COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè
Cơn bão dịch COVID-19 đang càn quét qua mọi lĩnh vực của đời sống. Riêng đối với người dân nghèo, người vô gia cư, miếng cơm từ thiện hay đồng bạc lẻ còm cõi sau ngày mưu sinh còn ám ảnh hơn cả con vi-rút SARS-CoV-2. Họ về đâu trong mùa dịch? Không chỉ là một chỗ qua đêm mà là câu hỏi gieo neo sinh tồn. Nếu như không ai bị bỏ rơi trong cuộc chiến này, thì họ cũng là một phần cần cộng đồng, chính quyền đặc biệt quan tâm…
Với những cộng đồng cư dân sống tạm bợ ven kênh rạch, khu trọ rẻ tiền - nơi có mật độ dân cư lớn, môi trường sống tồi tàn, cơ sở hạ tầng kém - việc tẩy uế, khử trùng để ngừa dịch bệnh đang rất hạn chế. Điều kiện phòng dịch thấp thì khả năng lây nhiễm cao.
Bài 1:Người không nhà, về đâu mùa dịch?
Bài 2: Gánh hàng rong bỏ lại trên phố
Những ngày này, ở xóm Chùa, không có khái niệm về dịch tễ, khẩu trang cũng như nước sát khuẩn. Những “khu nhà bóng đêm” luôn là mối họa trong đại dịch khi mật độ dân cư lớn, môi trường sống tồi tàn và hạ tầng nhếch nhác.
|
Những “khu nhà bóng đêm” với mật độ dân cư lớn, môi trường sống tồi tàn và hạ tầng kém là nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao |
Dịch tễ - khái niệm xa vời
17g, chiếc xe bán trái cây ướp lạnh của anh Long về lại xóm Chùa sau một ngày dài rong ruổi khắp các xó xỉnh của Sài Gòn. Đưa chiếc xe ra bãi đất trống bên hông nhà, người đàn ông ngoài 40 tuổi vội cởi chiếc áo ướt đẫm mồ hôi rồi chui vào nhà bật quạt máy, ngồi nghỉ mệt. Mấy đứa nhỏ thấy cha vừa đi bán hàng về cũng xúm lại.
Gọi là nhà nhưng chỗ ở của anh Long rộng chưa đầy 10m2, được quây tôn kín tứ bề, ngột ngạt và ẩm thấp. Toàn khu xóm Chùa là những căn nhà tương tự nhà anh Long, được rào chắn tôn tạm bợ, xung quanh ngập tràn rác thải và nước bẩn, là nơi trú ngụ của người dân lao động ở tứ phương.
Anh Long kể, gia đình anh sống ở xóm Chùa được hơn bốn năm nay. Nơi gọi là xóm Chùa thực chất là khu quy hoạch nằm gần tuyến kênh Lò Gốm, quận 6. Điều kiện sống thiếu thốn, phần lớn cư dân thiếu kiến thức phòng dịch đã biến xóm Chùa thành mối họa về phát sinh dịch bệnh.
Khi hỏi anh Long về khẩu trang, nước sát khuẩn và phun thuốc khử trùng, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. “Khu này dân lao động, có ai đi nước ngoài gì đâu mà sợ nhiễm corona. Tôi nghe người ta nói, hầu hết mấy người nhiễm bệnh là do đi máy bay, du lịch nước ngoài” - anh Long tỏ ra hiểu biết.
Xóm Chùa là nơi sinh sống của hàng trăm người lao động nghèo. Trong những ngày đang có dịch, xóm Chùa vẫn lặng lẽ và thiếu thốn như mọi ngày. Ở đây, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân hằng ngày băng qua những bãi rác lớn, bốc mùi hôi nồng nặc để tỏa đi khắp nơi mưu sinh. Phía trước những căn nhà tạm bợ, trẻ em, người già vẫn ở trần ngồi xúm lại lột hành tỏi để kiếm thêm thu nhập.
Thiện - cậu bé 12 tuổi theo cha mẹ từ miền Tây lên đã được hơn 5 năm nay. Hỏi nhà đâu, cậu liền chỉ tay về hướng một căn chòi xập xệ, phía trước là một đống rác vừa được chở đến đổ, cao hơn cả đầu của đứa trẻ. Chiều đến, Thiện dắt chúng tôi ra “khu vui chơi” của mình nằm ở cuối xóm Chùa, là khu đất trống được rào lưới B40, nằm tiếp giáp một dãy biệt thự vừa được xây cách đây vài năm.
|
Dịch bệnh là điều gì đó rất xa lạ với những đứa trẻ này |
Thấy đất trống, người dân sống quanh đó thường mang rác thải sinh hoạt ra đổ trộm. Những bao rác lớn vừa vứt xuống, liền bị những người nhặt ve chai hoặc bọn trẻ xới tung để tìm những gì có thể bán được. Trong đống rác đó, có cả kim tiêm, khẩu trang, xác động vật chết… Đám trẻ hồn nhiên dùng tay không bới tung cả đống rác lên để nhặt nhạnh. Có đứa còn bê thức ăn ra bãi rác để vừa ăn, vừa chơi với đám bạn. Dịch bệnh là điều gì đó rất xa lạ với những đứa trẻ này. Theo lý giải của Thiện, “tụi con hổng có ai đi học nên có biết gì đâu”.
Ông Nguyễn Hùng - bán trái cây ở khu xóm Chùa - thở dài khi chúng tôi nói về chuyện dịch bệnh: “Xóm lao động nghèo mà, cái ăn còn chật vật hằng ngày thì nói gì đến chuyện nước rửa tay với sát khuẩn”.
Ao Sen chẳng khác xóm Chùa
Không hơn gì xóm Chùa, khu trọ Ao Sen - nằm ven Quốc lộ 1, quận Bình Tân - cũng đầy rác thải. Được hình thành cách đây trên 15 năm, khu trọ này được ví như “một miền Tây thu nhỏ” vì đa phần dân cư ở đây là người từ miền Tây đến ở trọ và làm thuê. Ban đầu, chỉ có vài hộ dân sinh sống trong những căn chòi nhỏ bên ao sen nên người ta gọi đây là khu trọ Ao Sen. Theo thời gian, khu trọ này ngày càng đông đúc. Hiện nay, có đến vài chục căn phòng trọ với vài trăm người chen chúc sinh sống bên cạnh một cái ao lớn.
Những ngày dịch COVID-19 tràn về, người ta thấy một số cư dân xóm trọ này rời nhà với chiếc khẩu trang y tế bịt mặt. Theo lý giải của ông Lê Văn Quân - cư dân khu trọ - những người đeo khẩu trang là “dân làm công ty”. Khi xuất hiện dịch bệnh, các doanh nghiệp phát miễn phí hoặc bán khẩu trang giá rẻ và yêu cầu công nhân phải đeo khẩu trang khi đến nơi làm việc. “Ban đầu, họ phát cả hộp nhưng bây giờ, mỗi lần phát mấy cái, chủ yếu để ra vào công ty” - ông Quân nói.
|
Người dân ở các khu “ổ chuột” đang thiếu các điều kiện để phòng dịch |
Ở công ty là vậy, nhưng khi về xóm trọ, nhiều người vẫn phải cùng chen chúc trong một phòng trọ bé xíu được dựng tôn tạm bợ với giá thuê rẻ. Hiện tại, cư dân khu trọ vẫn phải dùng nước giếng bơm được chủ trọ cấp miễn phí. Rác, nước thải, chất thải vệ sinh đều được người dân xả hết ra ao hồ xung quanh nên khu vực này rất ô nhiễm. Đáng nói, dù đang sống ở TPHCM nhưng nhiều nhà dân vẫn còn dùng “cầu tõm”, thải trực tiếp ra khu ao sen khiến nguy cơ dịch bệnh luôn bủa vây xóm trọ nghèo.
Phòng trọ của chị Ngọc Linh (quê tỉnh An Giang) ở khu trọ Ao Sen rộng chưa đầy 10m2, lối đi giữa các dãy phòng chỉ rộng chừng nửa mét. Dù ngày hay đêm, mỗi khi vào nhà, chị Linh đều phải bật đèn mới thấy đường. Chính vì vậy, nhiều người gọi nơi này là “khu trọ bóng đêm”. Ở đây, ban ngày, mọi người tỏa đi khắp nơi làm việc, tối về lại chen chúc trong một không gian chật hẹp, thiếu thốn. Chuyện dịch bệnh đành phó mặc cho trời. “Ở công ty thì đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, còn ở đây, phòng sát vách nhau, ra vô là gặp nhau nên cũng không thể hạn chế tiếp xúc được” - chị Linh lắc đầu.
Nỗi lo dịch chồng dịch
Giữa trưa, chúng tôi men theo mé rạch Xuyên Tâm để đến các khu nhà ven rạch ở phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM. Rác thải, nguồn nước ô nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Ông Bùi Văn Sơn - cư dân ở đây - cho biết: “Tháng này nắng nóng còn đỡ, chứ qua mùa mưa nước ngập, ruồi muỗi phát sinh, dịch sốt xuất huyết hoành hành. Bây giờ, lại thêm dịch COVID-19 nên chúng tôi rất lo. Người dân không thể tự phân biệt triệu chứng bệnh. Chỉ cần một người chủ quan là cả cộng đồng gặp họa”.
Theo ông Sơn, người dân lâu nay đã có thói quen xả rác và nước thải sinh hoạt ra kênh, gây nên tình trạng ô nhiễm kênh rạch. Cư dân hầu hết là người lao động tự do, ý thức phòng chống dịch hạn chế, lại hay chủ quan nên nguy cơ bùng phát dịch ở những khu “ổ chuột” như thế này rất cao.
Cách con hẻm đang bị cách ly do có trường hợp nhiễm COVID-19 ở quận 8 vài trăm mét là những căn nhà “ổ chuột” nằm lụp xụp trên kênh Đôi. Trái ngược với không khí căng thẳng ở con hẻm cách ly, người dân trong khu này khá bàng quan về dịch bệnh. Họ vẫn thoải mái tụ tập uống cà phê, nhậu nhẹt, hát karaoke bằng “loa kẹo kéo”. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế chỉ ra rằng, các khu “ổ chuột” ven kênh rạch với những điều kiện kém cỏi về vệ sinh dịch tễ sẽ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao hơn các khu khác.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho rằng, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở những khu “ổ chuột” nhiều hơn, nhanh hơn là do mật độ dân cư lớn, môi trường sống tồi tàn, cơ sở hạ tầng kém. “Ngành y tế đang chú trọng phun khử trùng và chống dịch ở các khu trung tâm, khu tập trung đông người. Điều này hoàn toàn đúng vì khả năng lan truyền bệnh ở khu tập trung đông người sẽ cao. Nhưng cần lưu tâm đến các khu “ổ chuột” - giáo sư Lê Huy Bá cảnh báo.
Có đủ các loại mầm bệnh truyền nhiễm trong bãi rác. Nhiều người nói COVID-19 chủ yếu lây qua đường tiếp xúc với người bệnh. Đó là nhận định chủ quan, bởi vi-rút SARS-CoV-2 có khả năng tồn tại ngoài vật chủ.
“Trong bãi rác, có cả đồ lau tay, đờm dãi. Nếu chẳng may mình tiếp xúc với đờm dãi hay đồ của người bệnh thì khả năng lây nhiễm là có. Cùng với đó, cộng đồng người thu nhập thấp hằng ngày tiếp xúc với đủ thành phần trong xã hội nên họ là đối tượng có khả năng lây nhiễm cao. Tôi lấy ví dụ, một bà bán vé số mỗi ngày có thể tiếp xúc hàng ngàn người thuộc đủ thành phần xã hội, trong khi họ thường không dùng biện pháp sát trùng, khử khuẩn gì cả, nguy cơ lây nhiễm rất cao” - giáo sư Lê Huy Bá phân tích.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, Bộ Y tế - hiện chưa có nhiều thông tin về dịch tễ học của COVID-19. Nhưng, với những cộng đồng cư dân sống tạm bợ ven kênh rạch, khu trọ rẻ tiền, việc tẩy uế, khử trùng để ngừa dịch bệnh đang rất hạn chế. Điều kiện phòng dịch thấp thì khả năng lây nhiễm cao. Lịch sử dịch bệnh ở Việt Nam và các nước chỉ ra, ở các khu này, khả năng bùng phát dịch bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp cao hơn các nơi khác.
“Hiện nay, mình đã quản lý tốt nguồn lây, cách ly đường lây. Nhưng cái đáng quan ngại là những người mang trùng chưa có triệu chứng. Trong khi đó, những người lao động tự do lại tiếp xúc nhiều, khả năng họ tiếp xúc với người mang trùng là có, nên cần tăng cường dịch tễ để hạn chế khả năng bị lây nhiễm của họ” - bác sĩ Xuân Mai khuyến nghị.
Bác sĩ Xuân Mai cũng cho rằng, ngoài tập trung chống dịch bệnh COVID-19 cũng cần phải lưu ý đến các dịch bệnh khác. Với thời tiết như hiện giờ, các loại dịch bệnh khác chưa xuất hiện hoặc xuất hiện ít, nhưng vài tháng nữa, vào mùa mưa, chúng sẽ xuất hiện.
“Nguy cơ dịch chồng dịch là có, khi mà dịch này chưa xử lý xong thì dịch kia ập đến. Tôi nghĩ cơ quan phòng chống dịch và chính quyền cũng đã có phương án để xử lý nguy cơ này rồi, nhưng mình nói điều này vẫn không thừa. TPHCM có nhiều khu đông người thu nhập thấp, cần hết sức chú trọng chống dịch ở các cộng đồng này” - bác sĩ Xuân Mai lưu ý.
Sơn Vinh