Tiếp sức cho các nhóm trẻ gia đình

10/08/2014 - 07:34

PNO - PN - Hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại trẻ diễn ra nhan nhản ở khắp nơi. Chưa hết, nhiều vụ tai nạn thương tâm của trẻ đã xảy ra do sặc cháo, té ngã… khi được giữ ở những nhóm trẻ gia đình khiến xã hội lo âu. Nhưng, đợi một...

Làm sao xóa “địa chỉ đen” nuôi giữ trẻ?

Chiều 5/8, có mặt tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, chúng tôi nhờ người quen “chỉ điểm” vài nhóm trẻ gia đình đang hoạt động tự phát. Trong một căn hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Triệu Luật, một căn phòng trọ chỉ chừng 4 x 10m có mười đứa trẻ còn rất bé đang được hai vợ chồng tuổi trung niên coi sóc. Theo người dân sống gần phòng trọ, thời điểm giữa hè, nhóm trẻ này giữ đến 18 bé. Đáng nói là nhóm trẻ chỉ cách UBND P.Tân Tạo vài trăm mét, hoạt động từ nhiều năm nay.

Một nhóm trẻ khác ở đường số 10, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức trông bốn đứa trẻ độ tuổi chập chững tập đi ngay trong một gian bếp nhỏ. Các cháu lăn, trườn, tập đi ngay bên dưới kệ bếp với đầy nồi niêu xoong chảo phía trên. Chị Lê Thị Th. nhà sát bên nhóm trẻ này lo lắng: “Dù có hai người canh thì nơi đây vẫn không an toàn chút nào cho các bé”.

Thậm chí ở P.Hiệp Thành, Q.12, chúng tôi chứng kiến một cụ già hơn 70 tuổi, tay đã run, lại được cô cháu ngoại (là chủ nhóm trẻ gia đình) “trưng dụng” coi giúp một lúc bốn đứa trẻ để cô này đi chợ. Hai bên hàng xóm đều cho biết, cô cháu của cụ nhận giữ con cho các công nhân khu công nghiệp gần đó với giá 1,2 triệu đồng/cháu/tháng. Nhưng, khi vào gia đình “hỏi thăm” thì cô này lắc đầu: “Tụi nhỏ toàn là con của anh chị tôi thôi”.

Một lãnh đạo cấp phường ở Q.12 nói: “Số nhóm trẻ hoạt động không phép trá hình kiểu “giúp người thân giữ cháu” vẫn “qua mặt” chính quyền khá nhiều". Theo chúng tôi đây mới chính là những “điểm đen”, nguy cơ về vệ sinh, an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, chính quyền không cách gì kiểm tra xuể. Ngay tại địa bàn P.An Phú Đông Q.12 cách đây chưa lâu đã có một trẻ tử vong vì sặc cháo ở một điểm giữ trẻ không phép, khi chính quyền “khui” tới, chủ nhóm trẻ vẫn nói là “giữ giúp” người thân.

Dẫn chúng tôi đi thực tế, một Chi hội trưởng PN một khu phố ở Q.Thủ Đức tâm sự: “Việc khảo sát số nhóm trẻ không phép để báo cáo không dễ chút nào. Biết người ta giữ trẻ, nhưng có một, hai cháu, nghĩ người ta vì mưu sinh nên thấy tội, tôi đâu dám báo chính quyền chỉ điểm”.

Chị Trương Thị Kim Chung - chủ nhóm lớp mầm non Đan Vy trên địa bàn Q.Tân Phú trăn trở: “Nếu Q.Tân Phú thành lập CLB Nhóm trẻ gia đình, tôi sẽ tham gia ngay, trước tiên là để học hỏi kinh nghiệm cho công việc của mình. Thứ nữa, hy vọng qua sinh hoạt, CLB sẽ giúp cải thiện hơn nữa việc nuôi dạy, chăm sóc và bảo vệ trẻ trên địa bàn. Cái mình lo lắng nhất vẫn là sự tồn tại của những điểm nuôi trẻ nhỏ lẻ theo thỏa thuận miệng. Các trẻ ở đây thường từ dưới 36 tháng tuổi, thậm chí không ít trẻ dưới 18 tháng tuổi, nguy cơ đối với trẻ rất cao”.

Nhận định của chị Chung không phải vô căn cứ bởi hiện ngành giáo dục vẫn đang “bỏ ngỏ” việc giữ trẻ dưới 18 tháng, vài quận thí điểm, nhưng lại thí điểm ở trường công, nơi mà chắc chắn những người không có hộ khẩu kiểu công nhân nhà trọ chẳng thể chen chân vào, còn người có thường trú sẽ chẳng mấy người lựa chọn.

Tiep suc cho cac nhom tre gia dinh

Một nhóm trẻ gia đình tại P.13, Q.Gò Vấp

CLB Nhóm trẻ gia đình - Góp một bàn tay

Theo bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, không phải bây giờ mà trước đó, tình hình hoạt động của các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn TP đã rất phức tạp, nên ngay từ đầu năm 2012, Thành Hội đã khảo sát thực tế rồi chọn khu phố điểm để chuẩn bị xây dựng mô hình CLB Nhóm trẻ gia đình. Vì CLB mang tính chuyên môn cao nên Thành hội lại “gõ cửa” Trường cao đẳng Sư phạm trung ương để cùng lên kế hoạch tổ chức các lớp sơ cấp nuôi, dạy trẻ cho các thành viên CLB.

Bà Mai nhớ lại: “Ngay thời điểm đó, hàng loạt vụ bạo hành trẻ tại những nhóm trẻ gia đình, trường tư thục… liên tiếp bị báo chí phanh phui khiến chúng tôi càng quyết tâm đưa mô hình này vào cuộc sống. Lại được sự ủng hộ của chính quyền các cấp nên chúng tôi đẩy nhanh tiến độ phối hợp, tháng 8 và 9/2013, hai CLB Nhóm trẻ gia đình ra đời, với hàng loạt hoạt động tuyên truyền như in tờ rơi, tài liệu, những buổi truyền thông, các lớp tập huấn, đào tạo đã bắt đầu từ đó”.

Sau bốn tháng tham gia lớp sơ cấp nuôi dạy trẻ do Thành hội tổ chức (từ tháng 3/2014 đến nay) ông Ngô Văn Quang, 65 tuổi ngụ ở KP.1, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân khoe: “Tối nào tôi cũng đi học. Một ông già đi học lớp sơ cấp nuôi dạy trẻ thì cũng hơi… bất thường”. Ông Quang nói vậy nhưng vẫn kiên trì bám lớp học đêm này, bởi nhóm trẻ gia đình từ hai năm qua đã là kế sinh nhai của cả gia đình ông. Chị Trần Thị Bi, một học viên khác của lớp cho biết: “Vào lớp học mới thấy việc mình cặm cụi làm bấy lâu có nhiều điều chưa đúng, học rồi thấy vững tin hơn”.

Chị Võ Thị Hà, chủ nhóm trẻ Anh Đào, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân cũng hồ hởi: “Vào CLB mình mới vỡ ra nhiều điều về công tác quản lý, về chuyên môn và được chia sẻ những khó khăn khi điều hành nhóm lớp. Ở “thương trường” tổ chức nhóm trẻ gia đình, bạn luôn phải tự tìm cách để sinh tồn chứ không ai cho bạn kinh nghiệm đâu. Nhưng, với các thành viên CLB thì lại khác, các chị sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm quý như tìm mua thực phẩm ngon, sạch, rẻ chỗ nào; bí quyết giữ đúng giá học phí, tiền ăn ở mức thấp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ; cạnh tranh lành mạnh để tăng số lượng, đảm bảo chất lượng ra sao…”.

Lớp sơ cấp nuôi, dạy trẻ của P.Tân Tạo là một trong hai lớp học đầu tiên do Hội LHPN TP.HCM phối hợp Trường cao đẳng Sư phạm trung ương tổ chức và là một trong những hoạt động đầu tiên của việc thực hiện công trình “Vận động xây dựng hai điểm giữ trẻ gia đình tại Q.Bình Tân và Q.Thủ Đức; tổ chức đào tạo và phát triển lực lượng nuôi giữ trẻ tại gia đình” của Đại hội Hội LHPN TP.HCM (nhiệm kỳ 2011-2016). Tuy đã có nhiều tín hiệu vui như có 81 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp sơ cấp nuôi dạy trẻ, hàng trăm người khác đang theo đuổi những lớp học tương tự… nhưng chính những người chủ nhóm trẻ gia đình này lại bày tỏ không ít băn khoăn: “Chúng tôi chỉ là số ít trong hàng ngàn người giữ trẻ ở các nhóm tự phát may mắn được Hội phát hiện và đào tạo. Liệu một mình Hội Phụ Nữ có đủ sức để thực hiện công việc này không?”.

Giúp các nhóm trẻ không phép được có phép

Một năm qua, các CLB Nhóm trẻ gia đình do Thành Hội thành lập đã thực sự là cầu nối để những chủ nhóm trẻ gia đình có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về chuyên môn. Một sinh hoạt lẽ ra rất bình thường trong môi trường giáo dục, nhưng vì là những đơn vị tư nhân, chủ yếu xem việc giữ trẻ là chuyện kinh doanh; chuyện “cơm áo, gạo tiền” nên nhiều chủ nhóm trẻ chưa và cũng không bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ được tham gia những hoạt động chính quy như vậy.

Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề của các nhóm trẻ gia đình mà Hội chưa “kham” xuể. Ngay tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện mô hình CLB Nhóm trẻ gia đình, nhiều đại biểu đã bàn tới những câu chuyện mà người nghe “nổi da gà”: trẻ bị cô lấy chân đạp vì ngậm thức ăn, trẻ bị sặc cháo tử vong, chồng của bảo mẫu - chủ nhóm trẻ xâm hại trẻ… Mới đây nhất là vụ chồng của một chủ nhóm trẻ đã hiếp dâm bé gái tám tuổi ở H.Hóc Môn. Một cán bộ Hội đã “nhấn” ngay: “Toàn những điểm nuôi dạy trẻ không phép và nhỏ lẻ kiểu “giữ giúp, giữ giùm”!

Tại Hội nghị, các đại biểu băn khoăn: Trước đây ngành giáo dục chỉ quản lý các nhóm trẻ có phép, còn khi kiểm tra phát hiện nhóm trẻ chưa có phép (trên mười trẻ) thì chỉ xử lý bằng cách giải tán. Nhưng, đối với nhóm ít trẻ (dưới mười trẻ) thì vẫn chưa có giải pháp vì rất khó dẹp. Tuy nhiên, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP cương quyết: “Nếu phát hiện những nhóm giữ trẻ trên mười trẻ, chúng ta đề nghị chính quyền dẹp, tuy nhiên bên cạnh đó, cần đề nghị hỗ trợ. Về mặt kiến thức, chúng ta có thể giúp các chị đi học, còn về cơ sở vật chất, việc vay vốn để trang bị lớp học bằng nguồn vốn địa phương, ngân hàng chính sách cũng là một giải pháp hay. Mục đích làm sao giúp các nhóm không phép trở thành có phép. Riêng với những nhóm chỉ nuôi vài trẻ, thường hoạt động không phép, có nguy cơ dẫn đến không an toàn cho trẻ, hơn ai hết cần vận động họ vào CLB để chuyển kiến thức, tổ chức sinh hoạt cho các chị”.

Cũng theo bà Phương Hoa, những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra đều nhờ tai mắt của người dân. Do đó, các cấp Hội cần tổ chức đội chân rết xuống khắp 322 phường xã, thị trấn để đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra hoạt động trên cộng đồng dân cư, đặc biệt là các nhóm giữ trẻ hiện nay.

Có thể thấy, để giải quyết những vấn đề nói trên, không thể là nỗ lực riêng lẻ của Hội mà đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là các cấp chính quyền thành phố.

 NGHI ANH - HOA LÀI

Ngày 7/8, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức sơ kết hoạt động mô hình câu lạc bộ “Nhóm trẻ gia đình” trên địa bàn Q.Bình Tân và Q.Thủ Đức. Sau một năm thành lập, tại Q.Thủ Đức, từ mô hình thí điểm đã nhân rộng xây dựng mô hình tại ba phường Linh Xuân, Tam Phú và Bình Chiểu. Để mô hình hoạt động có hiệu quả, Hội LHPN TP đã cung cấp nhiều tài liệu tuyên truyền như: tờ bướm, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay truyền thông… hướng dẫn nuôi dạy trẻ; lồng ghép tổ chức 36 buổi sinh hoạt, thu hút hơn 2.650 lượt người tham dự; chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho bốn quận: Q.7, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức tổ chức 78 lớp tập huấn cho hơn 5.460 thành viên CLB, lượt người nuôi giữ trẻ trên địa bàn. Thành Hội PN còn tổ chức hai lớp sơ cấp nuôi, dạy trẻ cho hơn 160 người là thành viên CLB, người trực tiếp nuôi giữ trẻ trên địa bàn hai đơn vị điểm.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI