PNO - “Hello, hello, newspaper sir, lady...”. Tiếng rao của người đàn ông mù bán báo như lọt thỏm vào ồn ào phố xá ở góc Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi (Q.1, TP.HCM).
Ở khu vực sang trọng của thành phố này, có một số phận hẩm hiu đã cố định hình ảnh hơn 20 năm nay. Ngày qua ngày anh đứng đó, ôm chồng báo ngoại văn mời chào, chỉ khác là ngày càng ít khách dừng lại theo lời rao của anh. Xấp báo trên tay anh như ố vàng hơn vì ế ẩm. Anh có lẽ là người bán dạo báo Tây cuối cùng ở đường Đồng Khởi.
Dậy thật sớm, chạy thật nhanh
Người đàn ông mù bán báo Tây ấy là Trần Quốc Cường. Trước đây, cha anh cũng bán báo quen mặt ở chợ Bến Thành, anh theo nghề sau khi cha anh qua đời. Tuổi hai mươi, lanh lẹ, tháo vát, anh thành tay chạy báo Tây nổi tiếng ở khu vực quận 1. Đất nước mở cửa, những thương nhân ngoại quốc đến Sài Gòn làm ăn cần có tờ báo tiếng Anh để đọc khi nghỉ ngơi uống cà phê ở những sảnh khách sạn sang trọng. Anh Cường liên hệ đặt báo, lấy từ sân bay chạy về giao kịp cho khách quen. Nhưng khi báo online phát triển, nghề bán báo ngoại văn của anh xẹp cái bụp.
Chín năm trước, mắt anh bị đục thủy tinh thể, không chữa trị kịp nên bị mù hẳn. Anh neo lại góc Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi, ôm xấp báo Tây đứng bán trong sự hờ hững của người qua lại. Từ năm 2000, doanh thu thị trường báo in ở Mỹ giảm đến 71%, đồng nghĩa tờ New York Times anh cầm trên tay cũng giảm thu hút và thay vì bán được 10 tờ, anh chỉ còn bán được 3. Giờ thậm chí có ngày anh phải cầm vài tờ báo khổ to đó về cho vợ lót chỗ dọn cơm. Anh chẳng thể đọc được chữ trên những tờ báo ngoại văn đó, nhưng anh biết rõ, khách Tây nếu có mua tờ báo thì chẳng qua là mua cho đỡ nhớ nhà hoặc vì thương người bán báo mà thôi.
Những người bán báo có mặt tại điểm phát hành báo Phụ Nữ trên đường Trần Quốc Thảo từ lúc 3g sáng để kịp đưa những tờ báo nóng hổi đến tay bạn đọc
Mặt trời đứng bóng. Anh lôi chai nước ra tu. Hóa ra, anh uống nước thay cơm. Mỗi ngày, anh ăn sáng ở nhà (trọ ở quận 2), đi xe bus ra đây đứng bán. Trưa, khi dân công chức ở phố này lao xao ăn trưa, anh uống nước qua bữa, tối về mới ăn. Gần mười năm không thấy ánh sáng đã dạy anh cách phân biệt được cả bước chân Tây và bước chân ta. Có nhó m người đi qua, không cần nghe tiếng nói, anh cũng biết đó là Tây và “hello, hello, hello sir, newspaper…”. Anh Cường có lẽ là một trong những người bán báo có tốc độ chậm nhất thành phố. Những người bán báo khác, phải dậy thật sớm, chạy và chạy. Nếu chạy chậm, đến 12g trưa mà báo còn nặng trên tay là coi như “xong”.
10g sáng 17/6, tôi níu xe đạp “siêu sao bán báo” Trần Ngọc Quang ở góc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (Q.5). “Siêu sao” là danh hiệu những người bán báo dạo phong cho Quang, khi anh lập kỷ lục khiến cả làng bán báo kinh ngạc: bán mỗi ngày 300-400 tờ báo, trong khi những người khác chỉ bán tròm trèm 100 tờ /ngày. “Bí quyết nào giúp anh bán ác liệt được vậy?” - tôi hỏi.
Anh vội đi, bồn chồn trả lời: “Có gì đâu, dậy thật sớm, phi thật nhanh giao cho mối quen, trời sáng là cũng giao xong, rồi chạy thật nhanh đến những điểm quen để bán. Vậy nha, tui chạy cái đã”. “Từ từ. Tui mua cho anh tờ Phụ Nữ thành phố, anh nói chuyện với tui thêm hai phút được không?”. Quang gật, rút tờ Phụ Nữ, cố tình để dính theo tờ Bóng Đá. Anh cười cầu tài: “Euro đá đã quá, coi thêm tờ Bóng Đá nghen?”.
Anh Cường vẫn bám trụ với nghề bán báo ngoại văn ở đường Đồng Khởi dù gặp nhiều khó khắn
Tôi không thể không bật cười trước sự tinh quái của Quang. Nói chuyện thêm vài phút là anh phi đi. Ngoài sự láu cá đáng yêu đó, cách để bán được nhiều báo củ Quang là dậy sớm tranh thủ giao báo cho mối quen, từ nhà ở huyện Hóc Môn, lao xe đạp đua với thời gian. Đến điểm bán, quẳng xe đó và ôm báo đi bán một vòng, lại lên xe lao đi tiếp. Anh “cày nát” các địa điểm ở Q.7, Q.1, Q.Bình Thạnh, có khi còn chạy sang tận huyện Nhà Bè, Bình Chánh, trung bình mỗi ngày di chuyển đến trên 100km. Buổi chiều, nếu hết sớm, anh lấy thêm báo ế của người khác để bán, hôm nào cũng tối mịt mới về đến nhà. Từ chỗ tay trắng, sau hơn 10 năm bán báo, anh mua được căn nhà hơn 700 triệu.
Chuyện anh Quang bán báo dạo mua nhà thành phố đã trở thành đề tài khiến nhiều người bán báo khác bàn tán, ngưỡng mộ. Chiều 16/6, uể oải cởi áo mưa, trên tay lủng lẳng bịch trứng vịt lộn và xấp báo ướt, bà Dương Thị Như nghe mọi người trong nhà (930/1A Trường Sa, Q.3) đang rôm rả tám chuyện “siêu sao bán báo” tên Quang, bà thở hắt: “Thằng cha đó bán nhanh như điên! Còn mình thì bán điếng. Bán một tờ lời có 1.000đ mà bữa nay có ông khách còn chê mắc, bảo lời 500đ mới đúng giá. Bán được bảy chục tờ đã ná thở rồi”. “Bán điếng” là phương ngữ của người Quảng Ngãi chỉ việc buôn bán vất vả. Trong căn nhà này, hiện có hơn 20 người Quảng Ngãi ở trọ hành nghề bán báo. Họ cũng dậy từ hơn 3g sáng để chạy, nhưng bán được một tờ báo không đơn giản chút nào, nhất là khi trời cứ sụt sùi mưa như mùa này.
Bà Như gần 60 tuổi, rời Quảng Ngãi vào TP.HCM đã hơn 20 năm. Chồng mất, một tay bà bán báo nuôi hai con ăn học. Quả ngọt của những ngày bán báo dạo của bà là hai con đã tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp hẳn hoi. Thế nhưng, bà chưa thể bỏ nghề vì “mình bán báo cho những người quen đã bao lâu nay, ngườ i ta tốt với mình vậy, khó mà chia tay” - bà bộc bạch. Giờ tuy tuổi cao nhưng bà vẫn đi bộ khắp các cung đường ở Q.Phú Nhuận, Bình Thạnh… Sức yếu, không còn nhanh nhẹn thì bà bán bằng kinh nghiệm.
Bà chia sẻ: “Có gì đâu, đi bán lâu năm thì nắm rõ khách. Ví dụ, nhà đó có ông thích báo Thanh Niên, nhà kia có bà thích báo Phụ Nữ. Cứ ôm báo xàng qua xàng lại trước ngõ. Nếu gặp, thế nào họ cũng mua, vì không ai nổi giận với một tờ báo cả”. Bà Võ Thị Hoa (ở cùng nhà bà Như) tham gia câu chuyện: “Đúng đó! Được cái người Sài Gòn dễ thương lắm! Trưa nay tui mời cậu kia mua báo, cậu ấy giơ giơ điện thoại lên nói báo đây này, báo trong này này, mua làm gì nữa. Nói vậy chứ cậu ấy cũng mua một tờ, cất điện thoại rồi giở ra đọc”.
Bà Hoa cũng thâm niên bán báo trên 20 năm, kinh nghiệm đầy mình nhưng ngày nào cũng hồi hộp. “Sáng dậy sớm, thấy trời lành lạnh như có mưa là trống ngực đánh rồi. Bữa nay bỏ rớt mất cái áo mưa ở đâu, mưa ào xuống là lấy lưng che báo mà chạy, ướt hết người. Cái nghề này nó vậy, thà người ướt chứ không để báo ướt chú à ” - bà Hoa chua xót.
Cực nhưng... vui!
Bà Như, bà Hoa và hơn 20 người quê huyện Sơn Tịnh - tỉnh Quảng Ngãi đang ở trọ kiểu dã chiến trong căn nhà 930/1A Trường Sa, cưu mang nhau bằng nghề bán báo. Chủ nhà là anh Ngô Châu, cũng người Sơn Tịnh, vào Sài Gòn bán báo từ 20 năm trước. Từ chỗ bán dạo, anh mở đại lý và tuyển những người đồng hương vào “đầu quân” cho mình. Thời trước, căn nhà hơn 40m2 mà anh thuê có lúc chứa hơn 40 người trong đội quân bán báo dạo, chỉ thu mỗi người 2.000đ/ ngày, coi như tiền điện nước.
Anh Ngô Châu (giữa) cùng những người bán báo sắp xếp báo trước khi đi bán
Dành dụm mua được căn nhà 930/1A Trường Sa, anh rộng bụng cưu mang hơn 20 người, cho ngủ “xếp cá mòi” trên gác, chỉ thu 5.000đ/người/ngày. Gần đây, việc bán báo không được hanh thông, anh nghĩ cách giúp người bán báo cầm vé số bán thêm: “Nghề bán báo cực vậy chứ khó bỏ lắm, bao nhiêu người từ quê vào Sài Gòn sống được bằng nghề này, họ quen rồi, cực thì cực nhưng cũng có cái vui của nó. Vui nhất là người bán báo được gặp những độc giả tốt bụng mua báo giúp, có khi còn cho tiền và cả quà nữa”.
Mỗi ngày, cứ 4g chiều là đội quân bán báo lục tục về nhà. Người vui, kẻ buồn nhưng ai cũng mệt lả. Trong căn nhà của “đại gia đình bán báo Sơn Tịnh” này, mọi người vẫn quen tếu táo chọc ghẹo nhau. Hôm trước, một người trong “nhà ” đám cưới, mọi thứ nhốn nháo hẳn lên bởi đội quân bán báo gần 100 người kéo đến “quậy” tưng. Đã gia nhập đội quân bán báo ấy là xem nhau như anh em, cần là hỗ trợ nhau chứ không kèn cựa, làm khó nhau. Trong hội có cưới hỏi, ma chay là có mặt đông đủ. Trong giới bán báo dạo, nhiều người nhắc đến ông Mây Hồng như một người bán báo hào sảng và … khác người.
Khoảng 3g chiều thứ Năm hàng tuần, người ta thường thấy một ông già lóc cóc đạp xe đến tòa soạn báo Giác Ngộ ở đường Võ Văn Tần. Xe chưa dựng xong ngoài sân, người trong tòa soạn đã nghe tiếng ông vì ông đến đâu là rôm rả đến đó. Ông Mây Hồng quẳng xe đạp lên xe khách, đi từ TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) lên bến xe miền Tây, rồi đạp xe từ bến xe đến lấy báo Giác Ngộ về bán. Người đàn ông ngoại lục tuần ấy cười khà khà khoe: “Cách đây vài tháng, xe khách từ chối chở xe đạp, mà báo thì phải đế với bạn đọc cho kịp. Vậy là tui đạp xe từ Mỹ Tho lên Sài Gòn lấy báo, hết có hơn… năm tiếng đồng hồ chứ nhiêu, ngon hông!”. Vụ ông Mây Hồng đạp xe từ Tiền Giang lên Sài Gòn lấy báo khiến những người bán báo “thiện chiến” nhất Sài Gòn cũng ngả mũ bái phục.
3g sáng 17/6, tôi đến “phố báo” Lý Chính Thắng, đã thấy đông nghẹt người. Đoạn đường đối diện Nhà Văn hóa Phụ Nữ này như một “chợ đầu mối” báo. Rất nhiều tờ báo vừa ra lò còn nóng hổi được phân ra ở đây. Mọi người nhanh chóng phân - nhận trong lặng lẽ dưới ánh đèn vàng. Những sự kiện, tin tức, hình ảnh ngồn ngộn, nổi lên sống động ở trang nhất các tờ báo họ cầm trên tay. 9g sáng, chạy ngang Đồng Khởi, chợt nhớ đến anh mù bán báo, tấp vô hỏi thăm.
- Buôn bán đỡ hông anh Cường?
Anh cười trên bộ mặt khô sạm: “Không bán được mấy. Nhưng con gái tui mới nhận được học bổng tiếng Anh, vui quá. À, con tui học giỏi tiếng Anh lắm đó. Chắc do tui... mang báo ế về nhiều mà con tui có báo ngoại để đọc, rồi giỏi tiếng Anh luôn”.
Chưa dứt câu, anh dợm bước ra vỉa hè rất nhanh vì phát hiện có nhóm khách Tây ngang qua. “Hello, hello sir, hello madam, newspaper!”, tiếng rao khàn đục, rời rạc…
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.