“Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”: 46 năm vẫn dạt dào cảm xúc

02/07/2021 - 08:51

PNO - Ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” được nhạc sĩ Cao Việt Bách nung nấu ý tưởng và hoàn thành trong khoảng tháng 3/1975, trước thời điểm miền Nam được giải phóng.

Giọng nhạc sĩ Cao Việt Bách run run vang lên phía đầu dây bên kia. Ông chậm rãi đọc cho tôi nghe chính xác từng chữ trong đoạn mở đầu của nhạc phẩm Tiếng hát từ thành phố mang tên Người - một trong những sáng tác ghi dấu tên ông trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả Việt Nam: “Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con/ Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”... 

Gần nửa thế kỷ trước, những câu hát ấy đã vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đúng vào ngày lịch sử, khi đất nước liền một dải, khiến hàng triệu trái tim thổn thức.

Bài hát đi vào lịch sử

Nhạc sĩ Cao Việt Bách năm nay đã ngoài 80. Trí nhớ của một người đi qua hết thảy những vui buồn của cuộc đời đã không còn trọn vẹn. Ông chậm rãi nhưng giọng nói có phần hồ hởi, ông bảo vui lắm khi có người hỏi thăm về ông, về một sáng tác tựa như điểm son trong sự nghiệp - nhạc phẩm Tiếng hát từ thành phố mang tên Người.

Nhạc sĩ Cao Việt Bách rất xúc động khi ôn lại những ký ức khi ông sáng tác nhạc phẩm Tiếng hát từ thành phố mang tên Người
Nhạc sĩ Cao Việt Bách rất xúc động khi ôn lại những ký ức khi ông sáng tác nhạc phẩm Tiếng hát từ thành phố mang tên Người

Ca khúc này được nhạc sĩ Cao Việt Bách nung nấu ý tưởng và hoàn thành trong khoảng tháng 3/1975, trước thời điểm miền Nam được giải phóng, non sông Việt Nam thu về một dải. Đến ngày 30/4/1975, ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như một cách đánh dấu chiến thắng lịch sử của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào bên trong mỗi người Việt Nam.

Nhạc sĩ Cao Việt Bách kể, lúc đặt bút viết những giai điệu đầu tiên, điều ông nhớ nhất là sự kiện năm 1911 khi Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ông khâm phục ý chí của người thanh niên Nguyễn Tất Thành nên câu hát mở đầu bài, ông đề cập ngay sự kiện: “Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mong đón Bác trở về”. Sau câu hát đầu tiên, dòng cảm xúc tự hào xen lẫn niềm ước mong về một chiến thắng cuối cùng cứ ào ạt nối nhau xếp thành lời ca, giai điệu.

"Từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng cho đến trước thời điểm 30/4/1975, khi chiến thắng lịch sử đã đến rất gần, tôi thấy lòng mình rạo rực, bồi hồi không tả được. Tôi là Chỉ huy trưởng dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ nên sớm nhận được tin báo từ chiến trường gửi về. Hôm nay quân ta thắng ở Buôn Mê Thuột, ngày mai thắng trọn Tây Nguyên, thắng ở Đà Lạt rồi Phan Thiết... tin chiến thắng liên tục bay về khiến lòng tôi muốn viết nên một bài ca mừng ngày quân dân ta toàn thắng”, nhạc sĩ Cao Việt Bách nhớ lại.

Ngày đó, nhạc sĩ Cao Việt Bách ở hậu phương nhưng tinh thần bao giờ cũng đặt nơi tiền tuyến. Ông nói chiến sĩ là người trực tiếp ra trận, nhưng tại hậu phương, ông trong vai trò của một văn nghệ sĩ cũng luôn đặt trái tim, cảm xúc đồng hành cùng “đồng đội”. Không chỉ Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, mà trước đó ông còn viết Mang hình Bác, chúng ta lên đường cùng một số nhạc phẩm khác để cổ vũ quân và dân Việt Nam một lòng tin vào cách mạng.

Nhạc sĩ Cao Việt Bách trong thời gian học âm nhạc tại Nga.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách trong thời gian học âm nhạc tại Nga.

Nhạc sĩ Cao Việt Bách nói, ban đầu, ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người do ca sĩ Kiều Hưng thể hiện. Nhưng về sau, để tăng sự hào hùng, nên thay vì đơn ca, ông cho tốp ca thể hiện dưới sự chỉ huy của chính mình..

“Non sông Việt Nam ngày đó còn chia cách nhau, đến khi thống nhất đất nước, tôi vui sướng, phấn khởi vô cùng, vì hòa bình đã được lập lại. Là một nghệ sĩ, tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc biến dòng cảm xúc bên trong thành giai điệu, lời ca. Khi thu âm, mỗi câu hát được dàn hợp xướng thể hiện đều gieo trong lòng mỗi người niềm tự hào to lớn, có sức lay động mạnh”, nhạc sĩ Cao Việt Bách nhớ lại.

Bài hát gắn liền với bao thế hệ

Không chỉ gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người giờ đây trở thành bài ca xuất hiện trong nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật trọng điểm của TP.HCM. Hỏi cảm xúc của nhạc sĩ Cao Việt Bách trước sức sống bền bỉ của ca khúc, ông nói bản thân thấy tự hào vì cho đến hôm nay, nhạc phẩm vẫn còn được yêu thương, cất lên trong niềm hân hoan, yêu đời.

Tiếng hát từ thành phố mang tên Người - NSND Tạ Minh Tâm:

"Ngoài Kiều Hưng và dàn hợp xướng, về sau, nhiều ca sĩ có phần thể hiện rất hay sáng tác của tôi cùng việc tạo ra một số bản phối mới. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải ai làm công việc sáng tác cũng có được”, nhạc sĩ Cao Việt Bách tâm sự.

Tiếng hát từ thành phố mang tên Người ra đời một năm trước khi Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ nói ông không thể đoán hay biết chắc rằng sau ngày giải phóng miền Nam, một thành phố lớn, hiện đại bậc nhất cả nước sẽ được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ, điều đó là cơ may của ca khúc cũng như của riêng ông khi đặt bút sáng tác. Trong nhạc phẩm, ông đã nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh hai lần ở đoạn: “Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai/ Trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ/ Trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác/ Lời Bác thiết tha dìu dắt chúng ta/ Sáng mãi tên Người, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người đã được vinh danh trong đêm trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017. Với những cống hiến cho nghệ thuật, nhạc sĩ Cao Việt Bách được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001.

 

Lần giở trong trí nhớ của vị nhạc sĩ ngoài 80 tuổi và những dịp chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Cao Việt Bách từng nói sở dĩ có “sự đón đầu” trong việc đổi tên thành phố là vì ông từng đọc trong thơ của nhà thơ Tố Hữu có đoạn gọi Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh, và danh từ ấy để lại trong ông nhiều ấn tượng. Vì với ông, Bác Hồ không chỉ là người có sức ảnh hưởng, được nhân dân yêu thương, mà riêng gia đình ông, vị lãnh tụ kính yêu còn để lại nhiều kỷ niệm.

"Từ bé tôi đã được nghe bố kể về những kỷ niệm thời chiến tranh, trong đó có câu chuyện về Bác Hồ. Tôi mang ký ức đó lớn lên, và cũng vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Những hồi ức cũ cùng dòng cảm xúc của bản thân trước hoàn cảnh thực tại giúp tôi có cảm xúc để viết nên nhiều ca khúc liên quan đến Bác, cách mạng, cuộc đời. Mỗi sáng tác đều có một câu chuyện phía sau, và dù câu chuyện đó như thế nào, tôi cũng tin chắc rằng, nếu nhạc sĩ không có cảm xúc thật, họ không dễ viết được một bài ca, vì thời chúng tôi, khó ai viết được nhạc đặt hàng”, nhạc sĩ chia sẻ. 

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI