Tiếng rao

19/10/2019 - 20:11

PNO - Ồ, giá như ba tiếng “em hiểu không” của chồng chị cũng nhịp nhàng tha thiết như tiếng rao của người đàn ông này.

Nơi yêu quý nhất của vợ chồng chị là nhà - một căn nhà xinh xắn ngửa mặt ra con hẻm chừng vài ba mét ngang, đủ rộng cho một chiếc xe con lướt vào, ẩn mình êm ái. Chị mua đất cất nhà chỗ này, không chỉ là mua một nơi an cư lạc nghiệp, mà còn như mua cả những phần thư thái thanh tịnh để lấp vào những lổn nhổn bộn bề.

Cách con hẻm dăm chục bước chân là một khu nhà giàu đang tượng hình. Chỉ cách đây non một năm, xứ này chỉ cần giẫm chân thôi đã ngập ngụa trong bùn sình nhão nhoẹt. Vậy mà giờ thử kêu đi kiếm tí bùn với vài ba cọng rơm khô lại khó như đi tìm liều thuốc trường sinh bất tử.

Thế nhưng điều kỳ diệu lại thường hay xảy ra vào những thời khắc khó kiếm hiếm tìm đó. Thật!

Đó là khi chị bắt được tiếng rao ngọt lịm như tiếng ru hời vọng lên từ đầu hẻm. Độ chín mười giờ đêm trở đi, con hẻm đã bắt đầu ngái ngủ. Những tạp âm dần tan loãng cùng bóng đêm trĩu trịt trên đầu, nhường lại khoảng thinh không làm nền cho tiếng rao vang lên lảnh lót.

Tiếng rao của người bán hàng rong trong đêm, chan vào lòng người những tha thiết ngọt bùi, gạn hớt những toan tính khô khan bẩn chật khỏi một ngày. Tiếng rao réo rắt len lén trườn vào giấc ngủ của chị. Những ngón tay rã rời bật vội chốt cửa. Tiếng rao khan cất lên từ dáng người đàn ông bên chiếc xe đẩy cọc cạch, lạ lùng thay, nó khiến chị có phần mủi lòng hơn tiếng loa thùng ong ỏng.

- Bánh bao đi cô, bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!

Nồi bánh bao nghi ngút khói, hơi ấm phà vào mặt chị vỗ về cái lạnh xéo xắt từ xa lùa về. Có lẽ đâu đó vừa trút một cơn mưa. Chị nhủ bụng khi thấy người bán hàng rong vẫn còn trùm kín người bằng chiếc áo mưa đã thủng vài chỗ. 

- Cô muốn mua mấy cái? Trứng muối hay trứng cút, cái nào cũng ngon hết. Cô mua giúp tôi, tôi cảm ơn!

- Anh còn nhiều không? 

- Nhiều! Mưa gió quá không ai nghe tiếng rao của tôi nên dự tính sáng mai cho vợ con ăn bánh ế trừ cơm!

Tieng rao

Giọng miền Nam thật thà như đếm. Chị nhón lấy năm cái trứng muối sau vài giây lăn tăn nhìn nồi bánh còn đầy ăm ắp. Chỉ có hai vợ chồng, năm cái là đã quá nhiều, có lẽ chị phải để tủ lạnh hấp lại ăn dần mới hết. Giá mà nhà có thêm người. Một đứa trẻ con háu ăn và ưa đói bụng lúc khuya thì hay biết mấy! Chị sẽ mua giúp anh ta thêm vài phần. 

- Sao anh không dùng loa thùng để rao? Giờ người ta toàn như vậy.

Người đàn ông lục tung túi áo tìm tiền thối, hạ giọng:

- Thôi cô ơi, chỉ khi nghe tiếng rao của tôi, bà nhà tôi mới yên tâm rằng chồng mình bằng xương bằng thịt trở về. Lúc nào tôi cũng về nhà khi đã quá nửa đêm.

Chị lặng người đi trong giây lát. Chị hình dung người đàn bà phúc hậu nào đó đang đi đi lại lại quanh căn phòng trọ chật hẹp, giữa tiếng thở đều đều và thi thoảng vang lên tiếng cười khúc khích trong cơn mơ tuyệt đẹp của trẻ con, vểnh tai nghe tiếng rao quen thuộc của chồng mình. Tiếng rao kỳ diệu, vào độ nửa đêm, nó không còn là tiếng rao đơn thuần. Nó là tiếng lòng đầy yêu thương, gửi gắm, kiểu như “mình ơi, tôi về rồi mình à!”.

Chồng chị cũng ưa về khuya nhưng dù có cố lắm, chị vẫn không thể nghe được tiếng xe con lướt êm ru vào hiên nhà. Anh rất kỹ tính, nhẹ nhàng như một con mèo, dè chừng cẩn trọng mọi thứ. Vậy nên, dù trước đó đã a-lô bao lần hỏi khi nào chồng về, chị vẫn tẽn tò với chồng mỗi sớm mai thức dậy. 

Những bản kế hoạch dày cộm cho công ty, đám chữ trong đó như đám vòi của con bạch tuộc khổng lồ. Những chiếc xúc tu ma quái có sức hút kỳ lạ, chúng như hút hết sinh khí chị, trả lại một cái xác khô cong, chỉ cần một hơi lửa xẹt qua sẽ cháy. Cháy không tì vết. Có hôm, con quái vật khổng lồ không hút máu chị. Nó phụt vào mặt chị một cột nước đen ngòm, tanh lợm. Thứ mùi không rõ ràng là mùi gì, không phải mùi nước cống, không phải mùi xác chết, cũng chẳng phải mùi xú uế, càng không phải mùi dầu nhớt hay mùi đàn bà tới tháng. 

Chị định bụng sẽ kể chồng nghe về con quái vật đã tấn công mình. Nó khiến chị khiếp hãi như thế nào, dù chỉ là trong giấc mơ. Nhưng rồi chị tự cười cợt mình. Một câu chuyện không đầu không cuối, đầy trí tưởng tượng hoang đường, có dễ khiến chồng tin và ồ à ngạc nhiên trối chết hay không? Rồi chồng sẽ cảm thông và chìa vòng tay ôm đầu mình vào lòng, vỗ về, kiểu như không sao đâu em yêu, đã có anh đây rồi. 

Không đâu, chị đang tưởng tượng đó. Những thứ đẹp đẽ chỉ thực sự đẹp đẽ khi được tô hồng trong trí tưởng tượng của chị. Khi nhảy xổ ra bên ngoài, chúng lại vô cùng xấu xí, xấu đến mức chị không mường tượng được bản dạng thực sự của chúng ra sao. Chồng quắc mắt hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với trí tưởng tượng của chị:

- Ô hay, quái vật gì? Chắc em mải xem Joker rồi lại bị ám ảnh đó thôi!

Rồi chồng cuống quýt xịt nước hoa lên cổ tay, xỏ giày, lướt xe êm ru ra khỏi nhà, vội đến mức chẳng cần nhớ phải khóa cổng. À, đã có vợ nhớ thay anh rồi. 

- Đừng phức tạp hóa mọi thứ lên như thế. Em không thấy cuộc sống này đã quá rắc rối rồi sao?

Đừng phức tạp hóa, theo cách của chồng chị, là cứ thấy cái gì khó quá thì cho qua. Cuộc đời mà, nó không như một cái clip, cứ muốn xem đoạn nào thì bấm tua đi tua lại. Cuộc đời là luôn đi về phía trước, không có nút bấm dừng, không có nút lùi. Em hiểu không?

Ồ, giá như ba tiếng “em hiểu không” của chồng chị cũng nhịp nhàng tha thiết như tiếng rao của người đàn ông này. Khi đó, chắc chị sẽ cúc cung vâng dạ như một con ở. Đời mà, đôi khi người ta hơn nhau không phải vì anh có bao nhiêu tiền, anh ngồi tới vị trí nào, anh đứng trên bao nhiêu người. Người ta hơn nhau có khi chỉ ở sự dịu dàng. Sự dịu dàng của một người đàn ông là thứ mà phụ nữ ngầm khao khát nhưng rất hiếm người có được. Cái sự dịu dàng ấy, dù rõ ràng chỉ là trừu tượng, không sờ nắn được, không ngấu nghiến cho thỏa cơn thèm được nhưng nó vẫn quấn riết trong tâm trí của những người đàn bà. Ở đâu có sự dịu dàng, ở đó cây tình yêu vẫn tha thiết tươi xanh.

Bỗng dưng chị thấy thương thân mình. Chị có thể ở nhà đẹp, đi xe sang, có một công việc mà nhiều người mơ ước nhưng mãi chị vẫn không có được sự dịu dàng từ người đàn ông của mình. Tính ra, chị vẫn không hơn người phụ nữ lam lũ bé mọn kia - vợ của người bán bánh bao đêm có tiếng rao đầy mê hoặc. Nếu đêm nay anh ta mang cả nồi bánh bao ế về, thì sao? Cũng chẳng sao, bất quá vợ sẽ thở dài đánh thượt nhưng rồi lại len lén lấy khăn lông trùm lên vai chồng, lau cho bằng khô những giọt nước mưa tưới đẫm người chồng. Rồi chị ta sẽ rón rén hỏi:

- Anh có mệt không?

Câu hỏi có phần thừa thãi. Nhưng rõ ràng phụ nữ luôn có nhu cầu hỏi. Dù cô ta biết chắc câu trả lời là gì.

- Mệt chứ! Mà thôi mình ngủ đi, khuya lắm rồi!

Chị chưa từng hỏi chồng mình câu đó dù chị cũng có nhu cầu hỏi như bất kỳ người phụ nữ nào khác. Là bởi vì khi chị mở miệng định hỏi, thì những sợi nắng sớm đã kịp xuyên qua ô cửa, rọi thẳng vào mắt chị, chói lòa đầy khiêu khích.

***

Người đàn ông lúng túng với nắm tiền lẻ nhàu nát trong tay, phủi lại cho phẳng phiu nhưng vẫn không đủ tiền thối lại. Đôi tay gân guốc bối rối trên các mặt túi khiến chị chột dạ. Nhưng rõ ràng, không còn cách nào khác.

Chị cũng vét sạch ví mình, chỉ còn đúng một tờ mệnh giá 50.000 đồng và tấm vé số chị mua giúp bà cụ ở góc ngã tư gần công ty. Thế là thiếu những 10.000 đồng.

- Hay thôi, tôi lấy bốn cái thôi nhé!

- Ồ không, cô cứ cầm hết đi, hôm nào mua nữa thì gửi lại tôi cũng được. 

Tiền lời của mấy cái bánh giờ chẳng lẽ quy ra tờ vé số may rủi. Điều đó khiến chị chột dạ.

- Hay là anh cầm giúp tôi thứ này, mai anh ghé lại, tôi trả thêm cho đủ.

Người đàn ông vui vẻ nhận tấm vé số, nhét vội vào túi áo, trả lại cô nụ cười còn đọng nước mưa trên hàng râu chớm bạc.

Chị ngẩn người nhìn theo xe bánh bao đi khuất sâu cuối hẻm, đến khi tiếng rao đã lọt thỏm vào đêm và tan ra đâu đó dọc đường. Hồi còn ở quê, chị nhớ những tiệm tạp hóa nhỏ thường treo tấm bảng bằng bìa cạc-tông viết mấy chữ nguệch ngoạc: “miễn bán thiếu”, “không bán chịu”, hòng dứt khoát với mấy tay nghiện thuốc lá hay nghiện rượu mà mua nợ hoài không trả. Có mấy đồng thôi nhưng thiếu nợ dai như chúa chổm thì ai chịu nổi. Ở cái thành phố đất chật người đông này cũng vậy. Dù người ta đã văn minh bội phần nhưng thỉnh thoảng đi ngang những tiệm tạp hóa nhỏ, cái bảng ghi những dòng chữ kia ngoắc lên ngoắc xuống, khiến chị vừa buồn cười vừa xon xót trong lòng. Hóa ra, thứ gọi là lòng tin từ lâu đã mòn rệu trong nhau. Người ta thảng thốt nghi ngờ, dè chừng nhau trong từng ánh mắt. Thì cớ sao người đàn ông lam lũ này lại hào phóng lòng tin với chị đến vậy?

***

Đêm sau đó, chị vẫn để đèn sáng, ngồi bên hiên nhà, chuẩn bị sẵn tiền thiếu hôm trước và dự định mua thêm vài cái bánh bao sáng mai đãi đồng nghiệp. Quá nửa đêm, tiếng rao vẫn còn ở nơi xa xăm nào đó. Không dưng chị thấy mình thật vô lý khi vin vào những đồng tiền thiếu để mong mỏi người bán quay trở lại con hẻm này. Biết đâu hôm nay ông ấy gặp may, chỉ cần đi một khúc đường đã bán hết bánh, về sớm với vợ con. Vậy thì cũng nên mừng cho họ. Những người đánh cược số phận mình trong đêm chỉ để chắt chiu vài đồng lời cơm cháo cho con, thì được về sớm đêm nào là quý đêm đó. Ai như chị, khi không lại mong ông ta bán ế, quay lại hẻm này, chỉ để mình được nghe tiếng rao diệu kỳ kia, như ru, như dỗ dành.

Chờ mãi không được, chị đành sập cửa. Chắc đêm mai ông ấy sẽ đến. Dù sao ông ta cũng phải nhớ có người thiếu mình những mười ngàn đồng - đủ một bữa ăn sáng cho đứa con chứ đâu ít.

Chỉ có ánh đèn xe của chồng chị quét một vệt sáng lóa. Mặt chồng tái xanh, mùi rượu phả lên mặt chị tanh nồng.

- Vợ ơi, anh... anh vừa tông trúng một cái gì đó... một... ai đó thì phải...

Chị không còn đứng vững, lẽ nào... anh tông phải... tiếng rao. Trời ơi! Tiếng rao!

- Anh nghe điện thoại nên có chút lơ đễnh...

Nhưng đó không phải cuộc gọi của chị. Anh cúi gằm mặt, vò đầu như kẻ tội đồ.

- Anh phải làm sao bây giờ?

Nhưng chồng chị chưa kịp suy nghĩ xem phải làm sao thì đã thả mình lên sofa ngáy ồ ồ.

Chị lội ngược con hẻm. Ánh đèn đường đủ phơi bày mọi thứ. Chỉ có một thùng xốp đầy rác lăn lóc giữa đường, những mảnh xốp vỡ ra tung tóe. Không một vết cày xước nào khác, không gì có vẻ là một tai nạn. Không xác mèo xác chuột. Không gì cả. 

Không cả tiếng rao.

Đêm đó, chị không tài nào ngủ được.

***

Nỗi sợ của chồng giờ lại ăn lan sang chị, đến mức chị đờ đẫn khi dừng hẳn ở ngã tư. Chỉ đến khi bà cụ bán vé số lần trước lại đến bên, lay tay chị, vui vẻ báo tin.

- Là cô hả? Cô ghé lì xì tui chút lộc phải không? Tờ vé số tui bán cho cô hôm trước đó, độc đắc mà!

Chị tròn xoe mắt:

- Sao... sao bà nhớ được?

- Sao không, đó là tờ vé số cuối cùng của ngày hôm đó nên tui nhớ mà!

Những đêm sau nữa, chị không còn chờ tiếng rao trở lại. Tiếng rao đã tắt lịm cùng tờ vé số đổi đời chị trao tặng đêm nọ. Chị cũng không còn sức lực để chờ chồng. Chờ một con mèo đi ăn vụng bên ngoài rồi kỹ lưỡng chùi mép trở về không phải việc chị cần làm. 

Khi không còn phải chờ ai nữa, chị cũng cay đắng nhận ra rằng, điệu kỳ diệu nhỏ nhoi nhất - như tiếng rao kia, có lúc cũng thôi không còn diệu kỳ chi nữa. Đời cứ thế mà trôi. Chị cũng cứ thế mà trôi cùng những nỗi buồn đôi khi mang mùi thập cẩm. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI