Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 19/10/2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” là một quyết sách cần thiết, nhân văn; nó thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường. Thế nhưng thực tế thì sao?
Khắp thành phố vẫn đầy rác thải những nơi công cộng. Những cơn mưa lớn vào các ngày 27/5, 1/6, và 4/6 mới đây lại liên tiếp nhấn chìm bao tuyến đường trong nước bẩn. Chưa lúc nào, câu chuyện về rác thải, nước ngập trở thành nỗi lo nhiều như lúc này.
Rác - nguyên nhân ô nhiễm và tác nhân gây ngập nước
Ngày 5/6, Đảng ủy Khối doanh nghiệp TPHCM, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco) phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề “Thực hiện cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TPHCM sạch và giảm ngập nước - tiếng nói của những người trong cuộc”.
Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu, với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Lưu - Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố. Đặc biệt, còn có sự tham dự của hơn 10 công nhân vệ sinh, thoát nước đô thị.
|
Chỉ sau một cơn mưa lớn, không ít tuyến đường ở thành phố biến thành những dòng sông đen - Ảnh: Minh Thanh |
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng của Citenco cho biết, theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt; khoảng 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại; 1.500 - 1.700 tấn chất thải rắn xây dựng; 350 - 400 tấn chất thải nguy hại; 22 tấn chất thải rắn y tế nguy hại.
Chưa kể, theo thống kê, khối lượng chất thải rắn đô thị hằng năm tăng đều từ 6 - 10%. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức bảo vệ môi trường, hành động xả rác ra đường và kênh rạch vẫn diễn ra thường xuyên làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị… Những điều này đã tạo nhiều áp lực cho các đơn vị thu gom rác và cho công tác quản lý chất thải rắn của thành phố.
Ông Trương Quốc Bình đến từ Công ty Thoát nước đô thị TPHCM, cho biết: “Qua công tác tuần tra thoát nước, chúng tôi ghi nhận còn rất nhiều vị trí vẫn xuất hiện tình trạng rác thải lấp bít miệng thu. Công tác duy tu dưới lòng cống cũng phát hiện rất nhiều túi ni-lông, hộp xốp đựng thức ăn, theo dòng nước cuốn trôi xuống cống, gây tắc nghẽn dòng chảy thoát nước.
Tại một số vị trí gần các nhà hàng, khách sạn, quán ăn còn phát hiện tình trạng nước thải có chứa dầu mỡ xả thẳng xuống hệ thống thoát nước không qua tách lọc. Lượng dầu mỡ này lâu ngày đóng thành từng mảng lớn, gây tắc nghẽn dòng chảy; làm hư hỏng các hạng mục công trình thoát nước; gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cho những công nhân trực tiếp thực hiện duy tu dưới lòng cống”.
Nói cho công bằng, rác ở ao hồ, kênh rạch không chỉ xuất phát từ thành phố mà còn từ các nơi khác theo dòng sông đổ về. Ghi nhận của Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy, đặc biệt đối với kênh chính Đông với chiều dài 45km, bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh 34km; một số người dân, đơn vị sản xuất ý thức bảo vệ môi trường chưa cao đã xả nước thải, rác thải, súc vật chết… vào kênh gây ô nhiễm nguồn nước.
Tương tự, nhánh sông Sài Gòn còn bị rác từ Đồng Nai và các tỉnh thành khác tràn về, nên việc vớt rác ở các nhánh kênh vẫn không thể nào hoàn thiện, dứt điểm.
Bảo vệ môi trường đâu chỉ là việc của ngành vệ sinh
Hội nghị diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình. Khán phòng cùng rợn người khi nhìn trên màn ảnh những dòng kênh đầy rác, những hố ga bốc khí đủ màu, sền sệt nước đen; những ụ rác ven nhiều tuyến đường với đủ thứ rác thải chăn, màn, bồn vệ sinh cho đến xác động vật sình thối đầy ruồi nhặng…
“Công việc nặng nhọc, vất vả, vì mưu sinh thì mình vẫn phải làm thôi. Nhưng chúng tôi cần cái nhìn thông hiểu từ mọi người. Chúng tôi làm việc để ăn lương thật. Nhưng thu gom rác chính là làm cho nơi sinh sống của mọi người sạch đẹp hơn. Cùng chia sẻ với công nhân vệ sinh, đừng bỏ rác thải bừa bãi nữa, hãy để rác đúng nơi quy định. Ngoài đường có thùng rác mà...”- Trần Khánh Xuân, công nhân thu gom rác Công ty Dịch vụ công ích quận 11 nói.
Còn anh Huy, công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đầy lo âu: “Ngày nào cũng bắt đầu từ 6g đến 17g mới xong, anh em trong đội luôn động viên nhau cố gắng. Nhưng người dân không phải đều chia sẻ, thậm chí khi bị phát hiện và nhắc nhở hành vi đổ rác xuống kênh, nhiều người còn đe dọa anh em”.
Ông Hải, đội trưởng đội vớt rác trên sông ngậm ngùi cho biết, chỉ từ đầu năm đến nay, đã có 5 anh em tài công, vớt rác trên sông nghỉ việc. Thu nhập thấp, công việc lại nguy hiểm khiến họ phải tìm kế khác mưu sinh”.
Vốn không phải là người mở màn cho buổi hội nghị, cũng không chuẩn bị bất kỳ bài tham luận nào, nhưng từng mẩu chuyện nho nhỏ của các công nhân vệ sinh khiến cả hội trường như lắng lại. Bởi những điều hết sức giản dị ấy đã nói lên một thực trạng, một nỗi bất an chung: đường phố hãy còn nhiều rác và ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa lan tỏa mạnh trong cộng đồng. Những gánh nặng về bảo vệ môi trường dồn lên công nhân vệ sinh là điều vô cùng bất hợp lý.
Bà Lê Thị Hồng Hậu - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố trân trọng ghi nhận những phát biểu, góp ý của các đại biểu. Các nội dung chia sẻ của các đại biểu đều là những bài học kinh nghiệm, sự chia sẻ thật quý giá.
Bà Hậu đề nghị Ban tổ chức hội nghị tổng hợp và báo cáo những vấn đề còn khó khăn, đề xuất, kiến nghị quan trọng, cụ thể của các đơn vị và đại biểu về Đảng ủy khối; cùng tiếp thu, đề ra các giải pháp, thực hiện tốt Chỉ thị 19 trong thời gian tới.
Nghi Anh
8 đề xuất để triển khai cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch
1. Có cơ chế quản lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và có giải pháp thực hiện đồng bộ việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 19, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vì thành phố sạch và xanh.
3. Bổ sung quy trình, định mức, đơn giá để các đơn vị quét, thu gom rác có thể tăng tầng suất quét, thu gom các tuyến đường, kênh rạch trên địa bàn thành phố ít nhất 2 lần ngày. Trả chi phí cho hoạt động thu gom rác tại các điểm hẹn, vận hành trạm trung chuyển.
4. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đổi mới, đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.
5. Xây dựng và ban hành các quy chế, quy định để quản lý lực lượng thu gom rác dân lập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.
6. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý các chủ nguồn thải đảm bảo chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định.
7. Tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
8. Chuyển cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của mỗi cá nhân, tập thể và lấy kết quả thực hiện làm cơ sở xét thi đua hằng năm.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM
|