Lướt Facebook, ánh mắt tôi dừng lại ở bức ảnh chụp tô hủ tíu gõ cùng chia sẻ: “Chào người quen” của cậu bạn cùng những dòng bình luận từ đa số bạn bè đồng khóa.
Những cựu sinh viên, sau tốt nghiệp, về quê mình hay quê chồng công tác và sinh sống. Câu trả lời cho dấu chấm than đầy biểu cảm của cô bạn đang sống ở Hải Dương: “Mười mấy năm, chỉ thèm một tô như thế!”, là “Lúc nào vào ăn… chục tô cho đỡ nhớ”.
Nói vậy thôi, chứ nếu có thể đi, chắc nỗi nhớ của cô ấy đã không đau đáu hơn 15 năm.
2.000 đồng một tô nhưng được phục vụ tận răng. Những câu nói đứt quãng, những cảm tình của người đi xa khiến tôi nhớ đến cậu bạn trở lại Sài Gòn sau 5 năm ra trường.
Xuống máy bay, cậu ấy gọi ngay một chiếc taxi rồi nhờ tài xế chạy lòng vòng tìm xe hủ tíu gõ, xì xụp húp liền tù tì hai tô cho đỡ thèm.
Mà cái cậu bạn ấy thật sự thèm, chắc không phải tô hủ tíu gõ nhỏ xíu chưa ăn đã hết mà là cái khắc khoải, là ký ức về những bữa ăn khuya bên bạn bè, cái đặc trưng của chiếc xe “có lửa mà không có khói”.
Đôi khi, đó lại là nỗi nhớ của cậu sinh viên nghèo thỉnh thoảng đổi bữa bằng tô hủ tíu gõ xa xỉ.
Mà không xa xỉ sao được. Tô hủ tíu gõ thời ấy chỉ 2.000 đồng nhưng cả tháng mới được ăn một lần. Đó là sau khi trang trải những khoản nợ trong tháng nhờ số tiền làm thêm ít ỏi, trong túi còn vài chục ngàn đồng, thế là ta lại tự thưởng cho mình một tô hủ tíu gõ.
Mà ngộ, nếu những món ăn khác, thèm là phải “lê thân” đi, thì hủ tíu gõ ngược lại.
Bạn cứ ngồi yên trong nhà, nghe tiếng gõ lóc cóc đặc trưng, gọi: “Ê, cho một hủ tíu” là 5 phút sau, tô hủ tíu gõ nóng hổi, thơm lừng đã ở trước mặt.
Chẳng phải hủ tíu gõ là… tiền thân của kiểu giao thức ăn tận nơi của các thương hiệu lớn bây giờ sao? Hôm nào thích thì một tay nhận hủ tíu, một tay trả tiền.
Hôm nào ẩm ương, bưng tô hủ tíu vô nhà, xì xụp húp hết cả nước lẫn cái, xoa xoa cái bụng chưa kịp đầy, rồi lại nằm chờ “thằng nhóc” đến lấy tô, thu tiền.
Tô hủ tíu gõ nhỏ lắm. Chỉ một ít hủ tíu, vài lát thịt mỏng như lá lúa, miếng bò viên cũng mỏng không kém. Rau ăn kèm là ít giá, ít hẹ, thêm tí tóp mỡ giòn rụm.
Chỉ vậy, nhưng thời sinh viên, bữa ăn nào có miếng thịt đã thấy có lỗi với cha mẹ đang tần tảo ở quê nên chỉ dám gọi khi rủng rỉnh tiền mình kiếm được. Mà có bao giờ dám gọi tô thứ hai ăn cho đã thèm hay lấp cho đủ cái bụng sinh viên lúc nào cũng đói đâu.
Chọn miếng thịt để xắt cho đủ lát
Thời sinh viên, do chịu khó nhận dạy kèm đến ba đứa học trò nên tôi có điều kiện ăn hủ tíu gõ thường xuyên hơn. Tôi lân la trò chuyện, làm thân từ thằng nhóc đi gõ, người đàn ông trung niên hiền hậu bán hủ tíu đến cậu bé chạy bàn. Những lời tâm sự chân thành của chú bán hủ tíu nghe thật xót xa.
Chú kể, vợ chồng chú có đến bốn người con. Vùng đất miền Trung quá khắc nghiệt, liên tiếp mất mùa nên cả nhà kéo nhau vào Sài Gòn chui rúc trong căn phòng trọ nhỏ hẹp.
Vợ chú và hai người con gái lớn làm công nhân may. Tháng nào tăng ca, dù mệt nhưng có dư chút ít. Tháng nào không có hàng, xí nghiệp cho công nhân nghỉ sớm, vừa không có tiền dư, lại tốn tiền ăn tối cho cả ba người.
Chú và hai con nhỏ ra bán hủ tíu gõ. “Nhìn tưởng đơn giản vậy nhưng cực lắm con ơi.
Sáng sáng, chú và thằng lớn hơn phải dậy sớm, lên chợ đầu mối mua thịt, rau… cho rẻ.
Về đến nhà là tất bật chuẩn bị. Nghỉ được khoảng 1-2 tiếng là đẩy xe đi bán. Hôm nào khách nhiều, tầm 12 giờ đêm là hết. Hôm nào ế, cố vớt vát khách đi chơi khuya về thì 2-3 giờ sáng mới hết. Những ngày đó, mấy cha con không kịp ngủ lấy sức đã phải chở nhau ra chợ mua đồ”, chú bộc bạch.
Đến tận chợ đầu mối mua để có giá tốt nhưng không phải miếng thịt nào vừa mắt là được chọn, mà chú phải chọn sao cho miếng thịt ấy có thể xắt đủ số tô tương đương.
Hôm nào ít ngủ, chú mệt quá, chọn sai hay cắt mạnh tay một chút, số lát thịt sẽ hụt so với dự tính. Thiếu ít thì mất tiền một tô, thiếu nhiều thì cứ thế nhân lên, đôi lúc thành “bán không công”.
Lúc đó, tôi mới hiểu, bao nhiêu lần ăn, dù thân hay sơ, tô hủ tíu gõ của mình cứ bấy nhiêu lát thịt. Tôi cũng hiểu tại sao con dao của chú lúc nào cũng bén đến mức, có thể cắt đứt một sợi tóc.
|
Tô hủ tíu gõ giờ đã đầy đặn hơn xưa nhưng vị cơ bản của món ăn vẫn còn |
Tiếng gõ xa rồi
Hôm ấy, lướt comment của bạn bè, nỗi nhớ về món ăn như lan từ con chữ, qua màn hình, khiến lòng tôi chùng lại.
Tôi tắt máy, im lặng chờ tiếng lóc cóc đặc trưng, của tiếng gõ theo tôi suốt bốn năm đại học và những năm đầu lựa chọn ở lại lập nghiệp nơi xứ người.
Đêm càng khuya, mọi thứ dần tĩnh lặng, chờ mãi vẫn không nghe tiếng lóc cóc được tạo ra từ hai thanh kim loại chạm nhau báo sự hiện diện của món ăn.
Ngỡ ngàng, tôi lấy xe, phóng ra đầu hẻm. Sau bao năm, chiếc xe hủ tíu gõ vẫn gói gọn gia tài của người bán nhưng trên chiếc tủ kính đã có những khoanh giò heo, những miếng hoành thánh bắt mắt.
Những chiếc xe máy sang trọng dựng ở một góc hẻm cũng cho thấy thực khách của món ăn này không chỉ là sinh viên hay dân lao động nghèo.
Tôi tin rằng, không ít khách đang ăn đã tìm đến quán vì hoài niệm về một món ăn quen thuộc ngày xưa.
|
Không ít khách đang ăn đã tìm đến quán vì hoài niệm về một món ăn quen thuộc ngày xưa chứ không chỉ là ghé ngang gọi một tô cho đỡ đói lòng |
Tôi gọi một tô hủ tíu. Tô hủ tíu gõ giờ đã đầy đặn hơn xưa nhưng vị cơ bản của món ăn vẫn còn. Nó vẫn khiến người ta bồi hồi nhớ lại những cảm xúc rất riêng thời tuổi trẻ.
Ăn hết tô, tôi cố nán lại, chờ một cậu nhóc hay ai đó, thắng két chiếc xe đạp, báo số lượng tô, rồi một tay bưng hủ tíu, một tay cầm ghi đông mang đi cho khách nhưng chờ mãi vẫn không thấy.
Lân la hỏi chuyện người bán, tôi mới biết “giờ ai cũng có xe máy, muốn ăn thì phóng xe ra nên không cần người gõ nữa”. Và hình như không chỉ xe hủ tíu gõ gần nhà tôi, mà rất lâu, trong đêm Sài Gòn, tiếng lóc cóc quen thuộc ấy đã không còn nữa.
Huỳnh Hằng