹo... cho PN, trẻ em nghèo hai huyện Đơn Dương và Lạc Dương. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 160 triệu đồng.
Theo ông Trương Văn Bình - Phó bí thư thường trực Huyện ủy Đơn Dương, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 1/3 dân số H.Đơn Dương (khoảng 30.000/100.000 người). Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở H.Đơn Dương là 12%, đến năm 2016 giảm xuống còn 4,19%. Trong số 4,19% hộ nghèo thì đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 8,46%. Để các hộ này vươn lên thoát nghèo, rất cần sự hỗ trợ về phương tiện sản xuất, chỗ ở. Do vậy, sự sẻ chia, tiếp sức của Hội LHPN TP.HCM là rất có ý nghĩa.
Thảo Nguyên
140 phần quà cho PN, trẻ em người Việt tại Campuchia
Chiều 26/8, tại trụ sở Tổng hội Người Campuchia gốc Việt Nam (TP.Phnom Penh, Campuchia), cụm thi đua 2 của Hội LHPN TP.HCM gồm Hội LHPN các quận 4, 6, 8, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh và Phú Nhuận đã tổ chức trao tặng 140 suất quà cho PN, trẻ em nghèo người Việt sinh sống tại Vương quốc Campuchia và các giáo viên Trường tiểu học Khơ Me –Việt Nam Tân Tiến (TP.Phnom Penh), mỗi suất trị giá 500.000 đồng, do hội viên, PN các quận trong cụm thi đua đóng góp, Hội LHPN TP.HCM cũng ủng hộ 5 triệu đồng. Dịp này, đoàn đã hỗ trợ chị Nguyễn Thị Giàu (SN 1969, ngụ tại ấp Borey Santapheap, P.Chăm Chao, Q.Posengchey, TP.Phnom Penh) 10 triệu đồng chi phí chữa bệnh ung thư. Tối cùng ngày, đoàn đã có buổi giao lưu thân mật, hữu nghị cùng Tổng hội Người Campuchia gốc Việt Nam và Hội PN người Việt Nam tại Campuchia. Hiện có trên 160.000 người Việt đang sinh sống tại Vương quốc Campuchia.
Nghi Anh