Tiếng nói tròn trịa nhất

30/11/2015 - 07:33

PNO - Hai ngày sau khi tôi chào đời, bác sĩ thông báo cho ba mẹ tôi biết, tôi không có lưỡi gà. Ba mẹ tôi lặng người.

Dòng sữa mẹ đầu tiên, chem chép, trầy trật, nó không rót thẳng, nó cứ quanh co rồi ứ tràn qua mũi. Những tiếng o oe nguyên âm, ngọ nguậy không lẽ sẽ đi theo con suốt cả cuộc đời.

Sau giải phóng, cả nước đói nghèo. Hai vợ chồng nhà giáo, ngoài giờ lên lớp còn trồng rau, luống cải cũng đủ nuôi ba đứa con ăn học, tinh tươm. Phụ huynh của ba là một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua ông, ba mẹ bồng tôi đến cho bác sĩ Vận - người tái sinh cuộc đời tôi sau này. Ông xem qua rồi bảo, để ông tìm hiểu và sẽ trả lời sau hai tháng.

Qua sáu mươi ngày, đúng dịp nghỉ hè, ba mẹ bồng tôi vào bệnh viện; và căn phòng rộng, có những khe cửa màu xanh, nhìn ra cả khu vườn xanh mướt - “nhà mới” của tôi từ đó.

Đứa trẻ lên hai, lên ba chẳng nhớ gì nhiều nhưng ký ức mang máng, mờ ảo về căn phòng xanh, hai ống nhựa màu hồng đút thẳng vô mũi để truyền dinh dưỡng (toàn bộ phần họng để dành cho… bác sĩ!), chiếc - áo - mẹ ngồi dựa vô tường đỏ tươi máu; và mồn một là công viên cách bệnh viện không xa, chiều nào ba cũng bồng tôi ra đó, đi hết một vòng để phải nhìn được con ngựa vằn thì mới chịu mở miệng để uống một thìa thuốc đắng nghét.

Tieng noi tron tria nhat

Đã bao nhiêu chiều, có bao nhiêu vòng ba ẵm tôi đi cho hết những tháng ngày thách thức số phận ấy? Ông vừa đủ sự cứng cỏi, vững lòng để không quỵ ngã trước những ca can thiệp trước giờ phẫu thuật quyết định.

Tôi nghe kể, do sơ hở, tôi nhặt ngay một viên đá lạnh nhét vô miệng, thay vì nhai đá, tôi nhai luôn một… thớ thịt. Thế là máu tuôn xối xả. Quá hoảng hốt, không ai đủ tỉnh táo để xử trí. Bác sĩ Vận lao vào phòng, ông dùng một khối bông gòn cứ thế nhét vào miệng của đứa trẻ lên hai. Máu cầm lại. Tôi thoát chết.

Ba cũng thừa sự kiên nhẫn, sự dịu dàng để chơi với tôi rồi tranh thủ dỗ tôi nuốt cho được từng muỗng sữa, muỗng thuốc. Mỗi chiều, sau giờ dạy, ông chở anh chị tôi sang thăm em. Tôi trong phòng nhìn ra, thấy hai gương mặt đau đáu đang nhìn mình, gật đầu chào nhẹ.

Tôi được “tập” cho biết, cho quen dần, đó là anh Bi, chị Bé của mình. Tôi không nhớ được nhiều. Tôi chỉ quen nhìn chiếc quần tây vải kaki màu cà phê sữa, cái áo chemise trắng, mái tóc xoăn, vầng trán rộng, giọng rì rầm ấm áp cuộn tròn tôi, giữ lấy tôi trên chiếc băng ca lạnh ngắt, sáng loáng cho đến khi cánh cửa phòng mổ khép lại dưới chân…

Mẹ tôi bảo, trước giờ tôi lên bàn mổ, ba nói với mẹ, con sinh ra lành lặn tay chân, hai vợ chồng mình cố gắng để con lớn lên có được tiếng nói như người ta, nếu trên đường, con lỡ có bề gì, mình cũng phải chấp nhận.

Ba mẹ cùng ký vào giấy cam kết. Cam kết cả phần ngàn sai sót, nếu chạm vào dây âm thanh, tôi sẽ câm vĩnh viễn.

Cả chục tiếng đồng hồ chiếc đèn đỏ cứ sáng. Đến khi nó vụt tắt thì bác sĩ Vận bước ra, lết cả người, ba mẹ tôi kể, bộ blouse của ông sũng nước.

Rồi cũng đến giờ tôi được tháo băng, cắt chỉ. Là vô thức. Là bản năng. Tôi gọi một tiếng “ba” tròn trịa phụ âm.

Bác sĩ Vận bồng đứa bé gái là tôi trao trên tay ba mẹ. Ông nói, tôi trả lại cho anh chị đứa con gái với giọng nói bình thường. Nhưng có thể vì lượng thuốc mê, thuốc tê mà sau này, chuyện học hành của cháu, anh chị đừng kỳ vọng…

Lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân với vị bác sĩ - phụ huynh, với bác sĩ - ân nhân nói mấy cũng không hết, chỉ biết gói ghém cẩn trọng mấy trái thanh trà - đặc sản của nhà vườn bên ngoại ở Nguyệt Biều.

Tôi đường hoàng trở về nhà tíu tít nói cười, ríu rít làm quen với cuộc sống mới lạ ngoài - căn - phòng - màu - xanh kia. Ba hỏi, ngày mai ba đóng một bộ bàn ăn mới cho ba anh em, ai thích màu gì nói để ba sơn luôn. Anh chị tôi đồng thanh, tụi con thích màu xanh. Tôi nhoi lên, anh Bi, chị Bé màu xanh, ba cho em màu vàng! Chả biết tôi lôi đâu ra cái màu vàng kia, chỉ thích mình phải… không giống ai.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI