Tiếp bước truyền thống anh hùng của Trung đội nữ du kích Củ Chi

10/10/2018 - 14:53

PNO - Cùng với Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định (TP.HCM) và Đội quân tóc dài (tỉnh Bến Tre), Trung đội nữ du kích Củ Chi (TP.HCM) cũng vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiep buoc  truyen thong anh hung cua Trung doi nu du kich Cu Chi
Một số hình ảnh tư liệu về Trung đội Nữ du kích Củ Chi.

Đội nữ du kích Củ Chi được thành lập vào đầu tháng 11/1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân tham chiến trên toàn chiến trường miền Nam, đưa những sư đoàn quân tinh nhuệ nhất xuống mảnh đất Củ Chi, lập phòng tuyến thứ hai để bảo vệ Sài Gòn và làm bàn đạp tấn công "tìm và diệt" Việt cộng trên các chiến khu biên giới. Ban đầu, đội nữ du kích chỉ có 3 người: bà Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê, xã đội phó xã Phú Hòa Đông), bà Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ, xã đội phó xã Nhuận Đức) và bà Lê Thị Sương (Năm Sương, đội viên đội du kích xã Trung Lập Thượng).

Những ngày đầu thành lập, 3 người chia nhau kêu gọi chị em tham gia đội du kích. Dần dần, đội nữ du kích Củ Chi tập hợp được gần 20 chị em, được huyện đội đưa đi huấn luyện quân sự rồi chia thành từng tổ, nhập vào các đơn vị chiến đấu ở vành đai vòng ngoài, trực tiếp đối mặt với địch ở căn cứ Đồng Dù. Ngoài việc động viên người dân tham gia tòng quân, đào đường hầm bí mật (địa đạo), tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu, Trung đội nữ du kích Củ Chi bắt đầu tham gia các trận chống càn, tổ chức diệt ác, phá kềm, xây dựng cơ sở trong lòng địch, vận động quần chúng đấu tranh, hướng dẫn bà con tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men ủng hộ cách mạng. 

Tiep buoc  truyen thong anh hung cua Trung doi nu du kich Cu ChiĐầu năm 1966, tổ 3 người gồm bà Út Nhỡ, bà Nga và bà Năm Sương nhận nhiệm vụ đánh toán lính Mỹ đi càn ở ngã ba Nhuận Đức. Trong trận này, dựa vào các hầm chông, hố đinh, bãi mìn tự tạo và hệ thống địa đạo liên hoàn, họ đã tiêu diệt 30 lính Mỹ và 1 xe tăng. Sau trận đó, tổ của bà Năm Sương tiếp tục củng cố chiến hào, đào thông thêm các địa đạo và đánh lui cả một trung đoàn ngụy càn vào làng. Cứ như thế, bằng cách đánh chớp nhoáng “xuất quỷ nhập thần”, tiếng tăm của Trung đội nữ du kích Củ Chi trở thành nỗi sợ hãi đối với quân đội Mỹ - ngụy. 

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trung đội nữ du kích Củ Chi được tặng 6 huân chương chiến công các loại, 70 lượt chị được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng, 3 chị là Chiến sĩ thi đua cấp miền cùng nhiều bằng khen, giấy khen của miền và quân khu Sài Gòn - Gia Định. Trong đó, người đội trưởng đầu tiên, liệt sĩ Nguyễn Thị Nê được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Sau ngày 30/4/1975, các nữ du kích Củ Chi trở về cuộc sống đời thường. Để tưởng nhớ đồng đội đã khuất và lời giao hẹn năm xưa “người còn sống cúng giỗ người hy sinh”, hằng năm, các chiến sĩ Trung đội nữ du kích Củ Chi năm xưa vẫn tụ tập nhau về, lấy ngày hy sinh của người “chị cả” Bảy Nê (ngày 10/11 dương lịch) làm ngày giỗ chung cho 24 chị em đồng đội. Họ thành lập ban liên lạc Trung đội nữ du kích Củ Chi và chi hội cựu chiến binh để giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mới.

Nối tiếp truyền thống đầy tự hào đó, phụ nữ H.Củ Chi hôm nay đã không ngừng nỗ lực vươn lên với nhiều gương nữ nông dân sản xuất giỏi, nữ doanh nhân, nữ trí thức thành đạt. Năm 2015, Củ Chi là huyện đầu tiên của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các hội viên phụ nữ.

Nhiều cách làm, mô hình của các cấp Hội ở H.Củ Chi được nhân rộng, như “vườn rau dinh dưỡng", nhóm phụ nữ “tín dụng tiết kiệm", các “tổ kinh tế hợp tác", nhóm “vốn liên kết", nhóm “vần công", nhóm “phụ nữ khá giúp phụ nữ khó", "câu lạc bộ Nữ chủ cửa hàng bình ổn", “bình nước nghĩa tình", “bơm xe nghĩa tình", “tủ áo yêu thương"... Trong đó có cả việc tiên phong thực hiện báo cáo nhanh qua Zalo, email, Facebook... Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách ngày càng được nâng lên rõ rệt về trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện H.Củ Chi có 100% chủ tịch Hội Phụ nữ xã tham gia cấp ủy, qua đó góp phần làm cho tiếng nói của Hội mạnh hơn, việc tuyên truyền, vận động phụ nữ hiệu quả hơn (hiện toàn huyện có 70.127 hội viên phụ nữ). 

Tiep buoc  truyen thong anh hung cua Trung doi nu du kich Cu Chi

Bà Lê Thị Phương Hồ - Chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi - chia sẻ: “Trước đây, hoạt động Hội ở H.Củ Chi tập trung vào các mô hình giúp nhau làm kinh tế, còn trong những năm gần đây, chúng tôi đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trao học bổng cho con hội viên”. Trong 2 năm 2016-2017, Hội LHPN H.Củ Chi là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua khối huyện.

“Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến là một chương lớn trong cuốn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đội quân tóc dài này xứng đáng trở thành đề tài nghiên cứu của những chuyên gia ngành phụ nữ học trên thế giới” - Marilyn B. Young, tác giả của cuốn The Vietnam War.

 “Trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng thần thánh của Việt Nam trước một lực lượng quân đội hùng mạnh như Mỹ, có một mảnh ghép vô cùng quan trọng, đó là nhờ có sự tham gia của phụ nữ. Họ là một trong những nhân tố quan trọng không thể bỏ qua” - Robert Olen Butler, tác giả cuốn A Good Scent from a Strange Mountain, người từng giành giải thưởng danh giá Pulitzer. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI