Tiếp bài "phù phép" đất kênh rạch thành nhà ở trước mắt chính quyền: Sau kiểm tra, kênh rạch..."đột tử"

26/11/2016 - 07:39

PNO - Việc “phù phép” đất kênh rạch thành nhà ở trước mắt chính quyền không phải là trường hợp cá biệt mà diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng này hiện nay còn có dấu hiệu thờ ơ, dung dưỡng của cơ quan có trách nhiệm. 

Thực tế, việc “phù phép” đất kênh rạch thành nhà ở trước mắt chính quyền (báo Phụ nữ ngày 23/11) không phải là trường hợp cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi. Điều đáng nói, tình trạng san lấp kênh rạch trái phép hiện nay có dấu hiệu thờ ơ, dung dưỡng của cơ quan có trách nhiệm.

Dung dưỡng, thờ ơ

Ở khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè, TP.HCM, hầu như ai cũng biết việc san lấp trái phép hàng nghìn mét vuông đất kênh rạch của ông T., nhưng chính quyền địa phương xử lý hoài không xong.

Theo người dân, cách đây khoảng bốn năm, cạnh kho xăng dầu C (thị trấn Nhà Bè) có con rạch rộng khoảng 10m thoát nước chung của khu dân cư. Bất ngờ, ông T. không biết từ đâu đến ngang nhiên cho hàng trăm xe tải đổ đất san lấp.

Tiep bai
Dự án Riviera Point lấn chiếm hàng nghìn m2 rạch Cả Cấm.

Người dân phản ánh đến chính quyền, UBND thị trấn Nhà Bè cho người đến kiểm tra, lập biên bản nhưng sau đó tình hình vẫn không thay đổi. Hàng ngày, hàng trăm xe đất vẫn tấp nập ra vào san lấp. Chỉ trong vài tháng, diện tích san lấp lên đến cả nghìn mét vuông.

Người dân phản ánh lên huyện, cán bộ huyện đến kiểm tra, lập biên bản, nhưng sau đó mọi chuyện cũng không khác trước. Sau khoảng một năm rầm rộ san lấp, tổng diện tích ông T. san lấp lên đến gần 10.000m2 .

Con rạch bị “bức tử” chỉ còn rộng khoảng 2m, mỗi khi mưa xuống hoặc triều cường, cả khu dân cư chìm trong biển nước. Đến lúc này ông T. mới chịu dừng đổ đất và chuyển sang đổ đá làm đường. Chính quyền huyện, thị trấn lại kiểm tra, lập biên bản. Kết quả, sau gần một năm kiểm tra, xử lý, gần chục con đường đã... trải nhựa xong.

Cách địa điểm này khoảng 500m, diễn ra vụ lấn chiếm kênh rạch khác có quy mô không kém do Tổng kho xăng dầu C (trực thuộc Công ty xăng dầu khu vực 2) thực hiện. Con rạch TT6 rộng khoảng 20m là một nhánh của sông Nhà Bè có chức năng thoát nước cho các khu dân cư dọc đường Huỳnh Tấn Phát, Đào Tông Nguyên đã bị Tổng kho căng dầu C san lấp.

Vụ việc bị phát hiện nhờ người dân phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng ngập nặng ở đây mỗi khi trời mưa mà không rõ nguyên nhân. Tuy vậy, chính quyền địa phương vẫn không ngăn chặn được việc san lấp. Theo người dân ở hẻm 1982 đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, cách nay khoảng một năm, con rạch cuối hẻm này bị ông P. đến san lấp lấn chiếm hơn cả nghìn mét vuông.

Người dân phản ánh, chính quyền địa phương nhiều lần đến kiểm tra nhưng khoảng một năm sau, toàn bộ khu đất được san lấp, đổ bê tông làm đường hoàn chỉnh. Bức xúc, người dân xây tường chắn ngang hẻm 1982 không cho các con đường bên trong khu đất san lấp kết nối với khu dân cư.

Nghiêm trọng hơn, tại khu phố 3, P.Tân Phú, Q.7, Công ty TNHH Riviera Point - liên doanh giữa Công ty Tấn Trường và một đối tác Singapore khi làm dự án Riviera Point đã san lấp gần 5.000m2 rạch Cả Cấm. Hậu quả, cả khu phố thường xuyên rơi vào cảnh bì bõm trong nước mỗi khi trời mưa.

Dù dự án nằm gần UBND Q.7 nhưng suốt quá trình san lấp, đơn vị này không bị chính quyền phát hiện. Vụ việc chỉ bị lôi ra ánh sáng khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán chuyên đề giao đất, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn Q.7.

Xử lý kiểu... đồng thuận cho lấp?

Khi phát hiện vụ việc, thay vì xử lý kiên quyết, chính quyền địa phương hầu hết đều xử “ầu ơ” nên cứ sau mỗi lần kiểm tra, lập biên bản, diện tích san lấp lại tăng thêm. Tại khu vực san lấp trái phép của ông T. gần kho xăng dầu C, chính quyền địa phương không buộc đơn vị san lấp đào đất lên mà chỉ lập biên bản rồi... để đó.

Theo người dân, cách nay khoảng một năm, con rạch vẫn còn rộng khoảng 2m. Ngày 24/11, phóng viên ghi nhận con rạch đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông T. đã phân ra gần trăm lô đất kêu bán giá 300-400 triệu đồng/nền. Phần lớn các nền hiện đã bán xong.

Tại khu vực san lấp rạch TT6 trái phép của Tổng kho xăng dầu C, sau nhiều năm xử lý, hiện khu vực này đã mọc lên một nhà xưởng hoành tráng. Còn tại khu vực san lấp cuối hẻm 1982 đường Huỳnh Tấn Phát, sau thời gian dài chờ đợi không thấy chính quyền địa phương xử lý, người dân đã đập bỏ tường chắn, chấp nhận cho ông P. kết nối các con đường trong khu vực san lấp với khu dân cư, đổi lại, ông P. bỏ tiền nâng cấp con hẻm cho bà con trong khu vực.

Hiện ông P. đã thực hiện xong thỏa thuận và đang xây nhà rầm rộ rao bán 1,3-1,7 tỷ đồng/căn diện tích từ 30-50m2 . Trong khi đó, khi phát hiện chủ đầu tư dự án Riviera Point san lấp rạch Cả Cấm, thay vì xử lý nghiêm thì giải pháp của các cơ quan chức năng là cho tồn tại diện tích san lấp. Đổi lại, chủ đầu tư xây dựng một hồ điều tiết nước nằm trong dự án rộng gấp 1,2 lần diện tích rạch đã san lấp. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa xây.

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI