|
Thí sinh Hoàng Yến đang thể hiện kiến thức, quan điểm, khả năng diễn đạt, thuyết phục…trong thử thách tranh biện đối kháng ở tập 6 Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 |
Người đẹp được nói nhiều hơn
Trong tập 6 vừa lên sóng của Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, khán giả thích thú với màn thử thách đối đầu của các thí sinh. Họ trả lời ứng xử về những chủ đề “nóng” như: hãy để trái đất thở, giải phóng bản thân, năm của sự chữa lành…
Màn thi đấu kịch tính của Lê Thảo Nhi và Nguyễn Hoàng Yến về chủ đề khủng hoảng bản sắc, hay phần tranh luận của Huỳnh Phạm Thủy Tiên và Vũ Quỳnh Trang ở chủ đề can đảm để thay đổi… lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Họ nói tiếng Anh trôi chảy, có quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ. Gần 1.000 bình luận để lại trên YouTube bày tỏ sự bất ngờ với khả năng nói, thể hiện quan điểm của các cô gái: “Tất cả đều tốt hơn tưởng tượng”, “Ủng hộ trong việc thay đổi tiêu chuẩn để tìm ra hoa hậu, đi thi quốc tế”…
Trong tập 4, thí sinh chia thành từng đội thể hiện quan điểm ủng hộ/không ủng hộ với các vấn đề như: vedette trên sàn diễn; làm từ thiện của nghệ sĩ, người nổi tiếng… khá kịch tính. Phần thuyết trình về các dự án nhân đạo của các cô gái cũng lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, thuyết phục được các nhà tài trợ giúp đỡ trẻ em mổ tim, trẻ em bị xâm hại tình dục…
Kỹ năng này cũng dần được nhiều ban tổ chức (BTC) các cuộc thi chú trọng. Trong đêm chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu diễn ra tối 21/5, các thí sinh trải qua ba vòng gồm thuyết trình, ứng xử về chủ đề du lịch, phát triển du lịch để tiến đến những ngôi vị cao nhất. Phần lớn thí sinh thể hiện trôi chảy, mạch lạc. Một số được khán giả vỗ tay nồng nhiệt bởi quan điểm sắc bén, thuyết phục.
|
Thí sinh Trần Tuyết Mai trong phần thi ứng xử đêm chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu 2021 diễn ra tối 21/5 (cuộc thi vẫn giữ năm 2021, vì dịch năm nay mới tổ chức lại) |
Tại Hoa hậu Thế giới Việt Nam, thí sinh cũng có phần thi thử thách đối đầu để thể hiện quan điểm về những vấn đề do BTC đưa ra. Hay tại Hoa hậu Hòa bình Việt Nam sắp tới, BTC sẽ bám sát format của cuộc thi quốc tế, trong đó đêm chung kết sẽ có đến ba phần thi nói, gồm một phần trình bày thông điệp, hai vòng ứng xử. Ngoài ra, ở các hoạt động bên lề cũng sẽ có những phần tranh luận, hùng biện để nâng cao kỹ năng nói của thí sinh.
Anh Quốc Thống (26 tuổi, Q.7, TP.HCM) có khoảng mười năm theo dõi các cuộc thi hoa hậu cho biết: “Những gì đang diễn ra phần nào giúp tôi an tâm, thấy tự hào hơn. Phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp về vẻ ngoài, mà còn thông minh, tự tin, bản lĩnh”.
Điều gì tạo nên sự thay đổi?
Lu Sierra - chuyên gia đào tạo thí sinh của Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ - từng cho biết: “Hằng năm có rất nhiều cô gái có quan niệm sai lầm rằng, chúng tôi tìm kiếm người có thể phá đảo sàn catwalk, trình diễn điêu luyện… Nhưng Hoa hậu Hoàn vũ không phải chỉ như thế. Người giành vương miện phải có tiếng nói, phải đủ sức thuyết phục mọi người muốn lắng nghe, truyền được cảm hứng cho những người phụ nữ khác, cho xã hội”.
Ông Phúc Nguyễn (nhà sáng lập Leading Media - đơn vị sở hữu bản quyền mười cuộc thi quốc tế) cho biết hầu hết các đơn vị tổ chức cuộc thi quốc tế đều mong tìm được những người có thể đại diện cho tiếng nói của họ. “Muốn truyền đi thông điệp, muốn thế giới xung quanh hiểu mình, thì khởi nguồn phải là tiếng nói. Giờ đây, vẻ đẹp bề ngoài rất dễ can thiệp để thay đổi. Nhưng tư duy, nền tảng kiến thức để có thể trình bày cuốn hút là điều không thể can thiệp trong thời gian ngắn được. Yếu tố này góp phần lớn tạo nên giá trị của phụ nữ hiện đại”, ông nhấn mạnh.
Clip tranh biện đối kháng giữa Lê Thảo Nhi và Hoàng Yến tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022:
|
Tại Hoa hậu Thế giới Việt Nam, thí sinh sẽ thi thử thách đối đầu để trả lời, thể hiện quan điểm |
Sự vận động của các cuộc thi quốc tế cũng tác động lên các cuộc thi trong nước. Các BTC đưa ra nhiều hoạt động, tiêu chí để lựa chọn người tiệm cận với hình mẫu các cuộc thi quốc tế hướng đến. Điều này cũng tác động ngược lên thí sinh, buộc họ phải tự trau dồi, rèn luyện.
“Không riêng Hoa hậu Hoàn vũ, mà với nhiều cuộc thi nhan sắc hiện tại, muốn tồn tại phải tạo được hình mẫu truyền cảm hứng. Người đó phải có tư duy, quan tâm đến những vấn đề xã hội, thế giới. Họ phải có chính kiến, có tư duy logic để bảo vệ quan điểm, thấy được vai trò, sức ảnh hưởng của họ với xã hội. Dám nói, dám thể hiện là bước đầu tiên để mang bản thân ra thế giới”, ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO Uni Media, Phó Trưởng BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - chia sẻ.
Ông Hoàng cho rằng ban giám khảo (BGK), BTC không làm khó mà chỉ mong tìm hiểu về tư duy của thí sinh. Theo ông, khi nền tảng kiến thức tốt, phần thuyết trình của các thí sinh sẽ thú vị hơn. Đôi khi, phần trả lời có thể không trôi chảy, nhưng từ nội dung thí sinh trình bày, BGK và BTC biết họ có đầu tư hay không, có chân thành không, có phải là chính mình không?
Trong thế giới mở hiện nay, khán giả dễ dàng tiếp cận với các cuộc thi quốc tế, những sự thay đổi tiêu chuẩn cái đẹp. Sự kỳ vọng của họ lên BTC, thí sinh cũng nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố tác động đến việc thay đổi hiện tại. Ngoài ra, theo bà Phạm Kim Dung - Trưởng BTC Hoa hậu Thế giới Việt Nam - chính nền tảng giáo dục, cuộc sống ngày nay đã giúp các cô gái trẻ tự tin thể hiện bản thân hơn. Trong vòng casting, bà bất ngờ khi nhiều thí sinh ăn nói tự tin, trôi chảy dẫu mới 18, 19 tuổi.
Bà Phạm Kim Dung nói, để cổ vũ, phát huy tiếng nói của các cô gái, cần đặt ra những vấn đề phù hợp lứa tuổi. Từ đó, thí sinh cũng có tâm lý thoải mái khi thể hiện. “Phụ nữ luôn có năng lực trong tiếng nói, nhưng có thể trước đây chưa được phát huy hết. Giờ đây, chúng ta cùng nhau để tiếng nói ấy trở nên giá trị, ý nghĩa, và được công chúng đón nhận”, bà chia sẻ.
Trung Sơn