Này nhé, sáng thức dậy là tắm bé, bồng ra sân phơi nắng, cho bú sữa rồi đặt vào nôi ru ngủ. Khoảng gần trưa, lại cho bú, dỗ ngủ, dỗ nín khóc. Lúc bé ngủ, tranh thủ giặt quần áo, khăn của bé; rồi làm bếp. Loay hoay chỉ chừng ấy công việc đã trưa. Trưa, có thể chợp mắt một chút, nếu bé không khóc. Chiều là lúc lau mình cho bé rồi lặp lại “quy trình” như lúc sáng. Khuya, khó có thể nằm thẳng cẳng đánh một giấc cho tới sáng, phải thức giấc, canh giờ cho bé bú, bằng không trong căn nhà sẽ rền vang òe óe oe.
Rồi ngày mai, công việc cũng như hôm nay. Mà công việc gì từng ngày cứ diễn ra y chang, thử hỏi, sáng tạo cái nỗi gì?
Ấy là suy nghĩ của ai đó quan sát từ bên ngoài. Họ không thể có được cảm giác tiếp nhận những điều gì đó cực kỳ lạ lùng, mới mẻ mà chỉ những ai làm cha, làm mẹ mới trải nghiệm. Tôi may mắn đang sống từng ngày trong cảm giác đó và nghiệm ra rằng, chính đứa trẻ lớn dần mỗi ngày đã đem lại cho người lớn sự sáng tạo của niềm vui sống.
|
Vũ khí của uy quyền của các thiên thần bé bỏng chỉ có thể là… tiếng khóc khiến ông bà, bố mẹ răm rắp nghe theo. (Ảnh minh họa) |
Trong chiếc nôi xinh xắn kia là một hài nhi bé bỏng, dù chỉ “ra lệnh” bằng tiếng khóc nhưng lại có… uy quyền tuyệt đối. Lúc nghe tiếng khóc, dù đang làm việc gì cũng phải ngó ngàng tới bé, nhanh chân đến nôi, dỗ dành, đưa nôi nhịp nhàng. Mà trong lúc dỗ bé nín khóc, như lẽ tự nhiên, bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng nhớ lại những câu ca, vần vè đã từng nghe, từng học, từng đọc để cất lên tiếng ru.
Rồi lúc trẻ ngoan, không chỉ ngắm nhìn, họ còn trò chuyện với bé. Câu chuyện chẳng ra đầu cua tai nheo, cái nọ xọ cái kia, dù mình nói mình nghe trong lúc quan sát bé nhưng lại tưởng chừng bé cũng hiểu. Có phải vì thế mà lúc khảo sát các bài đồng dao Việt Nam, tôi nghiệm ra có khá nhiều hình ảnh trộn lẫn vào nhau, không lớp lang, không trình tự theo tư duy của người lớn. Miễn là câu chữ ngộ nghĩnh, có vần có điệu và ngăn ngắn để các bậc phụ huynh lúc trò chuyện với bé có thể ngân nga ru bé ngủ. Những câu ca dao, đồng dao với “ca từ” ngộ nghĩnh như: ông giẳng, ông giăng, bống bống bang bang, nu na nu nống… sao lại “hợp cảnh hợp tình” đến thế?
Qua sự trải nghiệm này, tôi đã viết nhiều bài đồng dao ru bé. Chẳng hạn, làm cha mẹ, ai lại không phì cười, lúc đang thiu thiu tranh thủ chợp mắt vì vừa dỗ bé ngủ ngon, đột nhiên bé có động tác… kỳ cục ghê: Mẹ ba vừa mới lim dim/ Bất ngờ bé bỉm bìm bim bất ngờ/ Không gian vắng lặng như tờ/ Bỗng nghe đồng vọng tiếng tơ, tiếng đàn/ Âm thanh réo rắt rộn ràng/ Giật mình, ba mẹ ngỡ ngàng ngó nhau/ Tưởng bé thức, vội ơ ầu/ Bé cười… bí mật, gật đầu ngủ ngon.
Không chỉ có thế, tôi biết các bỉm sữa cũng đã từng xúc động, vui sướng ngạc nhiên lúc chứng kiến: Bủm bùm bum! Bủm bùm bum!/ Em vừa măm sữa vừa… bùm ngộ ghê/ Mẹ cười sặc sụa: “Ê! Ê!”/ Ba nhăn mặt lại chọc quê em Mì:/ “Chà, chà, lịch sự chút đi”/ Mẹ liền bênh vực: “Vậy thì đã sao?/ Ba lo lắng quá tầm phào/ Vì tiêu hóa tốt, chứ nào có chi”/ Chẳng có chi, chẳng có chi/ Bầy chim ríu rít rầm rì gần xa. Những chuyện này, đã khá lâu trong lúc tâm tình, một đồng nghiêp đã kể. Và bảo tôi hãy làm bài thơ trêu bé, cũng là một cách sau này lúc đứa trẻ lớn lên có thể kể lại. Tôi chịu chết, chào thua vì chưa trải qua. Nay, được là “người trong cuộc” mới có cảm hứng để viết là vậy.
Trăm người như một, ai cũng bảo, có thể ngồi hằng giờ bên nôi ngắm con mà không biết chán. Đúng thế. Đứa bé chưa biết nói, biết lật, má bầu bĩnh, thân hình dài thơm thơm kẹo sữa, sao lại có sức quyến rũ đến thế? Không rõ các bậc phụ huynh nghĩ gì, tôi cho rằng có được cảm giác hân hoan, hạnh phúc kéo dài vì đó là lúc ta ngắm chính ta từ hình hài của bé.
Vì thế, mọi động thái của bé đã tạo ra một “uy quyền” tuyệt đối buộc các ông bố, bà mẹ phải tuân theo. Vũ khí của uy quyền đó chỉ có thể là… tiếng khóc. Hỡi các bỉm sữa, ai lại không từng tự nhủ: Lạ ghê, bé tỉ tì ti/ Chỉ lên tiếng khóc, tức thì… đổi thay/ Mẹ ba đũa mới cầm tay/ Một người phải đứng dậy ngay tức thì. Đang ăn, sao lại phải đứng dậy ngay? Đã thế, giữa đêm hôm khuya khoắt: Mẹ nâng niu, ba vỗ về/ Ngủ gà ngủ gật cận kề bên con/ Lúc con đã ngủ thật ngon/ Mẹ ba mới được… chập chờn nương theo. Có thể nói, chính bé là sự sáng tạo đã buộc họ phải mới mẻ ngay cả các động tác chăm sóc bé đã quen thuộc. Để rồi cuối cùng, họ hoàn toàn sung sướng với cảm giác được toàn tâm, toàn ý phục vụ cho “nhân vật số một” tạo dựng nên mái ấm: Làm vua nhưng khoái… nằm nôi/ Uy nghi chễm chệ ngự ngay giữa nhà/ Cận vệ là mẹ với ba/ Chấp hành tuyệt đối thiệt là oai ghê.
Lê Minh Quốc