'Tiếng Việt tăng cường' trong trường học Đài Loan

14/07/2017 - 17:52

PNO - Lớp học gồm 36 học sinh, chia thành năm nhóm. Ở phía bục giảng, một nhóm chừng bảy em đang trình diễn một kịch bản “Đi mua hàng ở chợ Bà Chiểu” với các màn “hỏi giá, hỏi size và… trả giá”.

Từng đứa trẻ chừng 16, 17 tuổi ngọng nghịu vừa nhớ vừa đọc từng câu thoại. Ngồi nhìn chăm chú ở phía dưới, “khán giả” chỉ chực cười ầm lên khi có một diễn viên trót “chào chú” với một “chị chủ hàng”, rồi lại phá lên cười chảy nước mắt khi diễn viên ngờ nghệch: “Hai trăm ngàn hả? Mắc quá! Lấy ba trăm ngàn thôi nhé!”.

'Tieng Viet tang cuong' trong truong hoc Dai Loan
Những tiết học tiếng Việt trong trường phổ thông ở Đài Loan

Hồn nhiên… bỏ cuộc

Đó là giờ học cuối cùng trong lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho con của cô dâu Việt ở trường Trung học nghề Nantou, TP.Nam Đầu, Đài Loan. Đến từ mọi huyện thị của vùng lãnh thổ Đài Loan, các em là người được chọn tham gia chuyến về thăm quê ngoại do cơ quan đầu ngành về giáo dục tổ chức vào ngày 17/7 theo tiêu chí “học sinh cấp III, biết tiếng Việt cơ bản”. Và lớp bổ túc kỹ năng sử dụng tiếng Việt này là nơi đầu tiên được bập bẹ dùng cho thật “đúng nghĩa” từng tiếng mẹ đẻ, của những đứa con đang bước vào ngưỡng trưởng thành.

“Ở nhà con có thường xuyên dùng tiếng Việt với mẹ không?”, cô giáo Nguyễn Trà Mai cúi người xuống, nhỏ giọng hỏi một cô bé đang lúng túng trước một bài tập thực hành. Chị Mai kiên nhẫn nhắc lại câu hỏi đến lần thứ hai, Ngô Tứ Khải đỏ mặt, lắc đầu. Cô giáo cười hiền, xua tay: “à, không sao đâu”, rồi nhanh chóng thị phạm bài thực hành bằng một giọng rặt miền Nam. Chị đọc một câu, lại ra hiệu cho cả lớp đọc theo. Giáo trình đầy những loại cây trái. Đến khi đã thật thành thạo, cô giáo chỉ vào trái vải, mời ngẫu nhiên một bạn nam ở cuối lớp, hỏi: “Giờ muốn mua trái này thì nói làm sao nào?”. Cu cậu tần ngần đứng lên, gãi tai mấy bận, rồi dõng dạc: “Tôi muốn mua một trái mận này!”. Cả lớp lại cười ầm.

Tất cả học sinh đều cao lớn, lanh lẹ, nhưng mọi diễn biến trong giờ học lại giống như một buổi học… vỡ lòng. Có một điều lạ là các em phản ứng rất nhanh với lời nói của giáo viên; nhưng đến lượt mình thì lóng ngóng ngay từ câu nói đơn giản nhất. Có khi, vừa khó nhọc nói xong hai chữ “cho hỏi…”, các bạn lại nói liếng thoắng... một tràng tiếng Trung. Theo chị Đặng Kim Oanh (SN 1986, sống tại TP.Nam Đầu), tất cả những biểu hiện ấy của các em cũng kể phần nào câu chuyện của những người mẹ Việt ở xứ này.

Nhưng, phải sau vài ngày tiếp xúc, tôi mới thực sự hiểu câu nói của chị Oanh. Trong mọi cuộc gặp gỡ các em sau giờ học, tôi đều dùng tiếng Việt. Câu hỏi nhanh chóng được các em hiểu rồi… trả lời bằng tiếng Trung. Kỹ năng nghe, hiểu thành thạo bao nhiêu thì việc phải nói, phải phát âm lại khó nhọc với các em bấy nhiêu. Tôi hỏi, “em học nghe ở đâu?”. Lưu Nguyên Dịch (17 tuổi) chậm chậm nói: “Con nghe mẹ nói từ hồi còn nhỏ rồi”. “Cuộc trò chuyện song ngữ” này đã quá quen thuộc trong suốt những năm tháng trưởng thành của những đứa trẻ có mẹ Việt ở Đài Loan.

Những năm đầu đời với từng đoạn giao tiếp đơn giản, mẹ nói một câu tiếng Việt; con lại cố gắng lặp lại. Nhưng, về sau, càng nói được nhiều chữ, số tiếng Việt được con trẻ sử dụng lại giảm đi. Nỗ lực dạy tiếng Việt cho con cũng phôi pha theo sự bận bịu hòa nhập xã hội của một “cư dân mới”, cùng lực hút trong một môi trường đông đảo người dùng tiếng Trung. Đến 5-6 tuổi, khi con đã nói thạo, cuộc trò chuyện chuyển thành song ngữ. Mỗi người một tiếng nói.

Vương Ngọc Hoa (16 tuổi) còn nhớ như in những lần bị mẹ “chiến tranh lạnh” vì “không chịu dùng tiếng Việt”. Năm 6 tuổi, vào lớp 1 với hơn 20 người bạn học “nói toàn tiếng Trung”, về nhà, Hoa nhất quyết không học tiếng Việt nữa. Cứ mẹ nói một câu tiếng Việt, Hoa kiên quyết: “Mẹ sai rồi!”, rồi dịch nguyên câu nói ấy qua tiếng Trung. Mẹ dặn: “Con cứ nói tiếng Trung với mọi người, nhưng phải nói tiếng Việt với mẹ”. Cứ mỗi lần sắp về Cần Thơ thăm ngoại, mẹ lại tăng cường dạy tiếng Việt. Nhưng, “tiếng Việt khó quá”, cứ  mẹ nói tiếng Việt, con lại nói tiếng Trung. Chừng đến câu thứ 5, người mẹ nóng giận quất roi vào chân con, rồi bỏ đi ra ngoài sau lời tuyên bố: “Chừng nào chịu nói bằng tiếng Việt thì hẵng nói chuyện với mẹ!”.

Những người mẹ như thế nhiều vô kể ở xứ này. Có nhiều chị vừa kết hôn một thời gian ngắn đã sinh con. Mẹ chưa rành tiếng bản địa, con đã bi bô học nói. Tiếng Việt của mẹ lạc lõng giữa bao nhiêu người thân dùng bản ngữ, đứa trẻ trưởng thành trong cái quán tính thích nghi, trở thành một người “chỉ biết tiếng Trung” bên cạnh một người mẹ vẫn còn loay hoay học tiếng. Những đứa trẻ hồn nhiên bỏ cuộc trong sự học nhọc nhằn. Những cuộc giao tiếp mẫu tử ban đầu bị ngập ngừng, đứt đoạn. “Không phải học tiếng Việt” là bớt một gánh nặng ngôn ngữ cho những đứa trẻ vốn đã phải học hai thứ tiếng Trung Quốc, Phúc Kiến, nhưng lại trở thành một sự thiệt thòi - khi không thể kết nối với mẹ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Nhưng, sự bất đồng ngôn ngữ không chỉ là một rào cản. Tôi nhớ như in cái khoảnh khắc kết thúc giờ học, khi chị Mai chủ ý gọi  Ngô Tứ Khải lên thực hành lại một bài nói. Đứa trẻ khó nhọc vừa nói vừa ngập ngừng. Kiên nhẫn động viên cho đến khi Khải hoàn tất bài tập, chị Mai nhắc: “Con nhớ về nhà thực hành nhiều hơn với mẹ nha!”. Đứa trẻ ngước lên nhìn cô giáo, như trả lời lại câu hỏi từ đầu giờ học: “Mẹ con mất rồi”.

Không còn đơn độc

Chị Mai, chị Oanh, hay tất cả những cô giáo dạy tiếng Việt tôi gặp trong suốt một tuần ở Đài Loan, đều là những người mẹ Việt. Có người cũng dăm lần thất bại trong việc dạy con nói tiếng mình.  Đặng Minh Hằng (SN 1985, sống tại TP.Nam Đầu) - một giáo viên dạy tiếng Việt trải lòng: “Dạy tiếng Việt ở bất kỳ một lớp học nào cũng đều là một cuộc đồng hành với từng người mẹ đang đơn thương độc mã trong những mái nhà đa văn hóa”.

Nhưng, dường như, cuộc đồng hành ấy không chỉ đến từ cộng đồng những cô dâu Việt. Nó đến từ chính sách văn hóa, giáo dục trên khắp vùng lãnh thổ Đài Loan.

Từ năm 2016, Đài Loan mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt ở mọi huyện thị. Đối tượng là những cô dâu gốc Việt. Những người phụ nữ nội trợ, lao động chân tay, hoặc làm nhân viên văn phòng được “kéo” ra khỏi góc bếp, công xưởng, văn phòng để đưa vào giảng đường, học làm giáo viên. Việc những đứa trẻ không biết tiếng mẹ đẻ, thậm chí phủ định gốc gác của những người mẹ nhập cư được đưa ra bàn bạc trên các hội nghị văn hóa, giáo dục. Cùng với sáu ngôn ngữ khác của các quốc gia Đông Nam Á, tiếng Việt được dự kiến đưa vào chương trình đào tạo chính thức cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở vào năm 2019. Nhưng, từ nhiều năm trước, ngôn ngữ của những cô dâu xứ mình đã trở thành môn học chính trong chương trình của một vài trường có đông con em họ theo học.

Có kinh nghiệm 17 năm đào tạo tiếng Việt cho con em “cư dân mới” gốc Việt (tên gọi mới dành cho các cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan), bà Hsiu - Chu Tseng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Beixin (TP.Tân Bắc) chia sẻ: “Đài Loan hiện đang có nhiều trường tiểu học chỉ có vài chục học sinh, trong khi ngôi trường của tôi lại có một số lượng tương đương học sinh có mẹ là người Việt, chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số 146 học sinh, chỉ xếp sau các em có mẹ là người Đài Loan. Việc đưa tiếng Việt vào chương trình đào tạo là tất yếu”.

Từ mười mấy năm trước, để có giáo viên dạy tiếng Việt, bà Tseng phải liên hệ chính phụ huynh của học sinh trường mình, đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, rồi mời người phù hợp nhất đến để đào tạo trước khi phân công tiết dạy. Là một trong những cô giáo đầu tiên được bà Tseng mời, trước khi nhận việc, cô Lưu Thị Thu (sống tại TP.Cơ Long) chỉ quẩn quanh trong nhà với con, đứa trẻ lại không nói tiếng Việt. Đến khi chính thức nhận việc, được nói tiếng nước mình trên bục giảng, trước vài chục học sinh, chị Thu bật khóc.

Bây giờ, việc tổ chức giáo viên đã được thực hiện đồng bộ hơn. Riêng năm 2016, khắp Đài Loan đã có 36 lớp đào tạo kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy tiếng Việt, với 881 cô. Đài Loan chủ trương chi 1 tỷ Đài tệ mỗi năm cho việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Đông Nam Á, trong đó tiếng Việt chiếm phần lớn. Cũng trong năm 2016, ngành giáo dục Đài Loan tổ chức cho 24 học sinh có mẹ là người Việt về thăm quê ngoại. Đến tháng Bảy năm nay, con số học sinh được chọn về thăm quê tăng lên đến 36 em. Tất cả các em đều được đào tạo tập trung về ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ suốt một tuần đầu tháng Bảy. 

Nằm ở vị trí chính giữa vùng lãnh thổ Đài Loan, trường Trung học nghề Nantou được chọn làm nơi tập huấn cho con em của cô dâu Việt chuẩn bị về thăm quê. Tôi đến trường Nantou vào những ngày giữa của đợt tập huấn. “Học sinh có cùng quê mẹ” đến từ mọi huyện thị đều đã thân quen với nhau. Ký túc xá mùa hè huyên náo với bao trò chơi “đố chữ Việt”, “hát thi bằng tiếng Việt”. Giáo viên dáo dác, chạy đôn chạy đáo từ văn phòng sang ký túc xá. Giờ học tiếng và văn hóa phân bố cả ba buổi sáng, trưa, tối. Giáo viên chuyên môn vừa hoàn tất tiết dạy thì giám thị, giáo viên chủ nhiệm, lẫn ban giám hiệu lại đích thân xuống lớp, “yểm trợ” các em về phòng, rồi ra phòng ăn.

Tổng cộng có 36 học sinh, hễ có em nào sổ mũi, hoặc bỏ ăn, các thầy cô lại… nháo nhào đưa đi bệnh viện. Chuyến về Việt Nam trở thành một “cột mốc thần thánh” để cả thầy lẫn trò cùng đếm ngược. Thấy cộng sự dắt một học sinh đi khám bệnh cảm sốt về, ông Hà Cảnh Bưu - Hiệu trưởng trường Nantou chậc lưỡi: “Còn hơn một tuần nữa là về Việt Nam rồi mà bệnh thì biết phải làm sao?”. Thấy Trương Vĩnh Luân mải nói chuyện với các bạn ở phía bên kia nhà ăn, cô chủ nhiệm nói với sang: “Vĩnh Luân tập trung ăn đi, còn  tám ngày nữa là về Việt Nam rồi đó!”.

Hai chữ “Việt Nam” cứ thế mà rộn ràng mãi ở xứ này, như đáp lại bao kết nối đã mất, hay đã nhạt nhòa trong những tháng ngày mải trưởng thành ở quê cha. 

“Từ năm 2016, Đài Loan mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt ở mọi huyện thị. Năm 2019, tiếng Việt được dự kiến đưa vào chương trình đào tạo chính thức cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Nhưng, từ nhiều năm trước, ngôn ngữ của những cô dâu xứ Việt đã trở thành môn học chính trong chương trình của những trường có đông con em họ theo học”.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI