Ve chai đây. Ve chai sắt vụn bán không chị ơi? Ve chai không em ơi?
Có tiếng rao thánh thót lướt ngang qua ngõ, ban đầu ở xa rồi mỗi lúc một gần hơn. Tiếng rao mang theo câu chuyện về má. Tiếng rao một thời nuôi lớn tuổi thơ tôi.
Miền Trung quê tôi vẫn đầy nắng gió. Mùa nắng, má tất bật với ruộng vườn, mùa mưa ngồi nhà ngóng nước lũ dâng lên rồi rút đi. Thời tiết khắc nghiệt cản trở việc đồng áng, thêm nhà có 3 chị em đang tuổi ăn tuổi học nên má lo không xuể. Suy đi tính lại, má quyết định giao hết việc ở quê cho chị cả - là tôi, rồi khăn gói vào Sài Gòn bôn ba kiếm tiền.
|
Ngày tết là dịp hiếm hoi má tôi mặc đẹp để chụp hình với con cháu - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những năm đầu, má bán bánh tráng gánh. Sau này, nghề bánh nhiều người bán lại ít người ăn, thành ra ế ẩm. Má đi bộ cùng đôi quang gánh cả ngày từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Thấy tình hình không ổn, má sắm chiếc xe đạp rồi đi mua ve chai.
Hồi đầu má mắc cỡ lắm. Sau mỗi buổi đi mua ve chai, má thường vội vã mang ra tiệm cân ngay, chẳng dám chở về chỗ ở. Chỉ hôm nào lỡ mua dọc đường về, má mới đành mang về nhà. Những hôm có khách ghé thăm, má vội vội vàng vàng dắt xe ve chai ra đám đất sau nhà, giấu.
Mấy chị em tôi ngày đó chưa hiểu chuyện, má nói sao nghe vậy. Má dặn mỗi lần ai hỏi má làm nghề gì, các con cứ nói má buôn bán ngoài chợ. Sau này khi lớn lên và hiểu rõ hơn về từng ngành nghề, tôi lại thấy trân quý công việc của má. Nghề nào cũng được, miễn công việc đó kiếm ra tiền nuôi sống mình và không gây ảnh hưởng đến người khác thì đều đáng quý.
Dần dần, má cũng cởi mở hơn và chịu chia sẻ về công việc của mình. Mỗi cuối tuần về, tôi lại ngồi nghe má kể chuyện. Hôm nay má đi lấy mối ở xưởng này, mua được nhiều đồ ở khu nhà trọ kia, má gặp được cô này tốt bụng, gặp chị kia cho đồ ăn, gặp cô khác khó tính…
Má bắt đầu tìm được niềm vui trong công việc, dù có những lúc phải gồng mình với xe hàng hóa cồng kềnh chất cao đến khuất cả đầu. Lâu lâu mua hàng có món nào còn đẹp là má mang về dùng. Thỉnh thoảng có cái nồi còn mới, chiếc xe đạp còn dùng được, mấy anh chị công nhân hỏi má để mua, má chia giá vốn lại cho họ. “Họ cũng vất vả như mình nên má không lấy lời” - má thủ thỉ với chị em tôi.
Đi mua ve chai kiếm từng đồng bạc lẻ, nhưng má dễ tính lắm. Ví dụ mua 95.000 đồng thì má đưa luôn 100.000 đồng cho tròn. Má nói: “Người ta vui, lần sau có hàng họ lại kêu mình bán, còn không thì mình cũng vui. Hoặc nhiều khi mua hàng xong còn đồ nát, bao bì hay rác thải má cũng dọn dẹp sạch sẽ chở đi đổ rác cho người ta luôn. Mình cứ làm hết lòng là được”.
Những ngày mưa không đi mua hàng được, má lại ở nhà cần mẫn gọt dây đồng. Đó là các loại dây điện bên ngoài bọc nhựa, thân đồng bên trong. Má mua về để dành rồi gọt dần lúc rảnh. Thay vì mang ra tiệm cân cả dây sẽ không được giá tốt hay mang đi đốt vừa ảnh hưởng môi trường vừa làm màu đồng bị đổi sắc, má chọn tỉ mỉ gọt từng sợi, tách riêng lõi đồng và vỏ nhựa để bán được giá hơn, dù mất nhiều thời gian và công sức hơn. “Kệ đi con, chịu khó một chút, kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó, xem như mình tập thể dục” - má rỉ rả nói. Có lẽ vì vậy mà dù đã gần 70 tuổi, ba má vẫn mỗi người một việc, miệt mài lao động chứ chẳng chịu nghỉ ngơi.
Cần cù là vậy, bận rộn là vậy nhưng ngày cuối tuần luôn là lúc cả nhà dành thời gian cho nhau. Sáng sớm, má đã đi chợ mua đồ ăn tươi ngon mang về sơ chế sẵn. Chiều đến, mấy chị em tề tựu đông đủ, cùng nhau nấu bếp. Cả nhà 3 thế hệ xúm xít, quây quần bên bữa cơm gia đình. Chị em tôi dù lớn vẫn giữ tinh thần trên bảo dưới nghe, có chuyện gì cũng cùng nhau ngồi lại chia sẻ, nhờ đó mà nếp nhà luôn được gìn giữ trong không khí ấm cúng và đầy ắp yêu thương.
Tôi hay nói đùa: “Má làm chi nhiều vậy? Có nhiêu tiền cứ lấy ra mà xài, tuổi này nghỉ hưu được rồi, để con cháu lo”. Má chỉ cười: “Còn làm được thì cứ làm. Thân má còn khỏe, sao phải trông chờ con cháu? Làm việc cho người khỏe, con ơi”.
Đến tận bây giờ, ngày ngày má vẫn túc tắc trên chiếc xe ve chai của mình. Hôm nào khỏe thì má làm, mệt thì nghỉ. Có lẽ khi tìm được niềm vui với công việc, người ta sẽ chẳng còn bận tâm đến tuổi tác hay những vất vả ngoài kia. Thân khỏe, tâm vui thì hạnh phúc sẽ tròn đầy.
Nhìn má, chúng tôi tự hào vì được sinh ra trong một gia đình luôn sống chăm chỉ và tràn ngập yêu thương. Những bánh xe của má vẫn quay, tiếng rao vẫn thánh thót trong ký ức của chị em tôi. Từng vòng xe lăn đều theo nhịp sống, len lỏi vào trong những câu chuyện má kể tôi nghe mỗi ngày.
“Ve chai đây. Ve chai bán không chị ơi”.
Lê Xinh