Tiếp động lực khởi nghiệp cho nữ vận động viên

13/11/2023 - 05:51

PNO - Phá kỷ lục cử tạ tại 10 kỳ ASEAN Para Games (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á), nữ vận động viên Châu Hoàng Tuyết Loan được xem như “tượng đài sống” của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Dẫu vậy, chị vẫn lo “làm gì kiếm sống” sau ngày giã từ sự nghiệp.

Nỗi niềm sau bục vinh quang

Năm nay chị Tuyết Loan, 48 tuổi, coi như đã đến đoạn cuối sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp, theo chị. Gia đình khó khăn, lại khuyết tật đôi chân nên Tuyết Loan chỉ học hết lớp Sáu rồi sớm bươn chải kiếm sống với nhiều công việc như may vá, làm móng, bán cà phê, bánh mì. Chị bén duyên với cử tạ cách nay 22 năm.

Vận động viên Châu Hoàng Tuyết Loan được xem là “tượng đài sống” của thể thao người khuyết tật Việt Nam, nhưng vẫn lo lắng cho ngày giã từ sự nghiệp sẽ không biết làm gì kiếm sống
Vận động viên Châu Hoàng Tuyết Loan được xem là “tượng đài sống” của thể thao người khuyết tật Việt Nam, nhưng vẫn lo lắng cho ngày giã từ sự nghiệp sẽ không biết làm gì kiếm sống

Từ đó, trừ mấy năm điều trị ung thư vòm họng, thời gian còn lại chị đều dành cho tập luyện, thi đấu. Là vận động viên đã góp mặt tại 5 kỳ Paralympic cùng hàng loạt kỷ lục ở ASEAN Para Games, thành tích của Tuyết Loan khó ai xô đổ được. Thế nhưng, khi càng có tuổi, bên cạnh một Tuyết Loan kiên cường trên sàn đấu còn có một Tuyết Loan âu lo cho tương lai.

Chị tâm sự: “Nhiều năm nay tôi bán hàng online kiếm thêm đôi đồng. Mơ ước của tôi là mở phòng tập cử tạ hướng dẫn các bạn khuyết tật, hoặc kinh doanh quán cà phê, sinh tố. Nhưng mọi thứ còn mông lung vì mình không có vốn”. 

Vận động viên Nguyễn Thị Thu Nhi (27 tuổi) - niềm tự hào của boxing Việt Nam - có mối lo liên quan đến kỹ năng xã hội và quản lý kinh doanh. Chị cho biết sau khi giải nghệ sẽ tập trung gầy dựng cửa hàng thời trang thể thao, bắt đầu là môn boxing rồi bổ sung sản phẩm liên quan các môn thể thao khác. “Tôi bỏ dở chương trình lớp Mười hai để chuyên tâm vào tập luyện và thi đấu quốc tế. Hiện, tôi đang học lại, chưa biết có thể vào đại học không. Khi còn nhỏ, tôi bán vé số phụ bà ngoại. Đến với boxing, mỗi ngày của tôi đều là tập và tập rồi đi thi đấu. Tôi ý thức rằng giờ mình còn trẻ, nhưng với bộ môn đối kháng như boxing, chừng 5-6 năm nữa là mình “già chát” rồi, phải tính đường tương lai. Tương lai đó ra sao hãy còn ngổn ngang” - chị Thu Nhi tình thiệt.

“Cô gái vàng” SEA Gmaes 31 - nữ vận động viên nhảy cao Phạm Thị Diễm - nhận mình may mắn vì trong thời gian còn thi đấu đã có cơ hội giảng dạy truyền lửa cho các bạn trẻ. Dù vậy, chị vẫn không tránh khỏi lo lắng trước bước chuyển từ thi đấu chuyên nghiệp sang cuộc sống không thi đấu chẳng còn xa.

“Tôi đã 33 tuổi, có lẽ thêm một kỳ SEA Games nữa là giã từ sự nghiệp. Có thời gian bị chấn thương phải tạm ngừng thi đấu, từ trải nghiệm của mình, tôi thiết tha đầu tư một trung tâm chuyên về vật lý trị liệu cho vận động viên, vừa hỗ trợ phục hồi, vừa chăm sóc về dinh dưỡng, tâm lý cho các bạn. Đây mới là ý tưởng thôi, tôi vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu” - chị Diễm thừa nhận.  

Vận động viên điền kinh Phạm Thị Diễm (giữa) mong muốn Hội Phụ nữ sẽ tổ chức thêm nhiều buổi truyền thông, hỗ trợ nữ vận động viên khởi nghiệp
Vận động viên điền kinh Phạm Thị Diễm (giữa) mong muốn Hội Phụ nữ sẽ tổ chức thêm nhiều buổi truyền thông, hỗ trợ nữ vận động viên khởi nghiệp

Rèn ý tưởng - mở tương lai

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - thấu hiểu những trăn trở của các nữ vận động viên như chị Tuyết Loan, Thu Nhi, Phạm Thị Diễm nên Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi truyền thông “Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên” vào ngày 7/11 vừa qua tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM. Hy vọng chương trình sẽ giúp chị em những kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, đồng thời cũng là lời nhắn: tổ chức hội sẽ luôn đồng hành cùng các chị em trong hôm nay cũng như trên hành trình xây dựng tương lai sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp. 

“Ngoài những thách thức thường gặp như phải có ý tưởng sáng tạo, có vốn, có kế hoạch cụ thể và tinh thần mạnh mẽ để đương đầu với vô vàn biến cố khó lường, sự thay đổi về kiến thức, công nghệ… thì phụ nữ khởi nghiệp còn phải đối mặt với rào cản định kiến giới, trách nhiệm với gia đình, chăm lo con cái. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có không ít nữ vận động viên vượt qua những rào cản đó để khởi nghiệp thành công, như vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh từng khá thành công với kinh doanh giày thể thao; nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo kinh doanh dịch vụ ăn uống” - bà Minh Hương chia sẻ. 

Trước việc nhiều chị em trăn trở về nguồn vốn khởi nghiệp, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - khẳng định: “Hội có thể đáp ứng nhu cầu này cho chị em thông qua nguồn vốn ủy thác, tín dụng của hội, vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trực thuộc Hội LHPN TPHCM. Khi có ý tưởng và quyết tâm theo đuổi, chị em đừng ngần ngại, hãy liên hệ với Hội Phụ nữ nơi mình cư trú, sẽ có cán bộ trực tiếp hướng dẫn chị em tiếp cận nguồn vốn phù hợp. Nếu chính thức khởi nghiệp, chị em hãy hướng đến chuyển đổi số, tận dụng kênh quảng bá qua mạng xã hội một cách hợp lý để tiếp cận khách hàng tốt hơn”. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương (hàng thứ hai, thứ ba từ trái sang) - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam  - chụp ảnh lưu niệm cùng các vận động viên
Bà Nguyễn Thị Minh Hương (hàng thứ hai, thứ ba từ trái sang) - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chụp ảnh lưu niệm cùng các vận động viên

Ông Phan Đình Tuấn Anh - nhà sáng lập, điều hành Angels 4 Us, cố vấn đổi mới sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp - gợi ý, các nữ vận động viên hình dung khởi nghiệp và con đường kinh doanh cũng tương tự thi đấu thể thao chuyên nghiệp, yếu tố con người là trên hết. “Không phải ai mới khởi nghiệp cũng có nhiều tiền. Và, tiền nhiều chưa chắc đã kinh doanh thành công. Sau khi ngừng thi đấu, hãy xem xét tài nguyên mà mình có, với khoản tiền tích cóp được, nếu kha khá thì các chị mở cửa hàng, công ty, còn ít có thể bắt đầu với xe cà phê, xe thức ăn vặt, làm nông nghiệp xanh, nhưng dù kinh doanh gì cũng phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Thêm nữa, khi có nhân viên đồng hành, hãy lắng nghe ý kiến của họ, để làm sao bồi đắp chất lượng con người thật tốt” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mong các doanh nghiệp hỗ trợ nữ vận động viên khuyết tật “khởi nghiệp 0 đồng”

Vợ chồng tôi từng kinh doanh quán ăn gia đình tại quận Tân Bình (TPHCM), nhưng chỉ duy trì được 2 năm vì cả 2 vợ chồng đều phải tập trung thi đấu và chăm lo 2 con nhỏ. 5 năm qua, tôi bán mỹ phẩm online. Ban đầu cũng mắc cỡ lắm, sợ mọi người nói mình lợi dụng hình ảnh vận động viên để kinh doanh.

Nhưng, có quá nhiều mối lo về tương lai sau khi giải nghệ nên phải chuẩn bị từng bước. Nhiều đồng nghiệp đang vừa thi đấu vừa bán vé số để duy trì cuộc sống. Qua buổi truyền thông này, tôi hy vọng Hội Phụ nữ sẽ kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ nữ vận động viên “khởi nghiệp 0 đồng” sau khi ngừng thi đấu bằng hình thức làm đại lý phân phối sản phẩm mà không cần cọc quá nhiều vốn, được hướng dẫn kỹ năng tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm, hoặc tiếp nhận vào công ty làm việc và kiên trì khâu đào tạo. Riêng bản thân, định hướng của tôi là mở cửa hàng kinh doanh các dòng mỹ phẩm lành tính, thân thiện với môi trường. 

Chị Nguyễn Thị Hải
vận động viên điền kinh người khuyết tật 

Nếu có ý tưởng, chị em hãy đến với cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp

Việc khởi sự kinh doanh thường bắt đầu với 1 ý tưởng, và để triển khai thành công thì cần thời gian học hỏi, tìm tòi, nỗ lực. Cho nên, ngay khi còn thi đấu, chị em hãy thử suy nghĩ về việc mình muốn và có thể làm, lên ý tưởng rồi xây dựng kế hoạch, bồi đắp dần. Về phía hội, hằng năm chúng tôi đều tổ chức cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với các chủ đề khác nhau.

Qua 5 năm tổ chức, đã có hơn 2.000 dự án ý tưởng dự thi cấp Trung ương, trong đó 172 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc, tổng trị giá hỗ trợ thực hiện các dự án là hơn 30 tỉ đồng. Hội Phụ nữ các tỉnh, thành cũng tổ chức cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, chẳng hạn mở lớp đào tạo, nâng cao kiến thức, năng lực quản trị doanh nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ thông tin, live stream bán hàng và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử… 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI