PNO - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã hoàn thành phúc khảo vở cải lương Tiếng hò sông Hậu (soạn giả: Điêu Huyền, đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ), sẵn sàng cho mùa diễn tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đưa một vở cải lương đề tài cách mạng nổi tiếng từ lâu trở lại với khán giả, ê kíp vở diễn hy vọng mang đến một màu sắc riêng biệt trong dịp tết này.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Tứ cho biết, thời còn ở quê, anh đã thuộc nằm lòng các bài ca trong Tiếng hò sông Hậu. Vai nào anh cũng ca được và thường trổ tài trong các cuộc chơi đờn ca tài tử. “Hồi xưa, nghe qua băng cassette thôi mà mấy cô chú chỉ cần cất tiếng lên là mình đã có cảm giác họ đang sống cuộc đời của nhân vật rồi, tới mức mình tin được bối cảnh đó cũng là đời” - NSƯT Lê Tứ chia sẻ.
Các diễn viên trẻ trong Tiếng hò sông Hậu
Chất “đời” mà NSƯT Lê Tứ đề cập đến từ những hình tượng nhân vật vô cùng sống động. Đó là Chơn - anh nông dân bị chèn ép “tức nước vỡ bờ”; Thừa - người nông dân Nam Bộ đầy hào sảng, thích “cà khịa” những gì chướng tai gai mắt; hội đồng Dư - hình tượng cường hào ác bá điển hình; tòa Sang, cô Ba Phượng - đại diện cho những cậu ấm cô chiêu cậy quyền ỷ thế gia đình, quen “ăn trên ngồi trốc”; thầy Ba Năng - anh chàng nhà nghèo “ở rể” nhà giàu tội nghiệp; bà Tư Hậu, Lài - những người phụ nữ tảo tần cả một đời vì gia đình, chịu đựng nhưng đầy mạnh mẽ; cọp rằn Lựu, hương quản Lê - những tên tay sai sẵn sàng đạp lên đồng bào vì lợi ích bản thân…
Để có được những hình tượng điển hình đó là sự cộng hưởng từ tài hoa của soạn giả Điêu Huyền và tài năng của dàn nghệ sĩ đang chín muồi về nghề trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 2. Soạn giả Điêu Huyền cũng đã “đo ni đóng giày” nhân vật cho các diễn viên cùng sự tìm tòi, sáng tạo riêng của nghệ sĩ đã giúp những: hội đồng Dư - Diệp Lang, Thừa - Giang Châu, Chơn - Tuấn Thanh, cô Ba Phượng - Tô Kiều Lan, Lài - Ngọc Bích, cọp rằn Lựu - Tư Rọm… tỏa sáng, để Tiếng hò sông Hậu ghi dấu sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu.
Ấn tượng mới
Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ cho biết, Tiếng hò sông Hậu là một trong những vở cải lương đề tài cách mạng tiêu biểu, cùng thời với Người ven đô và phải mấy chục năm rồi mới trở lại sân khấu. Nhận lời dàn dựng Tiếng hò sông Hậu cho Đoàn 2, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cũng như trước đó đạo diễn vở Người ven đô cho sân khấu Đại Việt, NSƯT Hoa Hạ ưu tiên hướng đến khán giả trẻ. “Các em chưa xem được các vở diễn này, nếu có cũng chỉ qua bản video, mà video không thể chuyển tải đầy đủ như sân khấu. Những vở diễn mang tính cách mạng cao và tạo dấu ấn lớn cho nghệ sĩ xứng đáng được tiếp tục truyền thừa, để người trẻ sau này biết được cải lương cũng có những tuồng đề tài cách mạng rất hay” - NSƯT Hoa Hạ chia sẻ.
Tiếng hò sông Hậu hứa hẹn mang đến màu sắc riêng biệt trong mùa diễn tết Ất Tỵ.
Tái dựng Tiếng hò sông Hậu còn nhằm để “nâng chất” cho lực lượng diễn viên trẻ. “Tôi nói với các em rằng, những cái hay của tiền bối thì phải học, nhất là cách xử lý bài ca của cô chú, anh chị ngày xưa rất tuyệt vời. Riêng về diễn xuất, các em bây giờ có điều kiện học hành đầy đủ, tiếp xúc đa dạng nguồn tham khảo, cũng đa năng hơn thì phải diễn chi tiết, diễn đa dạng, đem cái riêng của mình để làm bật vai diễn, mang được cái tinh thần hiện đại của hôm nay vào tác phẩm” - đạo diễn Hoa Hạ cho biết.
Qua buổi phúc khảo, có thể thấy, các diễn viên của Tiếng hò sông Hậu phiên bản mới đã thể hiện được tinh thần mà đạo diễn Hoa Hạ gửi gắm cũng như người xem kỳ vọng, không “đồ lại” hình ảnh người đi trước.
Trong vai Thừa, NSƯT Lê Tứ đã giữ được “chất” của những bài ca vốn được “đo ni đóng giày” cho cố nghệ sĩ Giang Châu. Lê Tứ từng nghiên cứu về cách ca của các danh ca tiền bối, lại xuất thân là nông dân nên vào vai Thừa khá thoải mái. Sự thoải mái đó cũng làm nên chất riêng cho anh trong vai diễn - bộc trực, hào sảng nhưng lại có nét hồn nhiên, thơ trẻ.
Nghệ sĩ Điền Trung cũng mang đến hình ảnh một hội đồng Dư khác, ngoài sự độc ác còn có nét bông lơn, hài hước. Điền Trung hiện là Phó trưởng Đoàn 2 và cũng chính anh đề nghị tái dựng Tiếng hò sông Hậu. Tuy nhiên ban đầu, vì áp lực công việc quản lý, sợ không cáng đáng nổi vai diễn để đời này của Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang nên anh đã đề xuất mời một tên tuổi lớn cho vai diễn. Nhưng được sự động viên của đạo diễn Hoa Hạ, Điền Trung đã nỗ lực làm tròn vai, mong khán giả sẽ đón nhận hình ảnh một hội đồng Dư mới.
Đạo diễn Hoa Hạ vui nhất là các diễn viên trẻ như Hoàng Hải, Văn Hợp, Nhã Thy, Trọng Hiếu… có cơ hội tạo dấu ấn và tiến bộ. Trong đó, Hoàng Hải thực sự “vượt lên chính mình” khi lần hiếm hoi diễn tuồng đề tài cách mạng mà vai diễn có hoàn cảnh, tính cách khác xa bản thân. “Hải trước giờ chuyên diễn tuồng cổ, được chọn vào vai Chơn, em không hề tự tin. Tôi quan niệm: chỉ có cảm xúc chân thật mới chinh phục được khán giả nên luôn yêu cầu diễn viên không được diễn ngoại hình hay diễn kỹ thuật mà phải diễn thật mộc mạc.
Tiếng hò sông Hậu còn là tuồng về sự vùng lên của những người nông dân thì lại càng phải chân chất. Hải đã tiết chế được những thói quen khi diễn tuồng cổ, hương xa và nỗ lực rất nhiều để làm tròn vai. Lần này, đã xuất hiện một Hoàng Hải khác - chịu khó, phấn đấu và tiến bộ rất nhiều. Làm việc cùng lực lượng trẻ ngày một tiến bộ của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là điều tôi rất mừng” - NSƯT Hoa Hạ chia sẻ.