Tiếng nói nội tâm từ Con trai của Saul

08/04/2016 - 07:39

PNO - Trong danh sách đề cử Oscar và Quả cầu vàng 2016, Son Of Saul (Con trai của Saul) gần như không có đối thủ.

Sức mạnh của bộ phim đến từ Đông Âu này thống lĩnh các giải thưởng nhờ giá trị lớn lao cả về nội dung và nghệ thuật.

Nhờ Son of Saul mà sau 32 năm, qua chín lần đề cử, điện ảnh Hungary mới thêm một lần được gọi tên ở Oscar. Trước đó, tại LHP Cannes 2015, bộ phim đã giành Giải thưởng lớn của ban giám khảo. Nếu chỉ đơn thuần lật lại những trang sử đen tối thời chiến tranh thế giới thứ hai và nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) thì hẳn Son of Saul không gây chú ý nhiều đến vậy. Suốt mấy chục năm qua, đã có bao tác phẩm điện ảnh khai thác chủ đề này và nhiều phim trong số đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử điện ảnh như Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler), The Pinanist (Nghệ sĩ dương cầm)… Vậy Son of Saul được đánh giá cao vì điều gì?

Trước hết, đây không chỉ là một bộ phim về Holocaust. Trong Son of Saul, chủ đề này được nhìn ở một góc mới, thông qua câu chuyện của một nhóm tù nhân Do Thái sống trong trại tập trung khét tiếng Auschwitz. Nhân vật chính Saul cùng những người tù trong đội Sonderkommando phải đảm nhiệm một công việc kinh khủng, đó là hàng ngày dọn dẹp xác chết của những người tù là trẻ em, người già, phụ nữ để đem thiêu.

Những người như Saul chừng nào còn làm việc thì chưa bị giết. Lịch sử những năm 1940 đã ghi nhận, các tù nhân này thường chỉ giữ được mạng sống trong khoảng vài tháng, sau đó bị thủ tiêu và những tù nhân mới sẽ thay thế họ, để giữ bí mật. Không ít người không thể chịu đựng được cách “tra tấn tinh thần” đó đã tự tử. Cũng theo lịch sử, có khoảng 600.000 người Hungary đã là nạn nhân của Holocaust, chiếm một phần mười tổng số nạn nhân toàn châu Âu.

Tieng noi noi tam tu Con trai cua Saul
Vai nam chính thể hiện rất tốt trạng thái của kẻ vô hồn và người còn nhân tính

Tội ác một thời của “Đệ tam đế chế” với mục tiêu tàn sát tất cả người Do Thái ở châu Âu được đạo diễn László Nemes thể hiện qua số phận của một cá nhân, một nhóm người, trong một bối cảnh hẹp. Tuy nhiên, câu chuyện diệt chủng không phải là hướng nhìn chính của Son of Saul. Ngay từ đầu bộ phim đã có cách quay khá lạ, khi những cảnh về xác chết, máu chảy, người la hét, trần truồng… vô cùng khủng khiếp chỉ được hiện lên mờ nhòa. Điều này giúp bộ phim bớt đi phần rùng rợn, kinh dị để làm nổi bật nhân vật chính và câu chuyện.

Điều khiến người xem không ngừng phải nghĩ về Son of Saul sau khi rời rạp không phải về cái chết mà là sự sống, không phải đồng lõa với cái ác mà tìm kiếm nhân tính, không tuyệt vọng mà là hy vọng. Khi đối diện với sự dày vò tinh thần và thể xác cùng cực, nhân vật chính Saul (vai diễn của Géza Rohrig) và cả những người tù trong đội của anh truyền đến cảm giác này. Một mặt họ phải làm nhiệm vụ khủng khiếp của mình hàng ngày, mặt khác họ cùng nhau tìm cách để đem chôn một nạn nhân là đứa trẻ được cho là con trai của Saul.

Bộ phim không nói rõ đây có đúng là con của Saul hay không, nhưng khi phát hiện ra đứa trẻ trong đống xác ở phòng hơi ngạt, Saul muốn con mình được an táng theo đúng nghi lễ của người Do Thái, tức là đem chôn, bên tiếng kinh cầu Kaddish của giáo sĩ (Rabbi). Hành động lén lút này nếu bị phát hiện thì không chỉ ảnh hưởng đến mạng sống của Saul mà của cả những thành viên trong đội. Vậy họ sẽ ứng xử thế nào với những cái chết mà họ chứng kiến hàng ngày và cái chết cận kề của chính mình? Họ có còn cảm xúc gì không khi gương mặt đã không còn biến sắc từ bao giờ? Nếu biết chắc chỉ còn những ngày ngắn ngủi cuối cùng để sống thì họ có muốn biết mình còn mong đợi, hy vọng gì?...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI