Tiếng lòng các nhà báo trong thời đại công nghệ

27/12/2024 - 20:18

PNO - Bộ phim tài liệu dài 96 phút Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.

Trong thời đại truyền thông xã hội thống trị, tin tức nóng hổi lan truyền theo thời gian qua các nền tảng như Twitter, Facebook và TikTok…, người ta có thể tự hỏi vai trò của báo chí truyền thống là gì, tại sao chúng ta vẫn nên quan tâm đến các tờ báo chính thống khi chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể có được thông tin… Câu hỏi đó thật sự quan trọng không chỉ với độc giả, mà đặc biệt với những nhà báo vẫn đang cần mẫn hành nghề mỗi ngày.

Bộ phim có nhiều khoảnh khắc hoài niệm cả với người làm báo giấy lẫn báo điện tử
Bộ phim có nhiều khoảnh khắc hoài niệm cả với người làm báo giấy lẫn báo điện tử

Trong những bộ phim bàn về thách thức của báo chí đương đại, Page One: Inside the New York Times (tạm dịch: Trang Nhất: Bên trong tờ New York Times, 2011) để lại nhiều giá trị bởi cách tiếp cận sâu sắc và nhiều thông tin đáng giá. Bộ phim đã nhận 2 đề cử Emmy cũng như một đề cử Critics’ Choice. Điều thú vị là tác phẩm vừa nhằm tôn vinh báo chí truyền thống vừa mang tính phê bình những điểm yếu của nó.

Lịch sử báo chí hay mở rộng ra là lịch sử của việc lan tỏa thông tin, đã và đang gắn liền với diễn biến của công nghệ. Những tờ báo thật sự xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII ở châu Âu, theo cùng sự phát triển của ngành in ấn. Qua nhiều thế kỷ, báo chí đã trở thành nguồn thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến dư luận và định hình các sự kiện lịch sử. Thế kỷ XIX và XX đánh dấu thời hoàng kim của báo in.

Sự ra đời của internet vào cuối thế kỷ XX đánh dấu một bước ngoặt. Nhiều tờ báo truyền thống bắt đầu thiết lập ấn bản trực tuyến (online), báo hiệu sự ra đời của báo điện tử (còn gọi là “báo mạng”).

Năm 2004, khi Mark Zuckerberg khai sinh Facebook, anh đã góp phần thay đổi vĩnh viễn cách tiếp cận thông tin. Nhân loại bước vào kỷ nguyên của mạng xã hội như một phần không thể thiếu trong đời sống. Giờ đây, ai cũng có thể là một nguồn tin, cập nhật theo thời gian thực và tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi ngay trên trang cá nhân. Sự ra đời và phát triển của mạng xã hội đã phá vỡ sự thống trị của các cơ quan báo chí.

Thách thức của một tòa soạn vĩ đại

Tác phẩm tài liệu do Andrew Rossi đạo diễn đưa người xem bước vào một trong những tổ chức xuất bản tin tức uy tín nhất thế giới - The New York Times. Ra mắt từ năm 1851, đây là một trong những tờ báo lâu đời và thành công nhất ở Mỹ. Nó đã góp phần phanh phui nhiều vụ bê bối lớn của chính trường Mỹ, nổi tiếng nhất là scandal Pentagon Papers khiến tổng thống Nixon phải từ chức. Tờ New York Times đã nhận đến 137 giải thưởng báo chí Pulitzer, cao hơn bất kỳ đơn vị xuất bản nào.

Nhà báo David Carr (trái)
Nhà báo David Carr (trái)

Từ năm 1996, ban lãnh đạo New York Times cho ra mắt trang web nytimes.com và đi đầu trong việc số hóa báo chí. Dù vậy, tờ báo cũng không tránh khỏi khó khăn trong sự đi xuống chung của báo chí. Ở thời điểm bộ phim ra mắt (năm 2011), số lượng báo in của tờ New York Times đã sụt giảm đáng kể so với thời hoàng kim. Mô hình báo điện tử của đơn vị cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt về mặt doanh thu. Độc giả ngày càng mong đợi quyền truy cập miễn phí vào nội dung trực tuyến, dẫn đến sự sụt giảm số lượng đăng ký báo in và doanh thu quảng cáo, vốn là huyết mạch duy trì các tờ báo truyền thống.

Khi mạng xã hội ra đời, nhiều người có thể đưa thẳng thông tin lên trang cá nhân hoặc các kênh YouTube. Những nền tảng này thách thức lối đưa tin truyền thống bằng cách đi trước về tốc độ, có thể cập nhật thời gian thực và kết quả là kéo hàng triệu độc giả khỏi báo chí. Khi một tin tức được báo chí đưa lên, nhiều tài khoản mạng xã hội cũng có thể tự do đăng lại, sau đó hầu hết độc giả bình thường thậm chí không quan tâm ai đã tìm ra tin tức đó đầu tiên.

Bộ phim đặc biệt tập trung vào khoảng 4 nhà báo phụ trách tin tức, để họ chia sẻ về tính liêm chính và sự sống còn của báo chí. Cấu trúc chính của tác phẩm, đặt trọng tâm vào việc so sánh hoạt động báo chí truyền thống với các nền tảng mạng xã hội. Sự căng thẳng giữa phương tiện truyền thông cũ và mới hiện rõ khi các phóng viên của New York Times vật lộn với việc liệu các phương pháp truyền thống của họ có thể cùng tồn tại hoặc thậm chí cạnh tranh với tính tức thời và khả năng tiếp cận của các nền tảng mạng xã hội.

Tác phẩm có nhiều cảnh quay gây hoài niệm với bất kỳ ai từng làm việc trong ngành báo chí truyền thống. Một trong số đó là khi các biên tập viên tranh luận về sự quan trọng của các tin tức, để cân nhắc những bài báo nào được hiện diện trên trang nhất.

“Trang nhất” từng là niềm tự hào của tờ báo nhưng cũng đại diện cho một mô hình cũ, nơi con người chủ động giữ vai trò sắp xếp các tin tức. Mạng xã hội lại không đi theo cơ chế này và thuật toán của nó hầu như chỉ tập trung phân phối tin tức theo độ quan tâm của người dùng. Đó cũng là câu hỏi đáng ngẫm nghĩ cho khán giả, liệu tin tức nên được sắp xếp chỉ theo “độ hot” hay thật sự cần có bàn tay của con người tác động để ưu tiên cho những nội dung có ý nghĩa với xã hội.

Xã hội vẫn cần sự chính trực của báo chí

Về cốt lõi, Page One: Inside the New York Times vẫn tôn vinh tầm quan trọng lâu dài của báo chí trong một xã hội tôn trọng sự thật. Bộ phim ngụ ý rằng, bất chấp những thách thức do cuộc cách mạng kỹ thuật số đặt ra, vẫn cần thiết phải có những tờ báo hoạt động chính trực, mang đến những tin tức thật sự có giá trị.

New York Times là một trong số những tờ báo lớn của Mỹ
New York Times là một trong số những tờ báo lớn của Mỹ

Nhân vật gây nhiều thiện cảm nhất trong phim có lẽ là David Carr - một nhà báo thông minh, sắc sảo và có sự cam kết đáng khâm phục trong nghề nghiệp. Ông đề cao sự thật và đóng vai trò kim chỉ nam đạo đức của câu chuyện. Thông qua góc nhìn của ông, người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc đưa tin điều tra. Từng nghiện ma túy trước khi trở thành nhà báo nổi tiếng, Carr như hiện thân của sự kiên cường trong việc theo đuổi nghề báo chân chính. Triết lý làm việc của ông là mang đến những câu chuyện thật sự có tác động lớn, xứng đáng hiện diện trên tờ báo.

Tập trung vào những người như Carr, tác phẩm mô tả các nhà báo cũng là những cá nhân đầy cảm xúc, gần gũi, đồng thời giữ niềm đam mê sâu sắc với cam kết khám phá sự thật. Cuộc đối đầu nổi tiếng của Carr với một giám đốc điều hành của Vice Media, trong đó ông thách thức tuyên bố của nền tảng này về việc cách mạng hóa báo chí, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghiệp vụ đưa tin, phẩm chất đôi khi thiếu trong các phương tiện truyền thông mới.

Page One: Inside the New York Times đi qua nhiều câu chuyện như sự ra đời của iPad, công ty Tribune phá sản, scandal của Jayson Blair hay Watergate. Một trong những tình tiết phụ hấp dẫn nhất liên quan đến quyết định của New York Times hợp tác với WikiLeaks để xuất bản các tài liệu mật về chiến tranh. Sự kiện gây ra một cuộc tranh luận về mặt đạo đức, không chỉ trong cơ quan này, mà còn trong phạm vi công chúng, về vai trò của báo chí trong việc tiết lộ bí mật chính phủ và nắm giữ quyền giải trình. Những khoảnh khắc đó nêu bật cam kết của tờ báo về tính minh bạch và sự thật, ngay cả khi đối mặt với những phản ứng dữ dội khó tránh.

Trong thời đại mà các thuật toán quyết định phần lớn những gì mọi người đọc, bộ phim tài liệu này như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của khả năng phán đoán và tính liêm chính trong công tác biên tập. Dù các thuật toán có thể tổng hợp nội dung, chúng không thể sao chép khả năng phân tích và cân nhắc về đạo đức mà các nhà báo lành nghề mang đến cho công việc của họ.

Sa thải, doanh thu giảm và các câu hỏi về khả năng tồn tại lâu dài của tờ báo là những vấn đề bộ phim đặt ra và vẫn đang là nỗi đau đầu của nhiều nhà quản lý báo chí đương đại. Tuy nhiên, giữa những khó khăn đó, bộ phim vẫn tôn vinh niềm đam mê bất tận của các nhà báo tận tâm, đặc biệt khi phải đương đầu với những áp lực của một môi trường đang thay đổi nhanh chóng. Sau hết, nó nhắc nhở chúng ta về giá trị không thể thiếu của báo chí, ngay cả trong thời đại bị thống trị bởi số lượt nhấp chuột và chia sẻ.

Ân Nguyễn - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI