Tiếp bước quân hành dang dở của chồng

22/12/2021 - 06:44

PNO - Tròn một năm kể từ ngày liệt sĩ Phạm Ngọc Quyết hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, đóng tại xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, mỗi khi thấy mẹ mặc bộ quân phục màu xanh đi làm, hai đứa nhỏ đều ngoan ngoãn đến trường và bảo: “Mẹ đang thay ba đi làm nhiệm vụ”.

Những ngày này, căn nhà nhỏ của thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Giao Linh có đông đồng đội ghé thăm. Hôm tôi đến, chị Linh vừa trở về sau hành trình vượt hơn 100km, mang bó hoa tươi đến nhà tưởng niệm các liệt sĩ Đoàn 337 ở xã Hướng Phùng để tưởng nhớ chồng và đồng đội. 

Một năm qua,  chị Giao Linh vừa  làm mẹ vừa làm “cha”  chăm sóc hai con nhỏ
Một năm qua, chị Giao Linh vừa làm mẹ vừa làm “cha” chăm sóc hai con nhỏ

Chị Linh cho biết, đây là ngày lễ 22/12 đầu tiên trong nghiệp lính của chị. Năm trước, sau khi chồng hy sinh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã xét và tuyển dụng chị vào ngành. Chị được phân công về làm việc tại Phòng Tham mưu, phụ trách công việc nuôi quân. “Sau khi lấy chồng, mình ở nhà buôn bán nhỏ và nuôi con. Khi vào quân đội, ban đầu, mình cũng bỡ ngỡ lắm, chưa quen các công việc và quân lệnh, điều lệnh. Rồi mỗi ngày mặc quân phục đi làm, đến cơ quan, nhìn đồng đội thì lại nhớ thương chồng, phải khó khăn lắm mới vượt qua để tiếp tục công việc” - chị Linh kể. 

Trong những thời điểm khó khăn, chị luôn được đồng đội hỗ trợ, động viên. Đơn vị cũng bố trí chị làm trong giờ hành chính để chị tiện đưa rước con đi học. “Một năm qua, công tác trong quân đội, mình mới hiểu và thương chồng nhiều hơn. Ngày trước, anh cũng hay kể về công việc của người lính nhưng mình chưa hình dung hết. Mỗi ngày, mình đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để thay anh tiếp nối con đường binh nghiệp” - chị Linh trải lòng. 

Chị Giao Linh trong màu áo lính, thay chồng tiếp bước quân hành
Chị Giao Linh trong màu áo lính, thay chồng tiếp bước quân hành

Chị Linh sinh ra và lớn lên ở H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 17 năm trước, chị tình cờ quen chồng trong một lần ngược lên H.Cam Lộ để thăm đứa em trai đang làm nghĩa vụ quân sự. Chồng chị lúc đó phụ trách công tác huấn luyện tân binh. Quen nhau một thời gian, hai người xác định cưới. “Cha của anh cũng là bộ đội, mất trong quân đội sau một trận ốm khi anh tròn năm tuổi. Các cô ruột của anh cũng đều là liệt sĩ nên anh luôn yêu con đường mình lựa chọn. Lấy anh, ngay từ đầu, mình xác định vợ lính thì luôn chịu cảnh xa chồng. Hồi đó đang yêu nhau mà vài tháng mới gặp nhau một lần, tâm tình chủ yếu qua trang thư nên sau này khi thành chồng vợ, mình cũng hiểu và cố gắng làm hậu phương vững chắc cho anh yên tâm”. 

Một thời gian ngắn sau ngày cưới, có với nhau đứa con trai đầu lòng thì anh Quyết nhận nhiệm vụ mới ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, đóng ở huyện miền núi Hướng Hóa. Chị Linh chia sẻ: “Thời gian ở Đoàn 337, anh thường xuyên xa nhà hơn. Có nhiều khi mấy tháng, anh không về nhà. Lấy nhau 17 năm nhưng tính ra chỉ ở gần nhau tầm một năm. Anh không về được thì thỉnh thoảng mình lên thăm, cùng anh và đồng đội đi hướng dẫn bà con trồng cây, chăm sóc vật nuôi. Để có cháu Gia Linh, mình cũng phải sắp xếp lên ở lại nửa tháng mới về”. 

Liệt sĩ Phạm Ngọc Quyết nguyên là trợ lý lao động - tiền lương, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, Quân khu 4. Trước vụ sạt lở núi khiến anh và 21 đồng đội hy sinh, anh trải qua ca phẫu thuật tim gần một tháng ở bệnh viện. “Anh mổ xong, về nhà nghỉ phép được hai tuần thì lại lên đơn vị. Anh nói cuối năm rồi, phải lên làm việc rồi nghỉ bù phép sau. Không ngờ 10 ngày sau đó, anh đi mãi” - chị Linh nghẹn ngào. 

Một năm qua, một mình chị Linh vừa làm mẹ, vừa làm “cha” của hai đứa trẻ, một cháu 5 tuổi, một cháu 15 tuổi. Vất vả và có nhiều lúc buồn, nhưng những lúc tuyệt vọng nhất, chị lại nhìn bộ quân phục treo trên tường và gượng dậy. Con trai đầu của chị - cháu Phạm Ngọc Vũ, vừa học lớp 10 - cũng luôn động viên mẹ: “Mẹ ráng thay ba làm tròn nhiệm vụ. Mai mốt tốt nghiệp phổ thông, con cũng theo nghiệp nhà binh”. 

Trước ngày kỷ niệm 77 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), chị Linh ủi lại bộ quân phục cho chồng rồi cẩn thận treo lên móc, bên cạnh bộ quân phục của chị. “Ngày lễ năm nay, lần đầu tiên trong 17 năm vợ chồng, mình đã được đồng hành cùng anh trong màu áo lính. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là động lực để mình thay anh chăm sóc, nuôi dạy con cái và tiếp tục cuộc đời binh nghiệp mà anh yêu thích và theo đuổi” - chị Linh bộc bạch. 

Ngọc Uyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI