Mùa dịch tay chân miệng năm nay, cho đến thời điểm này, trên toàn quốc đã có 6 ca tử vong vì bệnh tay chân miệng. Tại TP.HCM chưa ghi nhận ca tử vong. Trong vài tuần gần đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 160-200 ca nằm viện điều trị.
|
Hơn 2g sáng, bệnh nhân đã xếp hàng chờ lấy số thứ tự khám bệnh |
Từng đợt trẻ chuyển lên Khoa Nhiễm - Thần kinh cùng với tiếng khóc xuyên đêm dọc hành lang. Chừa một lối đi nhỏ xíu, các dãy hành lang khu điều trị bệnh tay chân miệng này vào buổi tối dường như không còn chỗ trống. Chưa tới 1g sáng, đã có những đợt xe máy, ô tô ào tới tấp vào cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1. Hơn 4g, người xếp hàng chờ phát số khám bệnh ken kín các dãy ghế, từng khoảng sân…
Chuyện quanh chiếc băng ca
19g ngày 8/10, trên chiếc băng ca duy nhất còn lại trước phòng cấp cứu Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, bệnh nhi N.T.P. (9 tuổi, ngụ P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) được các bác sĩ kíp trực thăm khám tỉ mỉ rồi cho đi xét nghiệm cùng lượt với nhiều bệnh nhi khác. Cháu P. phát sốt từ chiều 7/10, phải nhập BV Q.Tân Phú. Chiều hôm sau, P. lại phát sốt đến 41-42oC, bác sĩ thực hiện mọi cách nhằm giảm sốt, giảm run chân nhưng không hiệu quả, phải lập tức chuyển BV Nhi Đồng 1.
Trên xe cấp cứu chuyển cháu đi có đến hai bác sĩ và hai y tá. Cha mẹ cháu buộc phải dắt đứa con gái út 7 tuổi không người trông coi tất tả chạy theo. Trong lúc anh P. được bác sĩ khám bệnh, mẹ chạy đi đóng tiền tạm ứng, cháu cứ đứng tần ngần nhìn, quẩn quanh cạnh anh nằm trên chiếc băng ca màu nhạt.
|
Ảnh chụp đêm 9/10 tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Khi P. vừa được cha bồng đi, bệnh nhi V.H.B. (12 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu) cũng vừa được ẵm tới đặt lên chiếc băng ca. B. liên tục giãy giụa, la hét, đòi về nhà. Cha mẹ cháu cho biết đã cho B. nhập BV Bạc Liêu từ nhiều ngày trước nhưng vẫn sốt cao. Bên cạnh dấu hiệu co rút chân, cả ngày lẫn đêm B. la hét vang cả khu chữa trị. B. được xe cấp cứu chuyển lên TP.HCM cùng một bệnh nhi khác đã từng nhập BV Chợ Rẫy trước đó.
“Bệnh nhân đông. Khoa Nhiễm có gần 200 bệnh nhi riêng TCM có 80 ca, tăng gấp năm lần bình thường. Biến chứng chiếm 20% trên tổng số ca nhập viện. Đây được coi là đỉnh dịch, cao nhất từ năm 2011”, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 - nhận định |
Ngồi bên dưới cạnh băng ca là bà ngoại của N.T.V. (3 tuổi, ngụ ở H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Cháu V. nhập viện được bốn ngày, đang nằm trong phòng cấp cứu cùng gần 30 em khác. Căn phòng hành chính của Khoa Nhiễm - Thần kinh dùng làm nơi thăm khám với hai chiếc bàn to đã không còn chỗ trống.
Cha mẹ cháu V. ngồi bệt dưới chiếu ăn cơm ngay trước cửa phòng. Dãy ghế gần đó đã kín chỗ, có hai trẻ được cha mẹ dỗ dành cho bú sữa bình, sữa cứ chảy tràn lên ngấn cổ. Cha mẹ V. làm thuê ở TP.HCM, phải gửi con cho bà ngoại trông giữ. Tháng trước, cháu V. sốt cao, có vài đốm đỏ ở chân như vết muỗi chích nên đã được bà ngoại ẵm lên BV Nhi Đồng 1 khám. Cháu được cho thuốc uống rồi về quê.
Gần đây, cháu lại sốt cao, được bác sĩ gần nhà khám và cho thuốc uống nhưng vẫn không hết sốt, lại thêm hay run toàn thân, nuốt bị sặc... Bà ngoại cháu phải gọi điện kêu hai con về đưa cháu lên BV Nhi Đồng 1 thêm lần nữa. Bà cho biết, bác sĩ nói cháu V. đã mắc bệnh TCM ở mức độ 2, phải nhập viện gấp để vô tám toa thuốc với giá khoảng năm triệu đồng mỗi toa.
|
Bệnh nhân tay chân miệng khóc thét vì đau. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
22g, ê-kíp y - bác bác sĩ trực vẫn còn liên tục thăm khám các bệnh nhi. Chốc chốc, lại có từng đợt thân nhân ẵm con em hối hả lên làm thủ tục nhập viện để chuyển đến các phòng nội trú. Tiếng kêu tên bệnh nhi, số tuổi kèm quê quán từ chiếc loa liên tục vang lên. Âm thanh từ chiếc loa phát ra chỉ tạm dừng lại khi kim đồng hồ chỉ 24g. Lúc này, y tá trực hành chính chạy vội xuống cửa hàng mi-ni bên dưới sân bệnh viện mua một ly mì.
Chị điều dưỡng bắt đầu gom từng chiếc drap giường cáu bẩn được ba đống lớn đặt trước khu thang máy. Các bác sĩ vẫn còn thăm khám ở từng giường bệnh trong phòng cấp cứu. Khu phòng bệnh nội trú đã tắt bớt ánh đèn, dãy hành lang chật như nêm, người người ken nhau trải chiếu nằm bên dưới, từng đống hành lý xếp ngang dọc... Một số thân nhân đang lả dần vào những giấc ngủ chập chờn. Nhưng, tiếng khóc ngất của rất nhiều trẻ vẫn chưa ngừng lại...
Đau lòng tiếng trẻ khóc
1g sáng, từng đợt xe máy, ô tô tiếp tục ào tới dừng ở trước cổng BV Nhi Đồng 1, một chiếc xe cứu thương chở bệnh nhi chạy thẳng vào khu cấp cứu thì cũng là lúc các điều dưỡng Khoa Nhiễm - Thần kinh bắt đầu tiến hành truyền cho bệnh nhi đợt thuốc mới. Phụ huynh có con khóc, giãy giụa thì gắng ẵm bồng, dỗ dành đi dọc hành lang để chờ đến lượt truyền thuốc, chích thuốc, uống thuốc. Tiếng khóc ngặt của trẻ cứ liên tục vang lên...
|
Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Minh Thanh |
Ngồi trên chiếc ghế còn trống, anh Nguyễn Văn Út (ngụ P.5, Q.11, TP.HCM) đang vỗ về để người dì dễ lau miệng, lau mình cho con. Nhiều giờ liền, anh đã phải liên tục đi lại dỗ dành con. Con anh, cháu N.T.P., bốn tuổi rưỡi, bị bệnh TCM, nhập viện được hai ngày. Vợ anh vừa sinh con nên anh phải nhờ người dì lên chăm bệnh giúp.
Công việc kinh doanh hằng ngày cũng phải đóng cửa. Tuần rồi, cháu P. cũng đã nhập viện, bệnh thuyên giảm rõ nên bác sĩ cho về nhà hẹn tái khám. “Không ngờ lần này lại mắc bệnh chi quá lạ. Con tôi cứ khóc suốt ngày. Từ chiều giờ, bệnh có vẻ đỡ hơn nên có lúc cháu đòi chơi điện thoại”, anh nói.
Phụ huynh được như anh Út là còn may. Nhiều phụ huynh khác ẵm con dỗ phải liên tục chạm mặt nhau ở lối đi nhỏ này nên đành quẩn quanh vài bước chân rồi quay lại. Như bà Ngần (bán rau, trọ tại P.10, Q.8) vẫn đang phải dỗ đứa cháu N.D.T.D. mới gần ba tháng tuổi. Cháu liên tục sốt, viêm họng, phát đàm nên phải được ẵm theo chiều đứng. Chốc chốc lại phải dừng lại lau mình, cho uống chút nước... Mẹ D. đang nằm ngay trên lối đi, chẳng thèm trải chiếu, ngủ li bì. Cha cháu thì mệt quá nên đã về nhà từ 23g.
|
Trẻ bị bệnh tay chân miệng phải nằm phòng cấp cứu. Ảnh: Minh Thanh |
Tại lối đi nhỏ xíu được chừa lại dọc các hành lang, chị Phạm Ngọc Rớt, nhân viên vệ sinh tạm dừng chiếc xe đẩy chở túi rác to để nhường đường cho một bà mẹ dỗ con đang khóc. Công việc hằng ngày này của chị thường tạm xong lúc khoảng 24g nhưng nay đến 2g sáng hôm sau rồi mà vẫn chưa xong.
Chị cho biết, trung bình mỗi ngày thu gom khoảng 18 túi rác to ở Khoa Nhiễm - Thần kinh, nhưng bây giờ đã có hơn 30 túi rác được đem đến nơi tập kết. “Ba tuần nay sao trẻ nhập viện quá nhiều. Bà con nằm choán lối khiến công việc rất cực. Trong các phòng bệnh, các cháu lại hay la khóc, nôn ói...”, chị Rớt chia sẻ.
Xong công việc tập kết rác, chị Rớt còn phải vệ sinh, lau chùi khử trùng sàn ở các phòng bệnh nội trú, phòng cấp cứu, phòng hành chính, các nhà vệ sinh... để chuẩn bị cho ca thăm khám mới của bác sĩ vào sáng sớm.
Đúng 4g sáng, phòng cấp cứu Khoa Nhiễm - Thần kinh lại vừa nhận thêm bệnh nhi mới, được chuyển từ khu lưu bệnh. Ở khoảng sân lớn của bệnh viện, người xếp hàng chờ lấy số thứ tự khám bệnh cũng đã chen kín tự bao giờ. Hàng chục dãy ghế nhựa khu ngồi chờ có mái che không còn một chiếc ghế trống. Trời hửng sáng, tiếng loa thông báo thân nhân chỉ được ở lại một người trên khoa. Nghĩ đến cảnh lúc ra về, chúng tôi tự hỏi bằng cách nào để tìm đúng chỗ chiếc xe ở bãi giữ nhiều tầng ở phía xa...
Quang Thư