Tiếp sức cho ngành xuất khẩu tỉ đô phát triển

21/08/2023 - 06:09

PNO - Cùng với gạo, xuất khẩu rau quả là 1 trong 2 điểm sáng về xuất khẩu của cả nước những tháng qua. Chỉ trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,25 tỉ USD, vượt giá trị xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỉ USD).

Nhìn từ động lực thị trường thì nước nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Đặc biệt, các nghị định thư được ký với nước này đã khai thông dòng chảy rau quả. Mặc dù bị tác động của lạm phát, các thị trường khó tính như Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc, New Zealand… vẫn tiếp tục nhập khẩu rau quả của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng ấn tượng của ngành hàng này.

Nhìn từ vùng nguyên liệu thì rau quả Việt cũng đã hình thành và phát triển được các vùng chuyên canh; mạng lưới trang trại, nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp đã quan tâm đến việc liên kết, hợp tác, đăng ký mã số vùng trồng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Chúng ta có nhiều giống rau, trái đa dạng, phong phú, có lợi thế cạnh tranh. Các cơ sở chế biến, bảo quản và hệ thống phân phối thời gian qua cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn trước. 

Tuy nhiên, các tháng đầu năm nay, thị trường tiêu thụ trái cây nội địa gặp phải nhiều phen sóng gió. Các loại trái cây như cam sành, xoài cát, thanh long, một số mặt hàng rau gặp cảnh rớt giá, tràn ngập đường phố, khó tiêu thụ, người trồng thua lỗ.

Rau quả xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng là điều đáng mừng, nhưng ngành hàng này vẫn đang bộc lộ sự phát triển thiếu bền vững. Tăng trưởng trái cây vẫn chiếm tỉ trọng chủ yếu của ngành, trong khi rau, hoa còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt. Đặc biệt, Việt Nam chưa phát triển tốt ngành công nghiệp hoa, xây dựng hệ thống bảo quản, phân phối, xây dựng các thương hiệu mạnh. 

Giống rau quả cũng là điểm yếu của ngành. Là quốc gia nông nghiệp nhưng hằng năm, Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng tỉ USD để nhập khẩu giống rau quả các loại. Điểm yếu kế tiếp là chi phí trung gian, giá thành sản xuất còn cao, nặng vật tư đầu vào; còn nhiều nơi chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu rau quả. Sản phẩm chế biến sâu, chủng loại mới, có giá gia tăng còn rất ít; chưa khắc phục được điểm yếu theo mùa vụ của các loại rau quả thô; hệ thống bảo quản, hậu cần (logistics) cho ngành chưa phát triển tương xứng; chưa có những thương hiệu hoa, trái cây nổi tiếng có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. 

Phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, trong đó có ngành rau quả, là hướng đi bền vững. Cần chuyển từ “sản xuất rau quả” sang phát triển ngành “kinh tế từ rau quả”, chuyển từ trồng trọt đơn ngành sang tích hợp đa ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp sản phẩm đa giá trị, từ tập trung hỗ trợ nông dân sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị. 

Cần tạo ra giá trị tăng dựa trên việc khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên.

Xuất khẩu trái cây tuy tăng trưởng mạnh nhưng nhìn tổng thể toàn ngành, vẫn còn nhiều việc phải làm. Độ khó và mức độ cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn. Nhìn từ 2 phía, sân nhà (thị trường Việt Nam) và sân khách (thị trường xuất khẩu) thì các mặt hàng rau quả vẫn không dễ “chơi”. 

Thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao; trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng lớn. Chính vì thế, rất cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để ngành hàng rau quả Việt phát triển bền vững. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI