Tiếng mẹ đẻ - “mã định danh” thiêng liêng

23/02/2025 - 21:48

PNO - Ngày 23/2/2025, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ (21/2), Hội quán Các Bà Mẹ (quận 1, TPHCM) tổ chức chương trình “Tôi yêu tiếng nước tôi” giao lưu với vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong.

Trong không gian ấm áp thân tình, nhà văn Trương Văn Dân chia sẻ: “Việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ rất quan trọng. Hơn 50 năm trước, tôi đã đi học và sinh sống ở Ý. Tôi cảm nhận rõ với người xa xứ, cất lên tiếng mẹ đẻ như thể níu giữ quê hương trong lòng”.

Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong tại buổi giao lưu. Ảnh: Tô Diệu Hiền
Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong tại buổi giao lưu - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Với ông, dường như không có những từ thực sự đồng nghĩa vì ở mỗi ngữ cảnh khác nhau sẽ có những từ phù hợp nhất, diễn tả chính xác nhất điều mình muốn thể hiện. Vì thế, việc học hỏi, trau dồi tiếng Việt luôn cần thiết và không bao giờ đủ. Đó vừa là thử thách vừa là sự khám phá thú vị. Những cặp từ có vẻ đối nghịch về ngữ nghĩa như “ấm - lạnh”, “thắng - bại” lại có lúc trùng nghĩa nhau một cách lạ kỳ và tuyệt vời khi nói “áo ấm - áo lạnh”, “đánh thắng quân giặc - đánh bại quân giặc”… Nét đẹp, sự độc đáo, phong phú của tiếng Việt cho ông thêm yêu quê hương, gần gũi với đất nước mình hơn.

Nhà văn Trương Văn Dân không giấu được vẻ xúc động khi hồi tưởng lại khoảnh khắc tình cờ nghe tiếng ru Việt trên đất Ý hay thoáng thấy tà áo dài thân quen trong những buổi họp mặt người Việt ở nước ngoài. Ông tâm sự, có thời điểm ông thường viết sai chính tả, sai ngữ nghĩa nên khi về nước, ông đã sưu tầm thật nhiều sách về ngôn ngữ, văn chương và quyết tâm học lại từ đầu.

Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong chuyện trò với bạn đọc tại buổi giao lưu. Ảnh: Tô Diệu Hiền
Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong chuyện trò với bạn đọc tại buổi giao lưu - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Những người tham dự tâm đắc với ý kiến của nhà văn Trương Văn Dân rằng, người Việt sống ở nước ngoài hay ở quê cha đất tổ cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn tiếng Việt. Nhà văn - nhà thơ Nguyên Cẩn cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về giữ gìn tiếng Việt để tiếng Việt thêm phong phú, đẹp đẽ, hài hòa. Ông lấy ví dụ, một số tựa báo tối nghĩa, dài dòng, cách sử dụng từ ngữ dễ dãi và nhiều lỗi diễn đạt trong cuộc sống có thể khiến tiếng Việt nghèo nàn đi. Việc người trẻ dựa vào công nghệ thông tin quá nhiều sẽ khiến khả năng diễn đạt hạn chế, suy nghĩ thụ động.

Nhà văn Elena Pucillo Truong cho biết, Pháp có ban hành đạo luật về sử dụng tiếng Pháp, qua đó khẳng định quyền của công dân Pháp trong việc hiểu các văn bản, chính sách… Đạo luật có quy định về hạn chế tỉ lệ sử dụng tiếng nước ngoài trên đài phát thanh, truyền hình…

Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong với món quà là chiếc khăn lụa và đôi bông tai bằng gáo dừa từ chị Thanh Thúy. Ảnh: Tô Diệu Hiền
Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong với món quà, chiếc khăn lụa và đôi bông tai bằng gáo dừa từ chị Thanh Thúy - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Những năm qua, Hội quán Các Bà Mẹ đã có nhiều nỗ lực giữ gìn tiếng Việt bao gồm việc phối hợp tổ chức chương trình “Hành trình phi thường của tiếng Việt”, tổ chức cho thanh thiếu niên đến thăm các địa danh để tìm hiểu lịch sử của chữ Quốc ngữ; lan tỏa sách, tác phẩm âm nhạc có ca từ đẹp, các công trình nghiên cứu về tiếng Việt…

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ - luôn nghiêm khắc khi sử dụng tiếng Việt, hạn chế đệm tiếng nước ngoài, đọc nhiều để tăng vốn từ, diễn đạt sinh động hơn. Chị chia sẻ: “Quý trọng và giữ gìn tiếng Việt là cách làm giàu tâm hồn, nêu cao niềm tự hào dân tộc. Tiếng mẹ đẻ như thể “căn cước công dân”, một sự định danh thiêng liêng “tôi là ai, tôi từ nơi nào”. Những lời ru, những câu ca dao, tục ngữ neo đậu hồn Việt, thôi thúc các thế hệ người Việt ở nước ngoài tìm về cội nguồn”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI