PNO - PN - Vẫn ngôi nhà ấy, căn phòng ấy, nhưng có thêm những mảng đen ố vì bụi, nước mưa, thời gian; ni lông miếng nhỏ miếng to cột túm như váy đụp chống đỡ nắng mưa từ ngói nát và tôn hoen gỉ dội xuống đêm ngày. Như mặc định,...
Không biết khi biến ngôi nhà này thành chỗ tá túc cho sinh viên Quảng Nam trước 1975, người ta có sửa gì không, nhưng theo lời cụ già hiệu thuốc bắc Phan Chánh Nam ở đường Mai Thúc Loan, thì hình như không. Lâu lắm rồi, cụ thấy tấm biển báo Tiếng Dân rơi xuống, như chiếc lá vậy. Người ta vứt ngay. Mặt bên kia của ngôi nhà nằm ở đường Phan Đăng Lưu là chỗ sửa và rửa xe. “Như bên Huỳnh Thúc Kháng thôi, tụi tôi thuê hết, không ai biết báo Tiếng Dân đâu”. Lại lời như lá rụng. Tôi đứng giữa mấy người thợ may, lòng đùn lên như tổ mối cũ. Phòng căng cứng những vải, mút, da bọc. Đâu là chỗ chủ nhiệm báo Tiếng Dân Huỳnh Thúc Kháng ngồi? Đâu là chỗ của phụ tá Đào Duy Anh và cộng sự? Đâu là tiếng máy chữ lọc cọc, những biên tập viên im lặng nhíu mày? Chút ánh sáng từ ô giếng trời giữa nhà phóng xuống như lạc lõng. Xập xệ. Nát bươm. Không ai biết. Không hay. Chưa từng nghe bao giờ. Chúng tôi chỉ là người thuê lại thôi. Một phụ nữ đứng tuổi nói thêm, sau giải phóng đây là khu tập thể sáu hộ của Trường ĐH Y khoa Huế. Hết.
Trụ sở báo Tiếng Dân, 193 Huỳnh Thúc Kháng - TP. Huế, bây giờ là cơ sở may mui nệm xe máy
Nhiều người không biết báo Tiếng Dân là phải, bởi nó đóng cửa từ 1943. Gần một thế kỷ đã trôi, bao biến động trên đời dân, trên phận người, trên hoa kia cỏ này, sao lại đi nhớ những chuyện đâu đâu. Vì thế mới có chuyện mới đây một thầy giáo dạy báo chí ở Huế nói với sinh viên: Ai tả được trụ sở báo Tiếng Dân hiện giờ, một trang A4 thôi, tôi cho ngay 8 điểm học kỳ! Cả lớp 34 sinh viên bó tay. Nhưng ký ức như than đá, có ngày nó sẽ thành nham thạch, âm ỉ khôn nguôi trong ai đó. Tôi mấy lần ngồi với cụ Huỳnh Toản, cháu gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng là ông, được giao phó trông coi từ đường ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Đã 94 tuổi, nhưng cụ mẫn tiệp lạ, chuyện xưa nhắc lại lần nào cũng như thế, không lệch. Khoảng tháng 6/1975, cụ khăn gói ra Huế hầu tòa quyền tranh chấp với một bà nào đó đòi trụ sở này. Tòa bác đơn bà kia, bởi trong tay cụ là toàn bộ giấy tờ đứng tên Huỳnh Thúc Kháng. Đến đầu năm 1980, cụ bắt đầu đi đòi nhà. Giấy tờ địa bộ còn lưu ở thành phố Huế. Thành phố đưa lên tỉnh, tỉnh đá về. Cụ ra Hà Nội, lê gót từ Văn phòng Chủ tịch nước sang Văn phòng Chính phủ. Giấy tờ lại vòng về Huế. Cụ kể: “Tôi đến nhà gặp bà Nguyễn Thị Bình, nói: Chị là cháu cụ Phan Chu Trinh. Tôi là cháu cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tình thân hữu giữa hai cụ, chắc chị hiểu. Xin chị giúp giùm tôi chuyện ni”. Tới bây giờ, mọi sự “vũ như cẩn”. Nghe đâu thời còn tỉnh Bình Trị Thiên, có công văn của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xin mua lại ngôi nhà để làm khu lưu niệm, nhưng rồi rơi vào im lặng.
Cụ Huỳnh Toản - cháu cụ Huỳnh Thúc Kháng
Tồn tại từ năm 1927 đến 1943, Tiếng Dân là câu chuyện báo chí kỳ lạ giữa thời buổi bạo quyền, với tôn chỉ dân quyền, dân trí, dân sinh tiếp biến từ phong trào Duy Tân, với sự lãnh đạo của chủ bút Huỳnh Thúc Kháng. Có lẽ khỏi nhắc lại đóng góp của nó với lịch sử báo chí và văn hóa Việt Nam. Nó đóng cửa vì nhà cầm quyền không ưa nó “vượt rào”. Rồi từ đó, địa chỉ tòa soạn tờ báo một thời làm mưa gió cõi Trung kỳ rơi vào im lặng. Báo Tiếng Dân bây giờ chỉ còn ở những tàng thư cá nhân, ở những trung tâm lưu trữ, ở những bộ óc quyến luyến ngày xưa. Nhà thơ Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương nói: “Đừng nghĩ Huế chưa từng là trung tâm báo chí miền trung. Tiếng Dân chẳng phải đầu đàn một thời là gì! Ông Kháng ổng là dân Quảng Nam nhưng làm sang cho cả Huế này chứ riêng chi cho báo chí”. Tiếng Dân đã đi một đoạn đường ngắn ngủi nhưng không kém phần sấm sét với khát vọng của bậc đại nho một đời song hành với đời sống cần lao, trút tinh lực tranh đấu bằng ngòi bút. Có lần tôi hỏi chuyện, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói ngay: “16, 17 năm tồn tại của nó bằng cả mấy mươi năm của người ta. Lý do à? Ra số nào cũng phải vỗ hai bản vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp để nộp cho Sogny là Chánh mật thám bên Tòa Khâm kiểm duyệt. Cái thuở khó khăn đó, ở ngay trung tâm chính trị cả nước là Huế, tại sao không ai ra báo mà là cụ Huỳnh? Còn bài học ư? Tiếng Dân và cụ Huỳnh dạy cho hậu thế làm báo một điều: Tinh thần gang thép!”.
Từ đây nhìn ra, một nhánh sông Hương qua cầu Đông Ba xuôi về ngõ Bao Vinh. Những xóm vạn đò ngày cũ không còn nữa. Nó có từ thuở mô tê, có khi là bầu bạn với Tiếng Dân thuở khai sinh. Những con đò già nua đã bỏ Tiếng Dân đi mấy năm rồi để lên bờ đổi đời, chỉ còn lại mỗi căn nhà nát đứng buồn xo, cô độc, bị kẹp giữa những ngôi nhà mới cao tầng, ầm ĩ người vào ra. Cuối năm 2012, tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo Sở VH-TT-DL làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế để xúc tiến, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích. Câu trả lời tôi nhận được từ một lãnh đạo ngành văn hóa Quảng Nam là không nghe ai nói chi! Gió từ sông thổi liên hồi kỳ trận, lòng ngổn ngang như gạch đá đổ từ căn nhà cũ, tôi nhớ cụ Toản hỏi trong hơi thở gấp của người già: “Tôi đòi lại để làm di tích nhà báo, để họ nhớ cụ thôi. Liệu còn đòi được không anh, hay là họ cứ nói nhớ ngày xưa làm chi?”. Lời cụ Huỳnh như vang lên từ trang sách cũ: “Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Quay lại nhìn lần nữa căn nhà, thấy con thằn lằn bám chặt mảng tường, nhìn tôi như trêu chọc rồi cất tiếng kêu. “Nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi gọi tàn phai”…