PNO - PN - Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/À à ơi! Tiếng ru muôn đời... Tôi đã thuộc mấy câu hát ấy từ hồi mới bốn năm tuổi, và vẫn gọi đấy là bài “Tôi yêu tiếng nước tôi”....
edf40wrjww2tblPage:Content
Nguồn ảnh: internet.
Mấy tuần lễ chị đi Varsovie trong đoàn thanh niên sinh viên Việt Nam, cứ nhớ chị là tôi lại chui xuống gầm đàn, một mình ngồi hát thầm bài ấy cho tới khi hát được từ đầu đến cuối và mong đợi chị về để khoe. Ấy thế mà hôm về đến nhà, buổi tối chia quà cho các em xong, chị gọi riêng tôi mà rằng: “em ơi, nhạc Phạm Duy bị cấm rồi, từ nay phải nhớ đừng để ai nghe thấy mình hát bài ấy nữa...”.
Suốt nửa thế kỷ sau đó, nhất là hơn hai chục năm tha hương, mỗi khi một mình với ký ức tuổi thơ, tôi lại thấy mình thầm hát “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…”. Và cùng với bài hát ấy là tiếng đàn thăm thẳm của chị, tuổi thơ tôi trở về. Tôi như nghe thấy tiếng mẹ gọi tìm khi tôi làm vỡ quả trứng gà nhà đẻ, sợ quá nấp vào đống gỗ và kẹt ở đấy, tưởng mình sẽ chết khô không thể nào ra. Tôi như nghe thật rõ ràng tiếng cha nhẹ nhàng khuyên bảo khi dắt tôi đi dạo trên hè phố vắng lặng, long lanh những tia nắng chiều xuyên qua vòm lá đầy tiếng ve kêu, cha bảo: “Nghĩ gì, con cứ nói cho thật đúng cái ý của mình, thì sẽ thành người tử tế…”.
Nhớ nhất là tiếng cha kể chuyện ru tôi ngủ trong khoang xe nhà đi vẽ, đậu bên gốc hai cây đa cổ thụ ngoài sân, những Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu - Trọng Thủy, sự tích trầu cau... Giọng cha trầm bổng về khuya hòa với tiếng mưa rơi trên mui xe, tiếng gió thổi khiến những cành la đà quệt ràn rạt vào ô cửa kính.
Cho đến tận bây giờ, cha mẹ đã đi xa, mình cũng đã già, mà tôi vẫn nghe thấy giọng nói thân thương của những người thuở ấy. Tiếng của mẹ của cha. Bao nhiêu năm kiếm sống bằng tiếng nước ngoài, thậm chí cả mộng mị bằng tiếng nước ngoài, mà nhiều khi đi giữa đám “ngựa xe như nước áo quần như nêm” nơi xa xứ, tôi vẫn thấy một nỗi âm thầm thành tiếng trong lòng, rằng “tiếng người người nói, lòng mình mình nghe”.
“Tiếng nước tôi” vẫn trong lành và ngày càng phong phú ở dòng tiếng Việt xã hội, có thể nghe được đọc được mà không cần giấy mực. Người dân muôn đời với những người con thông sáng nặng lòng với hồn dân tộc mới là nơi cư ngụ tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
Rồi tình cờ tôi dịch sách, chẳng sống được bằng nghề ấy, nhưng rất ngỡ ngàng khi thấy mọi người yêu quý những câu chữ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Và còn ngỡ ngàng hơn khi thấy mình bắt đầu để ý đến mỗi lời mình nói, viết, dịch. Tiếng nói của mình bỗng như một thực thể tồn tại bên ngoài, gần như hữu hình. Lạ nữa, là thấy những từ ngữ, con chữ từ trong lòng mình mà ra cũng sống cả trong lòng của đồng bào mình. Tự nhiên, tôi bắt đầu đọc lại Truyện Kiều và những áng văn thơ của tiền nhân với một cảm xúc khác lạ, như lúc còn bé một mình đứng trước điện thờ Phật trong chùa của bác tôi, vừa quen thuộc, vừa xa vời, mà thật yên bình đằm thắm.
Cách đây hai ba năm gì đó, tôi được mời đi nghe buổi hòa nhạc Những điều còn mãi, và mới biết rằng bài “Tôi yêu tiếng nước tôi” có tên thật là Tình ca. Sau hơn nửa thế kỷ, bài hát đã âm thầm sống với tôi nay lại được cất tiếng từ Nhà hát Lớn thân thuộc và xưa cũ. Tôi đã nghẹn ngào khi nghe Nguyên Thảo hát hôm đó.
Có lẽ ngay lúc ấy chỉ là vì ký ức tràn về, vì giọng hát thật đẹp của cô ca sĩ người Đà Lạt, và cảm giác như được thở ra một hơi thật dài sau bao lâu nín nhịn - rằng bài hát yêu quý của tôi đã không còn bị cấm đoán nữa.
Nguồn ảnh: internet.
Sau này, khi một mình nhớ lại những giây phút ấy, tôi mới hiểu thêm rằng sự nghẹn ngào của mình còn nhuốm màu hoài tiếc - hoài tiếc cái thế giới thơ ngây sơ khoáng, như cửa sông hoài tiếc ngọn nguồn nhỏ bé xa xôi của mình. Chỉ có điều, tôi vẫn cứ gọi ca khúc ấy là bài “Tôi yêu tiếng nước tôi”.
Nhưng “tiếng nước tôi” bây giờ thật khác với thời tôi còn bé. Ở mọi lĩnh vực, nó cất lên thật ào ạt, tinh xảo, pha nhiều tiếng ngoại quốc, và luôn có giọng trình diễn. Ngay cả tên người tên việc cũng ngày càng thấy chữ Tây chữ Tàu thay thế hoặc chen lẫn chữ ta.
Cách nói cách viết biến đổi không ngừng và ngày càng nhanh từ khi ta nối mạng với thế giới. Những lối cười nói, than van, cạnh khóe ngày càng phong phú. Lối nói một đằng để ám chỉ một nẻo ngày càng uyên áo. Đến nỗi ai cũng cho việc “nói zậy mà không phải zậy” là rất đỗi bình thường.
Văn chương thì chỉ cần có ai nói thật, hoặc cạnh khóe thâm hiểm là cũng thành hiện tượng, và lời khen tặng chỉ là “viết đúng quá còn gì”. Cũng nhiều người kêu gọi phải “gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”, mà chưa thấy có tác dụng gì. Ngay cả đến cái nền tảng để gìn giữ, nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ là những cuốn từ điển, mà cũng chả ra làm sao.
Điều gì đang xảy ra với tiếng nói của chúng ta? Tiếng nói mà ai cũng muốn tin rằng là thứ tiếng đẹp nhất, phong phú nhất, thiêng liêng với mỗi người con dân Việt. Tại sao, với bản thân tôi, tiếng mẹ đẻ trong xã hội thời nay, từ báo chí, truyền thanh, truyền hình, cho đến văn chương thơ phú, lại rất khó đi vào lòng mình một cách tự nhiên và đầy cảm xúc như tiếng mẹ đẻ thời xưa - như thứ tiếng Việt trong Nam phong tạp chí, Đường Kách mệnh?
Với tôi, “tiếng nước tôi”, mặc dù ngụ ở mọi phương diện ngôn ngữ học như đã nói ở trên, nhưng tinh chất của nó, gốc của mọi phương diện kia, là ở cái vẫn được gọi là “linh hồn”. Tiếng Việt là âm thanh diễn đạt của hồn Việt. Linh hồn thế nào thì ngôn ngữ bộc lộ ra thế nấy.
Tôi lại còn tin rằng chả có “tiếng mẹ đẻ” nào hay hơn, đẹp hơn những “tiếng mẹ đẻ” khác. Dân nào thì cũng coi tiếng mẹ đẻ của mình là đẹp là hay nhất. Nhưng đấy là chuyện tình cảm, chỉ dùng đến trong tuyên truyền hoặc tự huyễn.
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…
Từ khi dịch sách, để ý nhiều đến tiếng mẹ đẻ, nhiều khi tôi thấy tiếng Anh chả khác gì tiếng Việt của mình. Rồi học hỏi thêm thì biết rằng, ngôn ngữ loài người về bản chất chỉ là một. Có vậy thì trẻ ra đời ở với dân nào là tự nhiên nói được tiếng dân ấy, chả phải dày công học như người lớn. Mà toàn bộ việc dịch thuật của nhân loại sở dĩ có được cũng là vì thế. Cho nên cái tâm lý coi chỉ có tiếng mẹ đẻ của mình mới hay, mới phong phú nhất là sai lầm về thực tiễn.
Nghĩ như thế thì thấy việc tiếng của ta đang pha trộn biến đổi với tiếng của thiên hạ hàng ngày hàng giờ chả có gì đáng chê trách, phàn nàn về mặt ngôn ngữ. Biến động ngôn ngữ là tự nhiên và tất yếu. Đáng phải suy nghĩ là gốc của ngôn ngữ, tức là cái linh hồn như tôi vừa nói ở trên.
Vậy linh hồn là gì? Phải chăng linh hồn vẫn hiển lộ ở tất cả những vận động nội tâm trong cuộc sống? Có người đã nói rất hay về những vận động nội tâm này như sau: “Ta nghĩ, luận lý, và tạo dựng xác tín - nói cách khác là ta có trí khôn. Ta cảm xúc, cảm tình và thèm muốn - nói cách khác là ta có tình cảm.
Ta hành động, dự định và quyết định - nói cách khác là ta có ý chí. Và ta biết những trạng thái tinh thần cũng như các quyết định hiện tại của mình khá chắc chắn và lập tức - nói cách khác là ta có tự thức. “Linh hồn” hàm chỉ tất cả những cái đó: trí khôn, tình cảm, ý chí và tự thức”.
Vậy thì, từ một quan điểm nhân văn bên ngoài khoa học ngôn ngữ, tiếng nói con người có thể được coi là hiện hữu âm thanh của trí khôn, tình cảm, ý chí và cái biết về chính bản thân mình. Tiếng Việt hay tiếng gì cũng đều như vậy mà thôi.
Nhưng theo tôi, những yếu tố quyết định giá trị, hiệu quả và vẻ đẹp của ngôn ngữ nhất định còn phải bao gồm Tự do và Chân thực - có thể coi là điều kiện cần và đủ để linh hồn hiện hữu đúng với thiên chức của nó là khẳng định lý do tồn tại của nhân loại. Được tự do và chân thực diễn đạt tâm trí, tình cảm, ý chí với ý thức biết rõ mình là ai, thì tiếng nói của ta mới không còn rối loạn trong vũng lầy “nói zậy mà không phải zậy” như hiện nay.
Cũng phải nói rõ rằng tình trạng “nói zậy mà không phải zậy” chỉ là thiểu số. Còn thì “tiếng nước tôi” vẫn trong lành và ngày càng phong phú ở dòng tiếng Việt xã hội, có thể nghe được đọc được mà không cần giấy mực. Người dân muôn đời với những người con thông sáng nặng lòng với hồn dân tộc mới là nơi cư ngụ tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
Chao ôi, phải chi mỗi người chúng ta đều có thể tự do và trung thực trong lời nói, dù là ở công đường hay trong gia đình, rồi lại có mong mỏi nuôi dưỡng tâm trí, tình cảm, ý chí và ý thức về giá trị của bản thân, tức là nuôi dưỡng linh hồn mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy gia tài tiếng nói được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ sẽ trở thành mộc mạc, chân xác và đẹp đẽ biết nhường nào.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.