“Tiếp sức” cho phụ nữ chuyển đổi số

29/05/2024 - 06:26

PNO - Chuyển đổi số để phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của thời đại. Nhiều chị em đã nắm bắt được xu hướng này, nhưng nhìn chung thì vẫn còn không ít rào cản, vướng mắc.

Chuyển đổi số để làm giàu

Quýt đã đến mùa thu hoạch, thay vì chờ lái buôn đến mặc cả, ép giá… thì những năm gần đây, nhiều hội viên phụ nữ trong thôn Lao Chải (xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã chủ động live stream bán hàng trực tuyến. Năm 2021, trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, chị Lò Dìn Phủng - chủ một vườn quýt - đã bán được 5-8 tấn hàng mỗi ngày nhờ live stream.

Các chị em khác cũng nhờ mạng xã hội mà bán đắt hàng. Giá quýt nhờ vậy cũng ổn định và ngày càng được nâng cao. Thương hiệu quýt Mường Khương cũng nhờ đó mà được nhiều người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành biết đến. Học tập chị Phủng, nhiều hội viên phụ nữ trong thôn Lao Chải đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quýt, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tiktoker Thái Triệu Vy (bên phải) đang hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành live stream bán hàng vào cuối năm 2023 - ẢNH: THANH HOA
Tiktoker Thái Triệu Vy (bên phải) đang hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành live stream bán hàng vào cuối năm 2023 - Ảnh: Thanh Hoa

Không chỉ live stream bán hàng, nhiều chị em cũng đang tiếp cận công nghệ để đưa sản phẩm của mình làm ra lên sàn thương mại điện tử. Nổi tiếng với quả vải thiều và nhiều loại quả có múi, Hội LHPN xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã phối hợp với một đơn vị tư vấn và phát triển công nghệ thông tin thành lập “Sàn thương mại nông sản điện tử”. Các mã QR được dán trên cửa tủ lạnh của mọi gia đình để người dân dễ lên sàn, tiếp cận các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng…

Sau 1 năm triển khai, vận hành, hơn 1.200 sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đã được cung ứng qua sàn. Dù khối lượng giao dịch vẫn còn khiêm tốn, song bà Đinh Thị Thúy Hà - Bí thư xã Hồng Giang - đánh giá, đây sẽ là tiền đề để chị em thay đổi nhận thức, thói quen mua bán trong thời đại công nghệ số, giúp lan tỏa hơn nữa các sản phẩm của quê hương và của vùng.

Ngoài sàn thương mại điện tử của Hội LHPN xã Hồng Giang, tại Bắc Giang, Hội LHPN huyện Tân Yên cũng tiếp nhận sàn thương mại điện tử nông sản huyện Tân Yên, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ phụ nữ liên kết tạo mã QR truy vết nguồn gốc sản phẩm… Bà Ngụy Thị Tuyến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang - cho biết, xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh, phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ, thời gian qua, hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ.

Cụ thể, hội đã phối hợp tổ chức khóa học online “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 1.900 hội viên có ý tưởng kinh doanh, hướng dẫn 102 hội viên tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử… Đến nay, 100% cơ sở hội cử cán bộ tham gia tổ công nghệ số cộng đồng để nâng cao nhận thức, năng lực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho hội viên phụ nữ tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.

Nhiều người nổi tiếng tham gia live stream bán hàng tại sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023  - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” - ẢNH: QUỐC THÁI
Nhiều người nổi tiếng tham gia live stream bán hàng tại sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” - Ảnh: Quốc Thái

Những rào cản và chị em cần tiếp sức

Tại hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nó không chỉ vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, hiện còn có khoảng cách giới trong ứng dụng công nghệ số và phụ nữ có nguy cơ tụt lại phía sau. Một nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng cách giới trong sử dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, có tới 59% lao động nam từ 18-65 tuổi sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh ít nhất 1 lần/tuần, trong khi ở phụ nữ cùng nhóm tuổi là 51%. Và khoảng cách giới lại lớn nhất ở nhóm lao động trẻ nhất: 71% nam từ 18-24 tuổi sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh hằng tuần, trong khi ở nữ giới là 59%.

Bà Nguyễn Việt Huệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: “Trong chuỗi cung ứng, sản xuất, hầu hết phụ nữ mới chỉ ứng dụng được công nghệ thông tin ở khâu bán hàng, live stream, còn các khâu khác từ đầu vào, quản lý sản xuất… thì chưa phổ biến. Trong khi, chi phí ứng dụng công nghệ thông tin không hề nhỏ. Đây là khó khăn hàng đầu tại các đơn vị”.

Bà Trịnh Thị Thủy - Giám đốc một đơn vị cung cấp, đào tạo bán hàng trực tuyến - cho biết, live stream bán hàng chỉ là 1 bước trong việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. “Ngoài kỹ năng bán hàng trên mạng, họ còn phải được giới thiệu và tiếp cận với các phần mềm quản trị đơn hàng, quản trị giao vận đơn. Bán được sản phẩm rồi nhưng phải quản trị như thế nào cho hiệu quả, khoa học và kinh tế, đó là “phần chìm” mà chưa phải ai cũng nắm được” - bà Trịnh Thị Thủy nói.

Cũng theo bà Trịnh Thị Thủy, việc tiếp cận công nghệ thông tin hiện còn hạn chế do cơ sở hạ tầng ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa không tốt; việc đầu tư các thiết bị, các phần mềm cũng còn khó khăn do vấn đề kinh phí…

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Học viện Hành chính Quốc gia), phụ nữ sử dụng mạng xã hội chủ yếu để giải trí mà chưa thấy hết được vai trò, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, đối với phụ nữ đã lớn tuổi thì việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin sẽ càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những quy định, chính sách đột phá để thực sự phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kỳ chuyển đổi số.

Chẳng hạn, việc hỗ trợ hội viên phụ nữ ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản phẩm khởi nghiệp gặp không ít khó khăn như: các ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp chủ yếu là những hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ. Điều này làm hạn chế kinh phí để đầu tư nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, marketing quảng cáo, dẫn đến sản phẩm chưa bắt mắt, ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm. Hoặc, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phụ nữ đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các đại biểu nữ trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số  bên lề hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” - ẢNH: HUYỀN ANH
Các đại biểu nữ trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số bên lề hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” - Ảnh: Huyền Anh

Trước thực tế ấy, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số. “Đặc biệt, cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định được vai trò của mình trong mọi lĩnh vực” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, vẫn còn một loạt giải pháp đã được đề cập như: phụ nữ cần tự ý thức nâng cao năng lực chuyển đổi số; tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân nói chung và phụ nữ nói riêng thấy rõ được tầm quan trọng của công nghệ số, kỹ thuật số, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ, thực hiện giảm khoảng cách giới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các vùng đặc biệt khó khăn…

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận tài chính để họ có nguồn lực chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI