Tiếng vạc sành còn kêu trong đám cỏ…

28/05/2023 - 06:21

PNO - Chỉ cần vài âm thanh cũ kỹ đủ gợi lại cho tôi cả một quãng đời để làm chất liệu cho những trang viết.

 

ẢNH: INTERNET
Ảnh: Internet

Chỉ cần vài âm thanh cũ kỹ đủ gợi lại cho tôi cả một quãng đời.
Có lần tôi vào một trang web ở nước ngoài ghi lại các âm thanh quen thuộc của mọi người qua thời gian. Mỗi đoạn âm thanh chỉ dài khoảng vài giây, có khi là nửa giây. Đó là âm thanh của băng cát-xét tua lại, tiếng máy may hoạt động, tiếng nhạc của trò chơi Angry Birds, tiếng bóp con vịt đồ chơi, tiếng nhà sư tụng kinh, tiếng em bé khóc nức nở… Trang này thực sự là một bảo tàng âm thanh nho nhỏ thú vị. 

Giữa thời buổi thông tin cuồng loạn ào đến từng giây như hiện nay, sự lãng quên dễ dàng xảy đến để đầu óc có chỗ dung nạp điều mới đang dồn dập tới. Tuy vậy, vẫn có những người muốn lưu giữ những điều đã qua đang mất dần đi. Đừng nghĩ đó chỉ là sự hoài cổ - điều mà những người hướng ngoại hầu như không thích thú.

Đó là những tài sản tinh thần quý giá và tinh tế, không chỉ dành riêng cho đời sống tinh thần và cảm xúc của nhân loại mà còn mang tính thực dụng, là kho tài liệu lưu trữ để các nhà điện ảnh có thể sử dụng khi làm phim về các thời đại khác nhau một cách chính xác hoặc để phục hồi một bộ phim cũ. 

***

Khi tôi nghĩ nhiều về ngôi nhà thời thơ ấu của mình những năm 1960 và đầu 1970, tôi có thể nghe thấy tiếng quạt trần trên đầu kêu vo vo yên bình hoặc tiếng lách cách nhẹ nhàng khi cắt tóc ở tiệm hớt tóc Đại Nam. Nhớ nhất là tiếng má gọi về ăn cơm trong những buổi chiều xuống chập choạng.

Đó còn là tiếng bụi tre gần nhà quăng quật trong gió rào rào khi trời gần mưa, tiếng giọt mưa rơi lộp độp trên mái tôn, tiếng ông cậu giàu có đến chơi dịp tết và oang oang gọi đám cháu ra nhận lì xì, tiếng hàng xóm cãi nhau vang rân và tiếng võ sinh hự hị khi tập võ không thủ đạo ở nhà ông Ngọ đầu hẻm…

Âm thanh những năm đó còn là nhạc hiệu phim Mission Impossible dồn dập do Martin Landau đóng vai chính (sau này, Tom Cruise đóng bộ mới vẫn dùng nhạc hiệu cũ rất hay này). Thời đó, nghe tiếng nhạc từ máy Akai phát ra có Hoàng Oanh hát là thấy tết đến.

Nghe tiếng nỉ non vọng cổ của Bạch Tuyết - Hùng Cường là biết có tuồng Trăng thề vườn Thúy tuyệt hay, nghe giọng ca trẻ con đặc giọng Bắc là biết có ban nhạc Tuổi Xanh trên ti vi… 

Chỉ cần vài âm thanh cũ kỹ đủ gợi lại cho tôi cả một quãng đời để làm chất liệu cho những trang viết.

Đến thế hệ em tôi sau 1975, suốt thập niên 1980 là âm thanh gọi nhau đi tập thể dục và đi làm tổng vệ sinh buổi sáng sớm lúc 5g. Nhớ nhất tiếng lò dầu hôi bị ngộp hơi phựt mạnh làm cả nhà hoảng hốt; tiếng chẻ củi cọc cạch trong xóm; tiếng gọi nhau đi xếp hàng mua nhu yếu phẩm, gạo và bo bo, khoai lang… Đám con nít vô tư, không đứa nào nghe được tiếng thở dài rất nhẹ của cha mẹ khi phải chiến đấu với cuộc sống hằng ngày.

Âm thanh những năm 1990 là gì? Là tiếng máy fax chạy giấy ra. Là nhạc hiệu bộ phim Trên từng cây số lồng vào đoạn phim các du kích Bulgarie chặn đường tiến quân của lính phát xít Đức sau các cột cây số bằng xi măng và lần lượt hy sinh. Là nhạc phim Tây du ký độc đáo với bộ gõ, là đoạn thuyết minh đọc câu thơ của Lý Bạch trong phim Bao Thanh Thiên: “Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mãi. Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm…”. 

Năm 2000 là nhạc hiệu phim hoạt hình Pink Panther với chú báo hồng. Là tiếng bật chương trình Windows, là tiếng chơi game Tetris hay Mario. Là ca khúc Happy New Year vang khắp nơi trong những ngày cuối năm dương lịch và âm lịch. Sau đó là game Zombies bắn chíu chíu. 

***

Nhà văn, họa sĩ Philippe Franchini đồng thời là chủ khách sạn Continental - khách sạn cổ nhất ở Sài Gòn còn tồn tại. Trong cuốn sách Continental Saigon, ông kể về những âm thanh trong tuổi thơ ở Sài Gòn mà ông cảm nhận từ thập niên 1930, cách nay gần trăm năm:

“… Âm thanh bao quanh tôi cũng không kém phần xa lạ. Đầu tiên là giọng nói Việt Nam, như bện một mảnh vải vang âm gần như không bị ngắt quãng. Chúng chuyển từ tiếng líu lo trẻ con nhất qua tiếng gào thét giọng mũi của mấy cuộc tranh giành, đôi khi chấm dứt trong đêm ẩm ướt thành khúc ngâm được những âm rung của một giọng nói đơn điệu gõ nhịp.

Từ cuối đường vang lên những lời gọi hay rao của những người bán hàng rong hủ tíu mì hoặc bánh kẹo. “Ai ăn bún bò không?”, người phụ nữ bán những tô bún bò cùng với rau mùi thơm phức ngân nga rồi vang dội trước cửa lớn chính để khách hàng có thời gian đến ăn. Giọng nói còn trong trẻo hơn của cô thiếu nữ rao chất mật vàng óng của chuối chiên: “Ai ăn chuối chiên, chuối chiên không?”.

… Nhưng chẳng có gì làm rộn rã những tiếng guốc gỗ lóc cóc dồn dập của chị Ba, người hầu của má tôi, hoặc tiếng guốc của chú Năm, viên tài xế, hơn tiếng gõ ống tre của những người bán hủ tíu mì, mà người Pháp gọi là “cháo Tàu”. Bởi vì nếu người ta có thể làm chuối chiên hoàn toàn hợp cách, hoặc ngay cả món bún bò đáng nể ở nhà, không bao giờ người ta có thể so đọ được với món nước lèo của người bán rong. Đó là chưa nói đến thú vui trò chuyện ở góc đường.

Ngày 2 lần, tiếng còi xe, tiếng mở cổng ken két, tiếng lạo xạo của lớp đá sỏi, cắt đứt cái thế giới tiếng ồn và mùi vị này. Ba tôi về, giọng ông trầm, cách nói nhanh, giọng trúc trắc, tương phản với giọng chiêm chiếp của người Việt, hơi thở từ một thế giới khác, còn lấn lướt hơn vào những ngày ông mang theo một phái đoàn có giọng nói cao của những người đồng hương của ông…”.  

(Bản dịch của Phùng Ngọc Cửu)

Những dòng ghi chép về âm thanh của một thời quá khứ thật sinh động và tuyệt vời. Rõ ràng, dù đứng tên là nhà kinh doanh khách sạn, Philippe Franchini thực sự là một nghệ sĩ có tài và hàng loạt sách, tranh ông vẽ cho đến bây giờ đã chứng minh điều đó. 

Tôi nhớ những năm vào nghề báo, đi công tác về một vùng rừng núi phía Bắc. Một đêm, ngủ trong một khách sạn nhỏ cũ kỹ, tôi nghe có tiếng róc rách của con suối nhỏ phía sau nhà. Trong giấc mơ màng, tôi bỗng nhớ bài thơ nhỏ trong tiểu thuyết Nhà nguyện Krixtôphơ của nhà văn Gongoxi Ejebet.

Trong truyện, cô kiến trúc sư đến một vùng hẻo lánh để phục chế một ngôi nhà thờ cổ, mục đích sâu kín nhằm trốn lánh một mối tình đau khổ. Trong đêm, trước khi ngủ, cô lẩm nhẩm đọc bài thơ cổ và như thấy một điều đẹp đẽ đang nhen nhóm dù rất mơ hồ:

“Em hãy tắt đèn và hãy ngủ
Chỉ mỗi cái giếng cũ, muôn đời tỉnh, chảy róc rách ở ngoài kia
Kẻ nào ghé trọ nhà em qua đêm
Đều nhanh chóng quen âm thanh này, tất cả
Rất có thể khi em vừa thiếp ngủ
Những lối đi rải sỏi sẽ lao xao
Nỗi niềm không yên bước dạo quanh nhà
Giếng nước bạc ngoài kia ngừng róc rách
Và em tỉnh giấc. Nhưng dù thế xin em đừng hoảng hốt
Một ngôi sao vẫn canh gác bình yên
Chỉ một khách viễn du dừng bước bên vườn
Vốc nước giếng lên bàn tay giải khát
Anh ta đi ngang thôi. Và âm thanh muôn thuở lại vang ngân. 
(Lê Xuân Giang dịch  - Nhà xuất bản Đà Nẵng 1986)

Chỉ cần nghe tiếng nước suối chảy là cả một bầu trời tinh tú hiện ra và xuất hiện một niềm kỳ vọng còn hư ảo. Chỉ cần tiếng sáo diều là kéo về cả tuổi thơ. Có những âm thanh đã mất đi hẳn ở thời chưa có điện thoại để dễ dàng ghi lại, như tiếng mẹ già thì thầm bàn với các chị về bữa cơm ngày mai, tiếng cha già dặn dò con trai ngày tết, tiếng bập bẹ đầu tiên gọi cha mẹ của đứa con đầu lòng… Những âm thanh đơn sơ đó lưu lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí chúng ta rất lâu, không thể phai mờ. 

***

Các con tôi sẽ nhớ gì sau nhiều năm nữa? Các con không bao giờ nghe một số âm thanh tôi đã nghe hoặc nếu có, các con sẽ không có cảm xúc như tôi. Tiếng đập khuôn bánh vào cối đá cho cục bột nhồi trong đó long ra để đem đi nướng bánh Trung thu, tiếng rào rào của hộp gỗ xay hạt tiêu rắc vào dĩa trứng ốp la hay tiếng khua đũa rang đậu phộng trong chảo gang - những âm thanh thời thơ ấu thanh bần của những đứa trẻ thèm ăn.

Từ lâu, các con đã quen sống bên cạnh tiếng máy iPad khi mở, tiếng chuông cửa khi shipper đến giao hàng, tiếng chuông thang máy khi đến tầng, tiếng loa phóng thanh ở sân bay… Trong khi đó, gió vẫn rì rào, bụi tre ở đâu đó vẫn lay động và tiếng vạc sành còn kêu trong đám cỏ dưới gốc cây đêm đêm. 

Phạm Công Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI