Tiếng tù và đổi nước

06/01/2024 - 10:34

PNO - Thỉnh thoảng, tôi nhận ra trong các bản tình ca quê hương có hòa âm bằng tiếng tù và, đủ để trái tim tôi thổn thức, hoài niệm về những chiếc ghe đổi nước.

Sống ở vùng nhiễm mặn nên dù xung quanh bốn bề sóng nước, xóm tôi vẫn thiếu nước. Mùa mưa, mọi người tận dụng khạp, thùng, lu, hồ… để dự trữ nước từ mái nhà. Nước mưa ngọt mát, chỉ dành để uống và nấu ăn. Nhà nào có trẻ em gái sơ sinh được cưng lắm mới tắm bằng nước mưa với hy vọng cháu bé lớn lên làn da sẽ trắng ngần.

Dù tiết kiệm tối đa, lượng nước trời cho không thể đủ dùng trong 6 tháng mùa khô. Chúng tôi phải mua nước. Điều lạ là mọi thứ ở đây, dùng tiền trao đổi đều gọi là mua bán, nhưng với nước ngọt thì không. Người ta gọi là đổi nước.

Những chiếc tàu gỗ mui trần chuyên chở nước đi đổi được chăm chút rất kỹ. Người ta tỉ mỉ phủ lên toàn bộ thân tàu một lớp dầu chai lắp vò, cả mặt trong và ngoài. Lớp “áo bảo hộ” này đảm bảo để nước sông không thể xâm nhập vào khối nước ngọt tàu đang chuyên chở. Trên tàu có 2 máy, máy công suất lớn đặt ở lái, vận hành chính. Máy công suất nhỏ hơn một chút đặt phía mũi, dùng bơm nước đến tận các chỗ chứa theo yêu cầu. Ghe nước nào cũng có đống ống nhựa mềm dài mấy chục mét, để dẫn nước, được cuộn tròn cẩn thận trên mui.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.Ai
Hình ảnh mang tính minh họa - Beo.Ai

Hằng tháng, khi các lu kiệu dần cạn, má cọ rửa sạch sẽ rồi đưa tiền cho tôi, dặn hôm sau ở nhà đổi nước. Ba má mỗi ngày đều ra đồng, tôi chừng 8 tuổi, hôm nào nghỉ học thì trông em và làm quản gia. Ru em ngủ xong, tôi cầm tiền lân la ra bờ sông, chờ nghe tiếng tù và ngày càng lớn dần. 

Tù và được làm bằng sừng trâu. Người ta khoét lỗ ở đầu nhọn, kê lên miệng thổi sẽ phát ra âm thanh to, trầm, vang xa. Một nhóm thợ đổi nước thường gồm 3 người. Người lái tàu kiêm nhiệm vụ thổi tù và để báo hiệu cho mọi người biết họ đang đến và sẵn sàng đổ đầy nước vào vật chứa.

Đợi tàu chở nước đến gần, tôi quăng vài cục đất ra sông báo hiệu. Họ lập tức tắt máy, điều khiển tàu tấp vào bờ. 1 người vác đầu ống nhanh chóng nhảy lên bờ, chạy vào ngõ nhà tôi. 1 người đứng ở mũi ghe, phối hợp nhịp nhàng, sửa ống sao cho không bị chéo hay xoắn. Khi đầu ống sắp chạm vào miệng kiệu, người đàn ông hét lớn: “Bơm đi!”. Dòng nước ngọt trong vắt lập tức tuôn xối xả. Người thợ nước đổ đầy các lu rồi khoát tay ra hiệu dừng bơm. 

Trong khi người điều khiển máy bơm đứng trên tàu thu ống trở lại, người thợ đổ nước đi quanh dãy lu kiệu, nhẩm tính số lượng nước, quy ra tiền. Đơn vị để tính là đôi. 1 đôi tức là 2 thùng, mỗi thùng 25 lít. Kiệu nhỏ chứa 4 đôi nước, kiệu lớn đựng 6 đôi. Nhà tôi có hơn chục cái lu lớn nhỏ như vậy. Tôi cũng phải nhẩm đếm để kiểm tra xem người thợ nước tính tiền chính xác không. Cuối cùng, tôi cẩn thận đậy các nắp lu lại sao cho vừa khít, tránh bụi bặm côn trùng lọt vào.

Số tiền dành để đổi nước hằng tháng không hề nhỏ. Vì vậy, nước ngọt rất quý đối với mọi người trong xóm, như lúa gạo và các loại thực phẩm cần thiết nhất. Xóm nhỏ ven sông yên tĩnh, không xe cộ, hằng ngày chỉ có tiếng máy tàu vang rền trên sông. Xen lẫn giữa thanh âm ồn ào của máy dầu là từng hồi tù và âm trầm mạnh mẽ. Tiếng tù và có điều gì đó thôi thúc, như hiệu lệnh oai hùng của người dẫn đầu một đoàn quân. Tôi không biết tại sao nó lại được chọn làm âm thanh thông báo cho các ghe đổi nước.

Suốt những năm tháng đó, tiếng tù và lướt trên sông mỗi ngày, vang trong tâm trí tôi cả những lúc say giấc. Khi xóm nhỏ bắt đầu có giếng khoan, các ghe nước dần vắng bóng. Từng hồi tù và rền vang trên mặt sóng cũng mất hút theo. 

Thỉnh thoảng, tôi nhận ra trong các bản tình ca quê hương có hòa âm bằng tiếng tù và. Mỗi lần nghe thấy, dù chỉ thoáng qua với một hơi thổi nhỏ và ngắn, cũng đủ để trái tim tôi thổn thức, hoài niệm về những chiếc ghe đổi nước. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI