Một câu đố khó
Kiệt tác Tiếng thét của trường phái Biểu hiện là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thời hiện đại, được xem như một sự miêu tả vượt thời gian về nỗi lo lắng của con người. Tuyệt tác dường như bắt đầu bằng một cuộc đi dạo của Munch cùng hai người bạn lúc hoàng hôn. Cảnh tượng đầy màu sắc đã tạo cảm xúc mạnh mẽ ở Munch, trong khi bạn bè ông không hề chú ý. Từ đây, người họa sĩ tài năng cố gắng ghi lại những gì xảy ra bằng cách viết và vẽ, kết quả là bốn phiên bản của Tiếng thét (The Scream) ra đời kể từ đó. Trong đó, có hai bức vẫn thuộc quyền sở hữu của ông và nằm trong bộ sưu tập Munch ngày nay: bức tranh từ năm 1910 (chưa xác minh chính xác) và phiên bản màu phấn từ năm 1893. Hai phiên bản còn lại, một bức thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Na Uy và một bức thuộc sở hữu tư nhân. Ông cũng tạo ra thạch bản của bức tranh và đem in khoảng 30 lần. Sáu trong số này, bao gồm một tác phẩm được tô màu bằng tay bởi Munch, hiện đang nằm tại Bảo tàng Munch ở Oslo.
|
Các phiên bản Tiếng thét của Edvard Munch. Từ trái sang: phiên bản tô màu thực hiện vào khoảng năm 1910, phiên bản màu phấn từ năm 1893 và hai bức tranh thạch bản từ năm 1895 |
Đến nay, Tiếng thét vẫn là một câu đố cả về nội dung và hình thức. Không có cách giải thích duy nhất nào về hình ảnh méo mó phi giới tính ở chính diện. Chúng ta đang quan sát người nào đó đang la hét hay phản ứng của ai đó trước một tiếng thét? Chúng ta đang nhìn vào một người thực hay một đại diện tượng trưng khi những người ở phía sau dường như đang chìm trong cuộc trò chuyện hoặc suy nghĩ của riêng mình, tiếp tục bước đi mà không quay đầu lại?
Có lẽ những gì người xem đang chứng kiến là một trường hợp kinh điển: một tình huống, hai phản ứng trái ngược nhau và không có sự trao đổi nào. Chúng ta thường hành động như những gì trong bức tranh: đi theo con đường đã chọn mà không cần nhìn sang trái hoặc phải. Như thể Munch đang nói hay đúng hơn là thét lên, rằng đã đến lúc dừng lại và nhìn xung quanh.
Một tác phẩm phác họa khác của Munch có tên Sự tuyệt vọng (Despair) vẽ vào năm 1892 có thể cho thấy khoảnh khắc cô lập mà họa sĩ cảm thấy ngay trước “tiếng thét xé toạc thiên nhiên” thể hiện trong Tiếng thét. Munch mô tả trải nghiệm này: "Tôi dừng lại khi cảm thấy kiệt sức và dựa vào hàng rào… Bạn bè tôi bước tiếp và tôi đứng đó run rẩy vì lo lắng". Đáng chú ý, Munch khẳng định tiếng thét thực sự đến từ môi trường xung quanh. Nghệ sĩ đã in dòng chữ “Tôi cảm thấy một tiếng hét lớn truyền qua thiên nhiên” bằng tiếng Đức khi giới thiệu tác phẩm của mình vào năm 1895. Tên ban đầu của tác phẩm vốn là Tiếng thét của thiên nhiên.
Trong hơn 100 năm, các tác phẩm đã hai lần bị đánh cắp. Lần đầu tiên vào năm 1994, những tên trộm đột nhập qua cửa sổ Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo và lấy đi bức tranh Tiếng thét. May mắn thay, nó đã được tìm thấy và trả lại trong vòng ba tháng. Lần thứ hai, các tay súng có vũ trang đã đột nhập vào Bảo tàng Munch vào năm 2004, đánh cắp một phiên bản khác của Tiếng thét. Tháng 8/2006, cảnh sát Na Uy thông báo tìm được bức tranh trong tình trạng “tốt hơn dự kiến”. Riêng một phiên bản màu phấn năm 1895 của tác phẩm, thuộc sở hữu của doanh nhân người Na Uy Petter Olsen, đã được bán trong phiên đấu giá vào ngày 2/5/2012 của nhà Sotheby's ở London với giá kỷ lục, gần 120 triệu USD.
|
Edvard Munch phác thảo bức Tuyệt vọng bằng than và màu dầu vào năm 1892. Chính Munch đã viết rằng ý tưởng cho bức Tuyệt vọng và dường như là cả Tiếng thét đến khi “Tôi đang đi bộ trên đường với hai người bạn”. |
Ám ảnh về cái chết
Để hiểu rõ hơn về những bức tranh, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm về hoàn cảnh sống, suy nghĩ của người họa sĩ kỳ lạ Edvard Munch. Ông sinh năm 1863 trong một trang trại mộc mạc ở làng Adalsbruk, thuộc vùng Loten, Na Uy. Cha ông, Christian Munch, là một bác sĩ. Gia đình ông chuyển đến Oslo vào năm 1864. Trong vòng mười năm tiếp theo, mẹ và chị gái của Munch lần lượt chết vì bệnh lao. Cha của Munch sau đó đã trải qua những cơn trầm cảm và tức giận cũng như chìm sâu vào niềm tin tâm linh, trong đó ông giải thích bệnh tật của gia đình mình là sự trừng phạt từ thần thánh. Điều này phần nào truyền cho cậu bé Munch cảm giác lo lắng về cái chết.
Edvard Munch là một nghệ sĩ tài hoa nhưng thường xuyên gặp rắc rối. Ông bị thu hút bởi các vấn đề liên quan đến cái chết của con người như bệnh tật mãn tính, giải phóng tình dục và khát vọng tôn giáo. Từ đó, Munch thể hiện nỗi ám ảnh này thông qua các tác phẩm có màu sắc đậm, bán trừu tượng và mang chủ đề bí ẩn. Sau thành công rực rỡ của trường phái Ấn tượng Pháp, Munch đã tiếp thu nhiều hình ảnh hơn, khả năng cảm thụ biểu tượng hơn nhờ ảnh hưởng của Paul Gauguin. Đến lượt mình, ông trở thành một trong những nghệ sĩ gây tranh cãi nhất và nổi tiếng trong một thế hệ mới của các họa sĩ theo trường phái Biểu hiện và Tượng trưng.
Munch xuất hiện vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, thời kỳ đỉnh cao của phong trào Tân nghệ thuật. Edvard Munch, người chưa bao giờ kết hôn, gọi những bức tranh của mình là con và ghét bị tách khỏi chúng. Sống một mình ở một điền trang bên ngoài Oslo trong 27 năm cuối đời, ngày càng được tôn sùng và ngày càng bị cô lập, ông luôn bận rộn với công việc. Khi ông qua đời vào năm 1944, ở tuổi 80, các nhà chức trách đã phát hiện đằng sau những cánh cửa khóa trên tầng hai ngôi nhà của ông một bộ sưu tập đồ sộ gồm 1.008 bức tranh, 4.443 bản vẽ và 15.391 bản in, cũng như tranh khắc gỗ, tranh khắc, đá in thạch bản, khối khắc gỗ, tấm đồng và ảnh.
|
Một phiên bản của bức tranh Tiếng thét được treo tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan vào năm 2015
|
Tác phẩm của “kẻ điên”
Dòng chữ "Chỉ có thể được vẽ bởi một kẻ điên" viết nguệch ngoạc ở góc trên bên trái của bức tranh Tiếng thét, gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường đã trở thành chủ đề tranh luận trong nhiều thập kỷ và được nhiều người cho rằng đó là hành động phá hoại của người xem. Song, mới đây, kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Quốc gia Na Uy đã tiết lộ rằng chính Edvard Munch đã viết ra cụm từ này.
Các giám tuyển đã sử dụng công nghệ hồng ngoại để phân tích chữ, so sánh nó với các ghi chú, thư từ của Munch và nghiên cứu các sự kiện xung quanh thời điểm tác phẩm được công bố lần đầu. Mai Britt Guleng, người phụ trách bảo tàng, kết luận: “Không nghi ngờ gì, chữ viết là của Munch. Bản thân nét chữ, cũng như các sự kiện xảy ra vào năm 1895, khi Munch trưng bày bức tranh lần đầu tiên ở Na Uy, tất cả đều có sự gắn kết".
Sau lần đầu tiên bức tranh ra mắt công chúng, một số nhà phê bình đã bác bỏ nó và có cuộc tranh luận gay gắt về trạng thái tinh thần của Munch. Đó có lẽ là nguyên nhân khiến Munch thất vọng về phản ứng của giới phê bình đối với bức tranh, khi ông trưng bày nó ở quê hương Kristiania (nay là Oslo). Bảo tàng nói thêm: "Tại một buổi thảo luận của Hiệp hội Sinh viên, nơi Munch được cho là đã có mặt, sinh viên y khoa trẻ tuổi Johan Scharffenberg đã đặt câu hỏi về sức khỏe tâm thần của Munch và tuyên bố rằng các bức tranh chứng tỏ đầu óc ông ấy không tỉnh táo. Có khả năng là Munch đã thêm dòng chữ vào năm 1895 hoặc ngay sau đó để đáp lại bình luận về tác phẩm của mình".
Nhìn chung, Tiếng thét là một bức tranh nổi tiếng vì tất cả chúng ta đều có thể liên tưởng bản thân mình với nó. Tác phẩm hoàn toàn vượt thời gian. Sự lo lắng là điều mà gần như ai cũng mắc phải dù ở bất kỳ thời đại nào. Chúng ta là con người, bước đi trên cuộc đời của mình và trải nghiệm những điều mà đôi khi chúng ta không muốn trải qua, một mình.
Ngọc Hạ