|
Nhựa và các vật liệu tái chế khác đang là nguồn sống cho khoảng 56 triệu người nhặt rác khắp thế giới - Ảnh: NG |
Ai “sở hữu” rác thải?
Toàn cầu ước tính đang có tới 56 triệu người sinh sống bằng nghề nhặt, thu mua những “phần còn lại” mà con người đã bỏ đi gồm kim loại, thủy tinh, bìa cứng và nhựa.
Năm 1988, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết xem rác thải sinh hoạt là tài sản công cộng một khi chúng đã yên vị trên lề đường. Nhưng xem ra quy định này không hoàn toàn nhằm bảo vệ quyền lợi của người thu gom rác tái chế. Mới đây, thành phố New York đã thử nghiệm thùng chứa rác có khóa với mục đích ngăn ngừa sự phá hoại của chuột bọ. Chìa khóa do cơ quan chức năng thành phố nắm giữ.
Thế là người nhặt rác tại đô thị sầm uất bậc nhất này mất đi nguồn thu bấy lâu. Ryan Castalia - Giám đốc điều hành Trung tâm cộng đồng và tái chế phi lợi nhuận Sure We Can (Brooklyn) - nói: “Những thùng rác trang bị ổ khóa cũng đã khóa luôn người đi lượm phế liệu. Họ không thể tiếp cận được nguồn “tài sản” mà giá trị thuộc về người dân, chứ không phải của thành phố hay các tập đoàn”.
Câu chuyện của Josefa Marin - di cư đến Mỹ từ Mexico năm 1987 - là điển hình cho tình trạng khó khăn mà những người thu gom rác tái chế đang phải đối mặt. Bà kiếm được 140 USD/tuần bằng công việc lau sàn tại một nhà máy sản xuất áo len. Ngoài ra, bà còn nhặt đồ tái chế để bổ sung cho khoản thu nhập ít ỏi của mình. Mỗi cuối tuần, bà Marin đẩy xe quanh Brooklyn thu nhặt phế liệu và bán lại cho nơi tái chế. Từ khi mất việc tại nhà máy cuối năm 2000, bà sống hoàn toàn bằng nghề mua bán rác tái chế và lo cho 4 đứa con với số tiền chỉ 80 USD kiếm được mỗi ngày.
|
Nhựa tái chế và các vật liệu khác mang lại thu nhập cho 56 triệu người nhặt rác khắp thế giới và các chính phủ đang dần nhận ra giá trị của họ đối với phát triển xã hội và xem họ như các công nhân khác. Ảnh: NG |
Họ đang làm công việc rất quan trọng
Không có thống kê chính thức, nhưng Sure We Can ước tính có khoảng 8.000 người đang kiếm sống bằng nghề nhặt rác ở New York. Theo Sure We Can, đây là lực lượng rất quan trọng giúp rác được phân loại tại nguồn khi bộ phận vệ sinh công ích của New York chỉ thu gom được khoảng 28% rác tái chế kim loại, 23% nhựa. Chưa kể những người nhặt rác còn giúp tách thêm hàng triệu tấn rác tái chế ra khỏi bãi chôn lấp mỗi năm.
Đối với các quốc gia không có hệ thống quản lý chất thải bài bản, vai trò của họ càng quan trọng hơn. Ở châu Mỹ Latinh, có tới 96% rác có khả năng tái sử dụng bị đưa thẳng đến các bãi chôn lấp vì các nước không có chủ trương triển khai việc tái chế. Chuyên gia về tình trạng rác thải toàn cầu Sonia Dias - thuộc tổ chức Những phụ nữ làm công việc phi chính thức (WIEGO, Anh quốc) - cho rằng, người nhặt rác tái chế tại các quốc gia nói trên đang thực hiện một loại “dịch vụ công” miễn phí cho chính quyền.
Thế nhưng, hầu hết các chính phủ không nhìn thấy điều này. Họ thậm chí không công nhận nhặt rác là nghề chính thức và do đó không có hành lang pháp lý bảo đảm về lợi ích của những người thu nhặt rác và nhà tái chế, không bảo đảm quyền tiếp cận rác như một tài sản của người dân.
Lily Baum Pollans - giảng viên về quy hoạch đô thị Đại học cộng đồng Hunter (Mỹ) - lưu ý về tình trạng thiếu bảo vệ đối với lực lượng nhặt rác bắt nguồn từ nguồn gốc của việc thu gom rác thải. Vào cuối thế kỷ XIX, các thành phố của Mỹ chứng kiến cảnh ô nhiễm đáng sợ. Người dân mặc sức ném xác động vật, tro, giẻ rách, phân thải ra đường, sông rạch. Tình trạng này gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng khiến các thành phố phải thành lập lực lượng lao động chuyên thu gom, loại bỏ rác.
Tại San Francisco, Công ty xử lý rác Sunset Scavengers ban đầu là một nhóm công nhân không chính thức, đã trở thành một doanh nghiệp từ năm 1921. New York đã chính thức hóa việc quản lý chất thải vào năm 1896. Như vậy, theo Baum Pollans, hoạt động quản lý chất thải do nguồn tài trợ của chính quyền luôn hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường xanh sạch chứ không phải tạo ra việc làm. Dù được công nhận hay không, người nhặt rác từ lâu đã bị coi thường.
Tuy nhiên, các quốc gia ở Nam Mỹ đang bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Brazil đã xem việc nhặt rác là một nghề chính thức từ năm 2001. Năm 2009, Tòa hiến pháp Colombia đã luật định về thu gom và mua lại rác từ dân. Ở Argentina vào đầu năm nay, một dự luật đánh thuế các công ty sản xuất sản phẩm dùng một lần đã được soạn thảo nhằm bổ sung cho các quỹ hỗ trợ người sống bằng nghề tái chế, thu gom rác không chính thức.
Mỹ cũng đang thay đổi dù các chính sách chủ yếu tập trung vào việc buộc các tập đoàn phải trả chi phí xử lý rác từ sản phẩm do mình sản xuất ra. Tháng 7/2021, tiểu bang Maine yêu cầu các nhà sản xuất trả phí đóng gói. Oregon và Colorado cũng có luật “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” tương tự.
Vào tháng 10/2022, liên minh Người nhặt rác quốc tế đã ra đời. Những người nhặt rác đã cất tiếng nói về sự cần thiết và quan trọng của họ trong việc đóng góp cho một hành tinh xanh và sạch hơn.
Nam Anh (theo The Conversation, AP, NG)