Tiếp lửa cho sân khấu cải lương tuồng cổ

03/05/2021 - 09:48

PNO - Thương hiệu Minh Tơ được gầy dựng từ uy tín của dàn diễn viên lão luyện cùng truyền thống một gia tộc nghệ thuật sáu đời theo nghiệp Tổ.

Chạy từ Long Khánh (Đồng Nai) xuống TP.HCM để xem suất hát tái xuất của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ vào tối 1/5, anh Lê Đỗ Duy Ân háo hức: “Hồi nhỏ tôi hay theo nội coi đoàn Minh Tơ diễn, thấy tuồng tích màu sắc, sân khấu rần rần, tôi mê lắm. Cũng 30 năm rồi tôi mới lại đi xem hát…”.

Khán phòng sân khấu nhỏ Sen Việt chỉ hơn 100 ghế chen kín người, hầu hết đều là những khán giả tri âm của đoàn. Đợt diễn này không hề quảng bá, chỉ thông qua facebook vài nghệ sĩ thành viên trong gia tộc Minh Tơ rồi truyền tai nhau, mà vé đã bán hết từ sớm, các suất diễn tiếp dù chưa có lịch cụ thể cũng đã có vé đặt trước.

Rất đông khán giả đã đến xem đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ tái xuất
Rất đông khán giả đã đến xem đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ tái xuất

Thương hiệu Minh Tơ được gầy dựng từ uy tín của dàn diễn viên lão luyện cùng truyền thống một gia tộc nghệ thuật sáu đời theo nghiệp Tổ. “Xem lại, tôi thấy lửa nghề của người nghệ sĩ vẫn như ngày nào, thậm chí còn hơn nữa. Các cô chú Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến… đã thêm 30 năm tuổi, họ diễn như là suất diễn cuối cùng làm tôi thực sự xúc động”, anh Duy Ân chia sẻ.

Tinh thần đó cũng đã được thể hiện rõ trong chính vở diễn khai màn cho lần trở lại này. Lưu Bị cầu hôn giang tả được cố NSND Thanh Tòng chuyển thể, chỉnh lý lại từ kịch bản hát bội của cha mình là cố nghệ sĩ Minh Tơ.

Nghệ sĩ Thanh Loan nhớ lại, đây là vở diễn để lại nhiều kỷ niệm khó quên khi được dàn dựng trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn sau ngày thống nhất. Đạo diễn vở là nghệ sĩ Thanh Tòng bị tai nạn, phải vừa nằm vừa chỉ đạo tập vở, nhưng đó lại là tác phẩm chủ lực, giúp đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ “ăn nên làm ra” một thời. Với nhiều lớp diễn kinh điển, các trình thức vũ đạo hấp dẫn của cải lương tuồng cổ, cùng tình huống kịch cao trào, Lưu Bị cầu hôn giang tả cũng là một kịch bản chuẩn mực để truyền nghề.

Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo cho biết, dù là con cháu trong gia tộc và theo nghề từ bé, nhưng đến tận lần này mới xem như được chính thức nối nghiệp: “Trước giờ chỉ là học lóm thôi, chưa được chính thức bẻ tay bẻ chân như bây giờ. Tập vở ở đoàn vô cùng nghiêm túc, từng cái nhấn nhá, ngân nga đều phải chuẩn, hời hợt là bị la ngay”.

Ngoài việc thể hiện lại các vai diễn quen thuộc, thế hệ nghệ sĩ thứ tư là Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Loan (đều đã ở tuổi ngoài 70) còn cố gắng phục dựng đúng bản gốc với sự chỉn chu trong từng lời ca, ý nhạc, dụng ý trong từng động tác, điệu bộ.

“Vì nhiều lý do, kịch bản bị lấy diễn nhiều nơi, cắt nhiều lớp làm trích đoạn, thành thử xuất hiện những dị bản, cắt ghép chắp vá không còn đúng kịch bản gốc, nên lần này chúng tôi cố gắng phục dựng trung thành nhất với bản cũ, để khán giả cảm nhận được cái hay của vở diễn cũng như nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Qua đó, nghệ sĩ thế hệ sau cũng học được nhiều bài học quý giá. Như tôi, hiểu được sâu hơn về ý nghĩa của vũ đạo mà tiết chế động tác thừa vốn chỉ để cho đẹp mắt…”, nghệ sĩ Điền Trung chia sẻ.

NS ƯT Tú Sương và hai con gái, thế hệ thứ 5,6 của dòng tộc Vĩnh Xuân
NSƯT Tú Sương và hai con gái, thế hệ thứ 5,6 của dòng tộc Vĩnh Xuân

Với các nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ năm là Xuân Trúc, Tú Sương, Lê Thanh Thảo… dù đã thành danh thì trở về tham gia cùng gia tộc cũng chỉ như những cô cậu học trò nhỏ, thấy mình phải bổ khuyết nhiều điều. Vui nhất là NSƯT Tú Sương khi chứng kiến hai cô con gái Hồng Quyên và Tú Quyên có vai diễn đầu tiên trên sân khấu của gia tộc. Cả hai đều có ý định nối nghiệp gia đình.

Với khoảng 70 kịch bản còn lưu giữ, đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã lên kế hoạch lần lượt phục dựng, trong đó không thể thiếu những kịch bản lịch sử kinh điển như: Bão táp Nguyên Phong, Câu thơ yên ngựa, Má hồng soi kiếm bạc, Thanh gươm và nữ tướng, Bức ngôn đồ Đại Việt, Dưới cờ Tây Sơn, Giai nhân và dũng tướng… 

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI