-Dạo này dáng đẹp quá chị ạ!
Trộm vía!
-Kết quả thi thế nào rồi cháu?
Dạ, trộm vía ổn
-Anh khỏe không?
Trộm vía, tôi khỏe
Là người sinh ra và lớn lên ở miền nam nên lần đầu tôi dùng từ “trộm vía” là khi có chị đồng nghiệp đến thăm tôi nằm cữ sinh đứa đầu lòng, cách đây cũng hơn chục năm. Chị khen “Trộm vía bé kháu quá, da trắng, môi đỏ, mũi cao…”. Tôi lờ mờ đoán chắc đó là từ để phòng tránh những điều không hay ngược lại với lời khen. Còn nhớ hồi đó nên tôi còn mở cả từ điển Tiếng Việt để tìm hiểu “vía” là gì.
|
“Trộm vía” là từ thường dùng trước những câu khen dành cho đứa trẻ nhưng đang trở thành trở thành câu cửa miệng trong giao tiếp hằng ngày của nhiều người - Nguồn ảnh: Freepik |
Trong từ điển, vía được cho là yếu tố vô hình tồn tại trong thể xác, được coi là tạo nên phần tinh thần của mỗi người. Theo quan niệm xưa, một người có “ba hồn bảy vía”. Với đứa trẻ, nhất là trẻ mới sinh hoặc còn nhỏ thì vía do bà mụ cai quản. Khen đẹp, khen khỏe, khen khôn lanh, khen mau lớn, khen ngoan dễ khiến bị “bà mụ quở” hoặc bị ganh ghét sẽ gây bất lợi cho trẻ, có thể làm trẻ dễ bị ốm đau, kém ăn, quấy khóc, chậm lớn... “Trộm vía” nghĩa là xin lén các vía đang trông nom em bé để khen bé. Có thể xem là một lời xin phép trước những vấn đề tâm linh. Nhiều bà nghiệm rằng cứ hễ có ai khen con mau lớn là liền bị bệnh. Vì có con nhỏ nên trước những ý tốt đẹp muốn bảo vệ con mình, tôi thấy từ “trộm vía” thật dễ thương.
Mấy năm gần đây, chẳng hiểu sao quán ngữ mang tính quan niệm dân gian này được dùng thịnh hành trong đối đáp của nhiều người ở nhiều tình huống. Bạn bè lâu ngày gặp lại, hỏi thăm nhau cũng trộm vía; ông bà khen kết quả học tập hay thành thích ở nơi làm việc thì con cháu cũng trộm vía. Thậm chí còn có bài hát tựa đề “Trộm vía! Anh đã thương em thật rồi”. Công việc, học tập, tình cảm… cũng có vía để xin?
Thật ra, cũng không có gì đáng chê trách hay bài xích. Chỉ là dường như “trộm vía” có chiều hướng thay thế tiếng “cảm ơn”. Trong những tình huống, tiếng “trộm vía” được xem như một cách thể hiện sự khiêm tốn. Nhưng theo cá nhân tôi thấy trong tiếng Việt, tiếng “cảm ơn” vẫn là từ ngữ đẹp nhất để đáp lại những lời hỏi thăm, khen ngợi.
Ví dụ khi nhận được lời khen "Ồ! Bài viết này thật hay", chỉ cần đáp "Cảm ơn, rất vui vì bạn đã khen". Nghe thật đơn giản, đáng yêu mà đầy đủ ý nghĩa trân trọng, tự tin và cố gắng của người được khen.
An Viên