Tiếng nói của phụ nữ bị "bỏ lại phía sau" trong truyền thông về COVID-19

26/09/2020 - 20:04

PNO - Mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi giới và mọi thành phần trong xã hội, thế nhưng tiếng nói của phụ nữ trên truyền thông lại rất lẻ loi và yếu ớt.

Tiếng nói của phụ nữ đã và đang bị “cách ly khỏi dòng chảy thông tin phản ánh về coronavirus một cách không công bằng”. Đây là nhận xét trích trong một báo cáo phân tích các tin bài về đề tài corinavirus đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại 6 quốc gia trên thế giới vừa được tờ The Guardian phản ánh.

Báo cáo phát hiện ra rằng, cứ mỗi mẫu tin bài có trích dẫn ý kiến của phụ nữ về đại dịch COVID-19 thì ngay lập tức bị “nhấn chìm” bởi ít nhất 5 tin bài chuyển tải tiếng nói của nam giới.

Cần nhiều tiếng nói của lãnh đạo là phụ nữ với các chủ đề liên quan đến đại dịch COVID-19 trên truyền thông - Ảnh: prio.org
Cần nhiều tiếng nói của lãnh đạo là phụ nữ với các chủ đề liên quan đến đại dịch COVID-19 trên truyền thông - Ảnh: prio.org

Báo cáo được thực hiện theo “đặt hàng” của cặp vợ chồng tỷ phú quản lý Quỹ Bill và Melida Gates dựa trên 6 quốc gia: Anh, Mỹ, Kenya, Nam Phi, Nigeria, và Ấn Độ. Theo đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, phụ nữ đã bị “gạt qua một bên” trong việc ra quyết định liên quan đến phòng chống coronavirus ở cấp quốc gia tại 5 nước.

Tại nước Anh, thành phần tham dự cuộc họp bàn về COVID-19 hàng ngày bao gồm thành viên 100% là nam giới. Tỷ lệ này là 93% đối với Nhóm ứng phó đại dịch cấp Liên bang ở Mỹ. Với nhóm điều phối phòng chống COVID-19 ở Nam Phi thì tỷ lệ 50-50 chia đều cho cả 2 giới.

Qua nghiên cứu này có thể thấy rằng, đại dịch đã vô tình “vạch trần” một sự thật, đó là sự thiếu vắng tiếng nói của phụ nữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả ở các nước phát triển như Anh và Mỹ. Chỉ có 19% ý kiến của chuyên gia là nữ giới được trích dẫn trong các bài viết về chủ đề coronavirus và đăng tải trên các báo và tạp chí có uy tín, trong khi tỷ lệ trích dẫn của chuyên gia là nam giới lại áp đảo với 81% trên bình diện của 6 quốc gia tham gia nghiên cứu.

Bỏ qua tiếng nói của phụ nữ về đề tài COVID-19 cũng là một hình thức phân biệt đối xử trong lĩnh vực truyền thông - Ảnh: ILO
Bỏ qua tiếng nói của phụ nữ về đề tài COVID-19 cũng là một hình thức phân biệt đối xử về giới trong lĩnh vực truyền thông - Ảnh: ILO

Cô Luba Kassova, tác giả của báo cáo, đồng thời là Giám đốc điều hành AKAS, một công ty tư vấn chiến lược quốc tế có trụ sở tại London (Anh), cho biết: “Thật đáng lo ngại khi tiếng nói của phụ nữ bị gạt ra bên lề và vẫn đang tồn tại một thái độ thiên vị cho nam giới khi chỉ có họ là chiếm sóng trên hầu như mọi mặt trận thông tin”.

“Để xảy ra tình trạng này là vì xã hội đang ‘đóng khung’ đại dịch tương tự như một cuộc chiến tranh thật sự, và vì vậy, nam giới được cho là phù hợp hơn phụ nữ để tham chiến trên trận mạc. Phụ nữ, một cách vô tình hay chủ ý, đã bị đẩy ra bên lề là vì thế”.

Theo cô Kassova, định kiến như thế này sẽ rất tai hại bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến các quyết định được đưa ra trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, mà phụ nữ và trẻ em gái sẽ là những đối tượng chịu thiệt thòi.

Tiếng nói của phụ nữ trong đại dịch cần phải được đề nào hơn để trẻ em gái và phụ nữ nghèo không bị bỏ lại phía sau do các chính sách không phù hợp - Ảnh:
Tiếng nói của phụ nữ trong đại dịch cần phải được đề cao hơn để trẻ em gái và phụ nữ nghèo không bị bỏ lại phía sau do các chính sách không phù hợp - Ảnh: Tư liệu 

Không chỉ tiếng nói chuyên môn của phụ nữ rất thấp trên truyền thông mà kể cả những câu chuyện có phụ nữ là nhân vật chính cũng rất thấp. Trong khi phụ nữ làm liệc trong lĩnh vực xã hội (như chuyên viên xã hội, nhân viên chăm sóc người già, y tá, điều dưỡng viên,..) chiếm tới 88% lực lượng lao động thì họ chỉ được trích dẫn hoặc phản ánh trên báo chí về chủ đề COVID-19 với một tỷ lệ khiêm tốn từ 16 - 25%.

Báo cáo trên cho biết, sở dĩ cặp vợ chồng tỷ phú quản lý Quỹ Bill và Melida Gates muốn có thống kê này là để thông qua việc nghiên cứu có cái nhìn trọng tâm và tập trung vào khía cạnh bình đẳng giới.

Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI