Tiếng leng keng của thời “bổ tàu”

03/05/2021 - 18:55

PNO - Buổi sáng cà phê một mình, tôi chợt nhớ một kỷ niệm tuổi thơ cuối thập niên 1970 ở Hà Nội. Đó là lúc tôi cùng vài thằng bạn hiếu động nhảy tàu điện đi chơi, dân "trong nghề" gọi là... "bổ tàu".

Tiện tay gõ vài dòng hồi ức "bổ tàu" lên Facebook, kèm mấy tấm hình tàu điện ngày đó, tôi nghĩ chỉ là chuyện vặt vãnh, không ngờ bà con, anh em xúm vào "lai, còm" nhiệt tình. Rất nhiều "cao thủ" nhảy tàu cùng thế hệ của tôi hào hứng 
góp chuyện.  

Tàu điện ở Hà Nội có từ thời Pháp. Nếu lấy Hồ Gươm làm trung tâm thì đường tàu điện từ đây tỏa đi khắp các hướng của thủ đô. Mỗi tàu thường có ba toa, trên nóc toa đầu có một cần tiếp dây điện phía trên. Hệ thống dây điện này chạy dọc theo các đường ray.

Mỗi toa tàu điện có hai dãy ghế gỗ (gồm những thanh gỗ mảnh và dài, ghép thưa) chạy dọc hai bên. Hai cửa lên xuống ở giữa toa. Toa đầu có "buồng lái" với bác tài ngồi hoặc đứng, cùng bộ phận điều khiển là một cần quay tay bằng đồng, chủ yếu để tăng, giảm tốc độ, dừng tàu. Dưới chân bác tài có một cần đạp, để khi cần thì đạp liên hồi, sẽ phát ra tiếng chuông "leng keng, leng keng"... báo hiệu tàu đến, tàu đi hoặc dẹp đường phía trước. 

Âm thanh "leng keng" ấy từng đi vào nhiều bài thơ, bản nhạc, trở thành một phần ký ức Hà Nội xưa.

Mỗi ga tàu điện thường cách nhau khoảng 2km, dừng chờ khách lên xuống chừng năm, bảy phút. Trên toa thường có một nhân viên bán và soát vé đứng tuổi. Giá vé tàu điện rất rẻ (khoảng một, hai ngàn đồng hiện nay) và tiện, nên người dân đi rất đông. Đây gần như là phương tiện đi lại công cộng duy nhất trong thành phố, vì thời đó chưa có xe buýt. Hành khách thường phải đứng chen chân, nhiều khi tràn ra cả bậc lên xuống. 

Ngày đó bọn trẻ nghịch ngợm ở Hà Nội mà nhà gần các tuyến tàu điện, thường có thú vui nhảy tàu, hay còn gọi là "bổ tàu". Nhảy tàu có thể là để đi học, nhưng đa phần là để rong chơi, vì tàu điện tỏa ra các hướng trong thành phố, tới cả vùng ngoại thành xa xôi như Hà Đông. Trẻ em lúc đó thường học một buổi, bố mẹ bận rộn công việc cả ngày hoặc đi công tác xa, nên tha hồ "lêu lổng". Những trò như hái sấu, trèo me, câu cá trộm, nhảy tàu điện... được xem là thú vui đặc biệt.

Dân nhảy tàu nhiều khi cũng chẳng biết đến chuyện mình vi phạm pháp luật hay nguy hiểm chực chờ, họ nhảy tàu chẳng có mục đích gì, cứ tót lên đứng hoặc ngồi qua vài ga rồi buồn buồn nhảy xuống quay về, làm vài vòng cho... vui!

Nhưng vì sao phải nhảy? Bởi nếu đợi tàu dừng ở ga để lên xuống như mọi người thì... thường quá! Phải chờ khi tàu chuyển bánh, đuổi theo rồi nhảy "bổ" lên; hoặc khi chưa dừng lại mà "bổ" xuống, mới... thú! 

Nhưng để thực hiện nhuần nhuyễn "thú vui" này cũng không phải dễ. Trước tiên phải có máu liều một chút. Sau đó là bắt chước các "cao thủ" đàn anh. Những cú nhảy ban đầu thường ít thành công, trả giá bằng cú sái chân, rách gối, bong gân là thường, chưa kể có thể bị tai nạn trầm trọng hơn. Nếu bố mẹ, thầy cô biết thì có thể bị ăn đòn, hạ hạnh kiểm như chơi.

Kỹ thuật nhảy tàu có gì cao siêu? Đó là khi "bổ" lên, bạn phải lựa lúc tàu vừa chuyển bánh, tốc độ còn chậm. Bạn phải chạy theo tàu, đu lấy tay nắm, nhún đà nhảy lên bậc cửa. 

Khi "bổ" xuống, chọn lúc tàu giảm tốc, đứng ở bậc lên xuống bám vào tay nắm, buông tay nhẹ nhàng đáp chân phải xuống, chạy một quãng ngắn theo quán tính của tàu.

Các "cao thủ" bổ tàu có thể nhót lên, bay xuống tỉnh bơ khi tàu đang chạy rất nhanh; lúc nhảy xuống đứng khựng lại, không thèm chạy theo quán tính. Lúc đó "tay chơi" sẽ nhìn quanh chờ những ánh mắt thán phục của đàn em.

Hồi đó người ta cấm trẻ em nhảy tàu điện vì khá nguy hiểm và đã nhiều tai nạn xảy ra. Đó là nhảy hụt hoặc mất đà, té sấp mặt xuống đường nhựa, có thể bị xe đụng vì bất ngờ không kịp tránh. Nên nhớ, tàu điện thường chạy giữa tuyến phố, hai bên xe cộ đông đúc. 

Riêng các bác bán vé thì đuổi bọn "bổ tàu" như đuổi giặc, vì trốn vé đã đành mà còn nguy hiểm nữa. Nhưng bọn trẻ hiếu động và nghịch ngợm vẫn luôn coi đây là một... thú vui, thậm chí còn là một biểu hiện của "tay chơi" sành điệu. Khi lên tàu chúng lẩn như chạch. 

Cũng nên thông cảm, thời đó bọn trẻ không nhiều trò chơi, giải trí, học thêm, smartphone, internet... để suốt ngày chúi mũi vào như bây giờ.

Vào thập niên 1990, những tuyến tàu điện dần biến mất. Xe buýt thay thế. Những tiếng "leng keng" quen thuộc sớm khuya trên phố phường Hà Nội dần vào quên lãng. 

Vậy mà hôm nay tình cờ nhắc lại, rất đông thế hệ U60, U70... ở Hà Nội như sống lại kỷ niệm xưa. Trong số đó, nhiều quý ông lịch lãm đầu đã bạc, hào hứng kể về những chuyến "bổ tàu". 

Dẫu hay dở, đó cũng là một phần tuổi thơ của không ít những người Hà Nội "một thời đạn bom, một thời hòa bình", như lời bài hát Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. 

Minh Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI