Tiếp cận chuẩn giáo dục tiên tiến thế giới

09/06/2017 - 10:01

PNO - Khi bước ra đấu trường quốc tế, dù là sân chơi lần đầu tiên “diện kiến”, học sinh Việt Nam cũng đủ tự tin khẳng định năng lực tư duy toán học và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với bạn bè và giám khảo quốc tế

Khi bước ra đấu trường quốc tế, dù là sân chơi lần đầu tiên “diện kiến”, học sinh Việt Nam cũng đủ tự tin khẳng định năng lực tư duy toán học và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với bạn bè và giám khảo quốc tế. Bản lĩnh này không phải dễ dàng hình thành chỉ sau những đợt tập huấn cấp tốc, mà đó là một quá trình được thụ hưởng chương trình giáo dục tiên tiến.

Tiep can chuan giao duc tien tien the gioi
Hai học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (đại diện Việt Nam) giành 2 huy chương đồng tại kỳ thi WMO tại Hàn Quốc

Dẫn chứng gần nhất là ở Vòng chung kết Olympic toán học thế giới được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2016, phải “đối đầu” với tám đội bạn có thành tích và kinh nghiệm thi thố, lần đầu tiên ra quân, đoàn học sinh TP.HCM hiên ngang “ẵm” luôn hai huy chương đồng. Kết quả này khiến nhiều nhà chuyên môn cũng phải thán phục, bởi trước đó, đoàn học sinh của Việt Nam không có cơ hội cọ xát tại vòng loại cuộc thi. 

Khi đó, trả lời báo chí Hàn Quốc, ông Chung-Koog Lee, Phó chủ tịch Hiệp hội WMO từng đánh giá: “Tôi biết ở các cuộc thi toán quốc tế dành cho cấp trung học, đoàn Việt Nam luôn đạt kết quả cao nhất. Nhưng cuộc thi này, đòi hỏi các thí sinh vừa thể hiện được năng lực về toán học, đồng thời yếu tố vận dụng toán vào ứng dụng cũng là tiêu chí hết sức quan trọng của chúng tôi. Các bạn đã thể hiện được trí tuệ và khả năng của mình. Đặc biệt, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của các em quá tốt, rất tự tin. Kết quả đội tuyển Việt Nam đoạt hai huy chương đồng cá nhân cho em Trần Nguyễn Thanh Nguyên và Trần Phương Anh (đều là học sinh lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) ở lần đầu dự thi cũng không quá bất ngờ”.

Với kinh nghiệm “chinh chiến” tại nhiều cuộc thi, em Nguyễn Hữu Anh Tuấn, học sinh lớp 7A14 trường THPT Trần Đại Nghĩa, vừa đạt giải nhì cuộc thi Toán học - tư duy và thực tiễn năm 2017, cho biết: “Những đề tài trong kỳ thi này thực tế hơn, họ đưa ra các khái niệm thực hành và yêu cầu người thi phải có kỹ năng vận dụng để giải quyết vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Có kiến thức chỉ là một mặt. Đây là những dạng toán có trong các trường học trên thế giới, càng nhiều ở những bậc học cao hơn. Nếu như ngày xưa, gặp dạng toán này chắc em lúng túng, rồi… bí luôn. Nhưng hai năm nay, em được học toán theo dạng luyện tập kỹ năng vận dụng nên làm tốt. Mục tiêu của em là hướng đến vòng chung kết thế giới sắp tổ chức tại Trung Quốc”. 

Kế hoạch sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ chọn ra 21 em xuất sắc trong danh sách 117 em vừa đoạt giải Toán tư duy và thực tiễn để bồi dưỡng, tập huấn để tiệm cận với đề thi các năm do chuyên viên của Sở và các chuyên gia của EMG Education nghiên cứu. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cuộc thi này có nhiều nước trên thế giới tham gia, trong đó có nhiều quốc gia rất mạnh về toán như Hàn Quốc, Trung Quốc…  

Lý giải cho sự tiến bộ về kỹ năng của học sinh TP.HCM trong thời gian gần đây, thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chia sẻ: “Tôi vừa có chuyến tham quan học tập tại một số trường trung học ở Anh để xem người ta thực hiện chương trình giáo dục như thế nào.

Tôi thấy chương trình của mình tuy xây dựng trên nền tảng chương trình Key Stage của Anh nhưng không phải rập khuôn. Ngược lại, thiết kế có chọn lọc, có sáng tạo, dành cho học sinh quốc tế. Điều này tạo nên sự phù hợp cho học sinh Việt Nam. Lồng ghép những kiến thức thuần Việt trên cơ sở ngôn ngữ Anh để dạy cho học sinh. Điều này giúp các em có thể phát triển khả năng ngôn ngữ nhưng đồng thời cũng biết về văn hóa, thắng cảnh trong nước. Đó là cái hay của chương trình ở mình".

Cũng theo thầy Nghi, chương trình tích hợp đã tận dụng tính ưu việt của cả hai chương trình, một bên toàn hàn lâm chuyên sâu, bên còn lại là sự vượt trội về ứng dụng và phát triển tư duy người học. Học sinh hứng thú với những chuẩn mới. Mà phàm hễ các em học thấy hứng thú chắc chắn hiệu quả. Rõ ràng nhất là khi học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đi dự thi các kỳ thi toán học tại Thái Lan, Hàn Quốc đều thể hiện được bản lĩnh và đoạt kết quả rất tốt. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:  Có lợi thế trong các cuộc thi quốc tế

Ở những cuộc thi toán ứng dụng quốc tế, nội dung thi thố, cọ xát không đặt nặng vấn đề kiến thức, chủ yếu đánh giá khả năng vận dụng toán như thế nào, học toán để làm gì. Vấn đề đó được giải quyết trong chương trình tích hợp, các em được làm quen và vận dụng trong từng bài tập nên học sinh học tích hợp có lợi thế rất nhiều trong các cuộc thi quốc tế.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI