Tiếng trẻ nô đùa ở Cánh đồng chết

07/06/2019 - 07:00

PNO - Trong thời gian Khmer Đỏ thống trị, một phần tư số dân Campuchia đã bị giết chết. Binh lính chính quyền trực tiếp sát hại gần 1,4 triệu người, gần một triệu người khác bỏ mạng vì đói khát, bệnh tật trong các trại lao động tập trung.

Hôm ấy, giữa tiếng gió vi vút của buổi trưa khu tưởng niệm Choeung Ek, tôi nghe tiếng trẻ con cười nói ồn ào. Quay qua quay lại, chỉ thấy du khách người lớn và phía bên kia hàng rào B40 là những cánh đồng xanh rì. Vậy, tiếng cười nói xôn xao ấy từ đâu ra? Hay nó vọng từ lòng đất, từ những hố chôn tập thể còn vương vãi áo quần phụ nữ và trẻ em?

Người Việt được đón chào ở Phnom Penh

Chúng tôi hữu duyên gặp cha con anh Nguyễn Văn Hùng đứng kiếm xe taxi về Phnom Penh. Hùng rụt rè rủ: “Các chị cùng về Phnom Penh thì chúng ta thuê taxi chung, sẽ bớt chi phí. Em dẫn bố em đi tham quan Cánh đồng chết Choeung Ek. Ông chỉ ước mong điều ấy mà bao năm chưa thực hiện được”. 

Trời sắp tối, hai người đàn ông rủ hai phụ nữ lên cùng một chuyến xe, có gì đó không ổn. Hùng giải thích, anh là nhân viên Viettel tại tỉnh Kampong Chhnang, đang trong thời gian biệt phái 3 năm ở thị trường Campuchia. 

Giá thuê xe đi chung về Phnom Penh khá rẻ, khoảng 200.000 đồng một người, chưa tới một nửa giá xe lúc tôi và bạn hỏi đi riêng.  Ừ thì đi. Thế là chúng tôi lên xe tay lái nghịch, xuyên đêm về khách sạn trên đại lộ Sihanouk nghỉ để sáng hôm sau đi tham quan Cánh đồng chết.

Tieng tre no dua  o Canh dong chet
Hình ảnh bộ đội Việt Nam chiến đấu vì những đứa trẻ Campuchia trong phim Họ giết cha tôi trước (đạo diễn Angelina Jolie)

“Bon” - Hùng vẫy một chiếc xe tuk tuk, cậu trai da đen khỏe khoắn đánh lái sát rạt chúng tôi. Bon biết chúng tôi đi Cánh đồng chết, anh nói như bắp rang với tiếng Cam giòn giã, “bon” - anh chàng tuk tuk hay đệm chữ đó với Hùng (lúc này trở thành phiên dịch viên của chúng tôi và liên tục phải chuyển ngữ các câu hỏi từ bố cậu và chúng tôi sang cậu tuk tuk và dịch ngược lại tiếng Việt). 

Đại khái anh chàng tuk tuk nói, mỗi lái xe ở đây đều rất yêu quý khách Việt, khách Việt không cò kè hay thô lỗ như khách Tàu. Và thẳm sâu lòng người Campuchia, họ có phần mang ơn nên rất nể trọng người tới từ đất Việt. 

Cái cảm giác đó thì tôi đã thấy. Hồi đêm, tại khách sạn, quản lý và lễ tân khách sạn nói tiếng Việt với chúng tôi chứ không phải tiếng Anh. Họ tư vấn chúng tôi không phải đổi tiền USD cho tốn phí, ở Campuchia là thoải mái trả tiền Việt, trừ khi về vùng sâu vùng xa. Hùng nói, ngay tại Kampong Chhnang nơi anh làm việc, cách thủ đô tới 6 tiếng đi xe, anh vẫn có thể tiêu tiền Việt. 

Nói đâu xa, ngay trước khi lên xe đi Cánh đồng chết, tôi có ghé hiệu thuốc mua ít nước lọc, ông chủ tiệm hỏi tôi phải người Việt hay không bởi tôi dùng tiếng Anh với ông. Sau khi tôi xác nhận, thái độ ông vui lắm, ông nói du khách Việt luôn được chào đón và giúp đỡ ở đây. Bất cứ thứ gì tôi cần về dịch vụ hay tour tuyến, mà ông có thể giúp ông đều sẵn sàng, hoàn toàn miễn phí.

Cảm giác đi một thành phố lạ lần đầu tiên tôi thấy, mà chỉ cần nói mình là người Việt là lập tức nhận nụ cười thân thiện khiến chúng tôi từ ngạc nhiên chuyển sang tràn ngập cảm xúc thân thương với vùng đất này. 

Trên xe, Hùng giải thích: “Tụi em đi phát triển mạng viễn thông nhiều thuận lợi lắm. Kèo cột là chôn cắm ở vườn, ở ruộng nhà người ta, cáp kéo tới đâu, lôi thôi tới đấy, nhưng người Cam rất quý người Việt. Thợ thuyền ăn dầm ở dề nhà dân là thường. Nói chung các chị qua Cam là tự nhiên sang chảnh, hơn ở Sài Gòn nhiều à”. Hùng cho biết, trong đội phát triển thẻ điện thoại trên Biển Hồ, có cậu thanh niên Campuchia, tên tiếng Việt tự đặt là Mười, là nạn nhân của Pol Pot. Cả gia đình nhà ngoại bị giết hại hết, chỉ mình mẹ cậu kịp trốn về vùng thượng nguồn sông Mê Kông.

Trong tiếng kể chuyện của Hùng, chúng tôi đi lướt qua tiệm áo cưới hoành tráng với dòng chữ Áo cưới Sài Gòn, salon tóc Sài Gòn, nail Sài Gòn... tự nhiên vui như đi giữa thành phố nào đó của Việt Nam mà các dịch vụ thường lấy thương hiệu Sài Gòn như một sự bảo tín chất lượng.

Ngoại ô Phnom Penh chưa có nhiều nhà cao tầng như các nước cùng “xóm” như Việt Nam, Philippines, Indonesia. Lác đác vài tấm bảng dự án chung cư in giá USD rất “bèo” so với Việt Nam. Và rồi, bất ngờ anh tuk tuk quẹo trái rất gấp, ngừng tiếng bành bạch của động cơ, trước mắt tôi đã là cổng khu tham quan Cánh đồng chết.

Tieng tre no dua  o Canh dong chet
Hình ảnh “đội quân nhà Phật” giúp dân Campuchia thoát họa diệt chủng

Áo dài Việt Nam kìa, theo tay Hùng chỉ, tôi kinh ngạc nhìn tấm pano lớn treo ngay trái cổng khi tham quan và hiểu rằng, đoàn người trong hình là chính một nhóm chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM - đơn vị đã giúp người Campuchia xây dựng khu tưởng niệm tội ác diệt chủng Cánh đồng chết này. Quả là sự ngạc nhiên thú vị.

Từ Cánh đồng Chum tới Cánh đồng chết

Cha của Hùng cho biết, ông có nhiều năm là chiến binh ở Nam Lào. “Các cô biết Cánh đồng Chum chứ? Tôi đi từ Cánh đồng Chum. Về Cánh đồng chết mất mấy mươi năm”, ông đùa trước khi mua vé tham quan cho cả đoàn. 

“Từ Cánh đồng Chum tới Cánh đồng chết”, câu nói thú vị của người cựu binh gợi trong tôi nhiều cảm xúc. Việt - Lào - Miên, Đông Dương trong quy hoạch của người Pháp đã gắn 3 nước lại với nhau thành mối liên kết anh em kỳ lạ. Không bàn các chính sách quản trị thuộc địa, vì đó là vấn đề lịch sử, chúng tôi chỉ xem đó là mối nhân duyên khiến hôm nay tôi, một người Việt bình dân được chào đón tại Campuchia như một quý cô. Và Hùng, một chuyên viên của Viettel sang đây làm việc 3 năm, đi khắp các tỉnh, thành Campuchia có thể ghé bất cứ nhà ai xin nước uống, được mời cơm.

Những dòng người đủ sắc tộc, màu da, màu tóc tới Cánh đồng chết không phải vì hiếu kỳ. Khmer Đỏ và nạn diệt chủng không còn là chương đen tối của riêng lịch sử Campuchia, mà là của cả loài người. Nếu so về tội ác diệt chủng, sự man rợ của Pol Pot không ai có thể vượt mặt. Tại các hố chôn tập thể được khai quật, chúng tôi thấy áo quần người đã mất lẫn trong đất, còn nguyên màu sắc và chất liệu. Trong các thùng đặt di vật của nạn nhân, có vạt áo màu tím, màu hồng của phụ nữ, có chiếc quần đùi của em bé chừng một, hai tuổi. Chiếc quần nhỏ xinh như bao cái quần treo trong dây phơi gia đình có trẻ nhỏ khắp thế giới này…

Quá nhiều hố chôn lõm xuống hun hút như thế khắp Cánh đồng chết khiến chúng tôi bước thấp bước cao và có cảm giác rờn rợn. Và dù ba người còn lại thuyết phục tôi ghé ngôi bảo tháp chính, nơi có 5.000 hộp sọ xếp cao để chứng kiến hình ảnh khốc liệt nhất của tội ác, nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi không sợ phải đối diện những vết nứt, vết thủng trên sọ để phải mường tượng những cái chết do bị đập vỡ đầu. Sử sách Campuchia ghi rõ: vì tiếc đạn, nên lính Pol Pot đã giết các nạn nhân bằng búa, rìu, cây gỗ, gậy... trước khi bị ném vào các hố chôn tập thể lên tới vài chục người một hố.

Tuy vậy, ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá ngoài khuôn viên, ở khoảng cách khá xa, vẫn không né mắt đi đâu được để tránh thấy những chiếc sọ người trắng xếp lớp trong tháp. Đột nhiên, giữa tiếng gió vi vút của buổi trưa, tôi nghe tiếng trẻ nhỏ cười nói ồn ào. Quay qua quay lại, chỉ thấy du khách người lớn, tôi đi tiếp ra phía rào thép B40, chỉ có những cánh đồng lúa xanh rì. Vậy, tiếng cười nói xôn xao ấy từ đâu ra? Hay nó vọng từ lòng đất, từ những hố chôn tập thể còn vương vãi áo quần phụ nữ và trẻ em? Đối với tôi, đó sẽ là những cảm xúc suốt đời không thể nào quên…

Trời nắng, cô hướng dẫn viên khuyên các nhóm khách ghé phòng bảo tàng nghỉ chân và xem các tư liệu để hiểu rõ hơn về lịch sử Campuchia giai đoạn 1975-1979. Trong thời gian ngắn Khmer Đỏ thống trị, một phần tư số dân Campuchia đã bị giết chết. Binh lính chính quyền trực tiếp sát hại gần 1,4 triệu người, gần một triệu người khác bỏ mạng vì đói khát, bệnh tật trong các trại lao động tập trung. Những thước phim về  thời kỳ đen tối của đất nước Campuchia cứ lần lượt trôi qua. Quả thật, nếu không phải những người có thần kinh thép, thì tôi khuyên nên cân nhắc tới chốn này. Hình ảnh chết chóc nhiều đến mức tôi tự hỏi liệu đó có phải một phần lịch sử của nhân loại, hay chỉ là một bộ phim hủy diệt nào đó của trí tưởng tượng Hollywood.

Trong các thước phim tài liệu tại bảo tàng và cả phim điện ảnh dựng lại của người Mỹ, đều có hình ảnh quân tình nguyện Việt Nam - những người đã chấm dứt thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia và hỗ trợ nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước.

Tieng tre no dua  o Canh dong chet
Người già, trẻ nhỏ Campuchia bên những người lính tình nguyện Việt Nam

Hùng kể, đi khắp campuchia, chúng tôi sẽ gặp nhiều bộ tượng lớn là hình ảnh quân tình nguyện. Tại văn phòng của anh nhìn ra quảng trường ở thành phố Kampong Chhnang cũng có bức tượng anh bộ đội Việt Nam ôm trong tay đứa trẻ Campuchia. Bức tượng này người Cam dựng lên, anh cảnh sát trưởng của thành phố từng học tập tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Hà Nội nói với tôi bằng tiếng Việt trong bữa ăn tối hôm ấy, khi chúng tôi rời Phnom Penh đi tiếp về phía Tây thăm Việt kiều ở thượng nguồn Biển Hồ…

Tôi vốn ít khi tranh cãi quan điểm về lịch sử, bởi theo tôi, lịch sử phải dựa trên các cứ liệu cụ thể. Còn về các sách lược chính trị, đứng từ các góc nhìn khác nhau, sẽ ra những quan điểm khác biệt, có những cái nhìn chân thực, có cái hình thiển cận hay sai lệch cũng là lẽ thường. Ở đây, chỉ có một sự thật không thể chối cãi: một phần tư dân số Campuchia đã mất mạng dưới lưỡi búa, nhát gậy của một chính quyền man rợ, thì người nào giằng được búa và gậy từ tay kẻ sát nhân, người đó sẽ là anh hùng của cộng đồng, đơn giản vậy thôi. 

Dưới chế độ Khmer Đỏ (1975-1979) đã có rất nhiều người Campuchia bị giết hại và chôn xác tại nhiều địa điểm gọi chung là Cánh đồng chết. Sau khi phân tích 20.002 ngôi mộ tập thể, Trung tâm Tài liệu Campuchia thuộc chương trình DC-Cam Mapping và Đại học Yale (Mỹ) cho biết, có ít nhất 1.386.734 người đã bị hành quyết. Ước tính tổng số người chết do bàn tay của Khmer Đỏ, tính cả bệnh tật và chết đói, là khoảng từ 1,7 đến 2,5 triệu trong khi dân số Campuchia năm 1975 là 8 triệu người. 

(Theo từ điển Wiki Pedia)

Hoàng Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI