Tiếp nhận 51 ca xâm hại, bạo lực từ mô hình một cửa

20/03/2024 - 14:49

PNO - Qua một năm thí điểm, mô hình đã tiếp nhận được 51 ca, trong đó có 18 ca xâm hại, 29 ca quan hệ đồng thuận, 4 ca bạo lực.

Ngày 20/3, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức sơ kết 1 năm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM”.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Qua một năm thí điểm, mô hình đã tiếp nhận được 51 ca, trong đó có 18 ca xâm hại, 29 ca quan hệ đồng thuận, 4 ca bạo lực.

Tuy nhiên, chỉ có 7 ca đồng ý báo công an xử lý, 1 ca đi giám định thương tật, còn lại là gia đình không khai báo, thỏa hiệp với thủ phạm hoặc từ chối hỗ trợ, không hợp tác. Nạn nhân ở độ tuổi 14 - 16 tuổi chiếm tỷ lệ cao.

Trong tổng số các ca được tiếp nhận, đa phần nạn nhân sống trong gia đình không phải không hạnh phúc, có cha mẹ ly hôn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt như khuyết tật, sống lang thang, mồ côi, sống trong cảnh bị bạo hành… Địa bàn cao nhất vẫn là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, 8, 12, TP Thủ Đức… cũng như các ca tiếp nhận từ tỉnh Long An chuyển đến.

Báo cáo từ Bệnh viện Hùng Vương, trong năm có 528 trường hợp trẻ đến bệnh viên Hùng Vương để sinh, bỏ thai nhưng chỉ có 10% trong số đó đi qua mô hình 1 cửa.

Sở Y tế TPHCM nhận định: Mô hình là bước tiến lớn, thực hiện tốt công tác xã hội. Các bệnh viên là nơi tiếp nhận ban đầu, xử lý y tế. Chính vì vậy, cần tập huấn cho nhân viên công tác xã hội bệnh viện, tăng cường nhân lực có chuyên môn, nhân viên chuyên trách từ các đơn vị như Sở Lao động - Thương binh, Xã hội, Hội Phụ nữ.

Trong quá trình vận hành thí điểm, mô hình còn vướng khó khăn, nhất là nguồn nhân lực, pháp lý và kinh phí, quản lý ca. Công tác sàn lọc các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa được địa phương quan tâm đúng mức.

Theo đó, các đại biểu cho rằng, để phát huy hiệu quả mô hình, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình. Tổ chức đồng bộ từ khâu tiếp nhận ban đầu. Đề xuất bệnh viện tuyến quận/huyện, TP Thủ Đức tham gia mô hình. Đẩy mạnh mô hình trở thành mô hình tích hợp đa chiều, linh hoạt, không thụ động ngồi chờ người ta đến.

Các đại biểu tham gia góp ý cho mô hình 1 cửa
Các đại biểu tham gia góp ý cho mô hình 1 cửa

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Qua 1 năm thực hiện thí điểm cho thấy có sự nỗ lực của các bên cùng vai trò điều phối của Sở, các đối tác, đơn vị đồng hành để có được kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, 1 năm vận hành vẫn còn các khoảng trống.

Mô hình chỉ tiếp nhận khoảng 10% trong số liệu thống kê của 1 bệnh viện thống kê, điều này cho thấy số lượng các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên thực tế vẫn không dừng lại.

Ông Lê Văn Thinh yêu cầu: Trong những năm tiếp theo, không triển khai thực hiện gói lại chỉ với một Bệnh viện Hùng Vương, cần tính toán mở rộng tại các địa chỉ khác nhưng tinh thần vẫn là “1 cửa”.

Tiếp tục rà soát các qui chế để gỡ khó, bổ sung chức năng cho các đơn vị để tạo thuận lợi trong quá trình tiếp nhận nạn nhân, chuyển nạn nhân bị bạo lực xâm hại. Tính toán lại nguồn lực để vận hành mô hình.

Ông Lê Văn Thinh đề nghị, các sở, ban ngành, UBND quận huyện thành phố Thủ Đức cần xây dựng kế hoạch cụ thể liên quan đến ngành, địa phương, vẫn tập trung cho công tác phòng ngừa là chính, tập trung công tác tuyên truyền xuống từng địa phương với phương cách trang bị cho nhóm yếu thế tự phòng tự tránh.

Trang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI