Tiếng vỗ tay, cái chợp mắt từ hành lang, sân bãi

20/03/2020 - 13:58

PNO - Khi sự sống, sức khỏe, bình yên của cộng đồng là trên hết, là tất cả thì một chỗ ngủ, xa xỉ hơn là một giấc ngủ chỉ còn như một phản xạ.

Những con hẻm thoai thoải dốc vắng ngắt, tiếng chó sủa dội vào bóng đêm, rùng rợn. Những khu chung cư âm u, ánh đèn vàng hắt lên, bóng người càng rũ xuống… Một góc châu Âu vốn kiêu kỳ, lộng lẫy nay hoang vu, lạnh lẽo.

Tiếng vỗ tay không chỉ xua đi sự im lặng, chết chóc, mà là lời cảm ơn gửi đến những người đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19
Tiếng vỗ tay không chỉ xua đi sự im lặng, chết chóc, mà là lời cảm ơn gửi đến những người đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19

Nhưng cũng chính từ nơi tưởng chừng đang chìm trong kiệt quệ, băng giá ấy, nơi mỗi hành lang của khu chung cư, lan dài theo con hẻm, dưới ánh sáng chấp chới là tiếng hát không đàn, tiếng vỗ tay thay cho lời của chuông nguyện. Từ Madrid, Tây Ban Nha sang Rome, Ý rồi đến Thụy Sĩ và giờ thì khắp Paris, Marseille, Lyon… Pháp đang ấm dần lên bởi thanh âm “bravo”. Bravo – vỗ tay không phải chỉ để xua tan sự im lặng đầy chết chóc và tự khích lệ mình mà chính là lời “merci bien” – cảm ơn gửi đến tất cả các bác sĩ, nhân viên y tế đang quay cuồng, vật lộn, hy sinh để giành giật, bảo vệ sự sống cho bao bệnh nhân.

Những tiếng
Tiếng vỗ tay đã giúp làm ấm lên, xóa đi không khí lạnh lẽo của dịch bệnh

Thánh ca, Quốc ca và bao nhiêu khúc ca trỗi lên từ đất mẹ, ngay trong thời khắc sinh tử này, mọi dân tộc, mọi công dân cứ thế mà hồn nhiên ca hát, như một thứ-ngôn-ngữ-giàu-có-nhất để bày tỏ, để nương tựa, để thay cho những lời chào đến lẫn đi, vui lẫn buồn, còn lẫn mất...

Những tình nguyện viên tranh thủ chợp mắt nghỉ trưa ở khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ
Đối với những tình nguyện viên ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, một chỗ ngủ, xa xỉ hơn là một giấc ngủ đôi khi chỉ là một phản xạ. Ảnh: Thanh Vũ

Cũng vẫn từ “hành lang”, hoặc cận nghĩa, ngay bên lán trại hay khu vực sân sau của ký túc xá, Đại học Quốc gia TPHCM, một khoảnh khắc được tác giả Thanh Vũ ghi lại, những thành viên trong đội tình nguyện, tranh thủ nghỉ trưa. Giữa khoảnh sân bê tông, những manh chiếu trải và đắp vội, chợp mắt, ngủ vùi đi trong bộ đồ đồng phục, bảo hộ, để kịp lấy lại sức, chút nữa đây lại lao vào nhiệm vụ.

Khi sự sống, sức khỏe, bình yên của cộng đồng là trên hết, là tất cả thì một chỗ ngủ, xa xỉ hơn là một giấc ngủ chỉ còn như một phản xạ, nhu cầu tối thiểu để không gục ngã, mà không màng bất cứ sự đắp đổi hay đòi hỏi gì hơn.

Sức tấn công của con virus quái ác corona mới đã lật mặt thói kiêu ngạo, cái bản tính “trung tâm vũ trụ” của con người. Nhưng ngay trước điểm nút đe dọa hủy diệt này, trong cơn sực tỉnh minh triết, một lần nữa, con người - homo sapiens đã cho thấy sức mạnh bền bĩ của “nòi giống tinh khôn”. Trỗi dậy và truyền đi thứ kháng thể của yêu thương, gắn kết và hy vọng, chỉ có thể là Con Người, ngay giữa dịch bệnh, thiên tai, địch họa...

"Nước có dịch như nhà có chuyện, mỗi người xúm vô lo một tay” – là lời trên facebook của Nguyễn Lê My Hoàn, bạn tôi. Lại một “con bạn” khác, Hoàng Dạ Thư, ngày thường hay tếu táo, facebook tràn ngập món ăn, váy áo, chồng con nay dậy lên lời kêu gọi: “Mọi người hãy chung tay để giảm bớt gánh nặng kinh phí cho chính phủ trong cuộc chiến này. Cách dễ nhất là hãy nhắn tin gửi 1407 là bạn đóng góp 200.000 đồng...”.

Bên “hiên nhà” facebook, bạn tự nguyện, bạn đồng lòng, bạn không hề sợ hãi và quay lưng.

Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng lách cách trên bàn phím và cả tiếng thở sâu chìm trong cái chợp mắt giữa sân ký túc hay bên lán trại ven rừng, bản tổng phổ ấy đẹp, lay động và mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi nó vang lên từ trong khốn cùng, hoạn nạn…

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Stars 22-03-2020 09:04:57

    ngủ ngoài sân như thế chỉ thấy sự cẩu thả tùy tiện, thậm chí lây bệnh từ quần áo bảo hộ. Dành riêng 2 phòng cho 2 nhóm y bác sĩ và bảo vệ an ninh. Khử khuẩn diệt trùng đàng hoàng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI