Nơi tiếng hát quý hơn vàng ròng
Tiếng hát và vàng ròng - một sự so sánh tưởng chừng bị cường điệu hóa, nhưng có lời nào đúng hơn để nói về những vị y bác sĩ, hát với tinh thần vô tư mong giúp được những bệnh nhân nghèo? Trong suốt bốn năm qua, câu lạc bộ văn nghệ Blouse trắng thuộc Quỹ Trái tim trên tường hoạt động với mục tiêu như thế.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), một trong những thành viên sáng lập đêm nhạc Blouse trắng - Hát cho yêu thương cho biết việc được hát mang lại nhiều điều tích cực cho anh và đồng nghiệp của mình. Trước tiên, mọi người hát để được thỏa mãn đam mê nghệ thuật, vì lao động trong ngành nghề nào cũng cần những thời khắc nghỉ ngơi, thư giãn sau giờ làm. Điều quan trọng tiếp theo, khi tiếng hát vô vị lợi ấy được cất lên, nhưng lại mang được những khoản tiền đóng góp cho hoạt động thiện nguyện, thì đây lại là hoạt động rất đáng trân trọng, cần được duy trì và nhân rộng.
|
Ca sĩ - bác sĩ hát với tinh thần vô tư mong giúp những bệnh nhân nghèo |
Những thành viên chủ chốt của câu lạc bộ Blouse trắng là các y bác sĩ hoạt động tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, câu lạc bộ còn kêu gọi được sự tham gia của một số ca sĩ, nhạc sĩ đồng cảm với hoạt động của nhóm. “Trong hơn hai năm qua, nhạc sĩ Bảo Chấn là nghệ sĩ gắn bó mật thiết với chương trình. Anh cầm trịch nội dung âm nhạc, lên ý tưởng, góp ý với người hát. Đêm nhạc còn có sự chung tay của nhiều anh em nhạc công, trong số đó có hai bác sĩ chơi được nhạc cụ. Tuy là hoạt động “cây nhà lá vườn”, nhưng chúng tôi luôn cố gắng thể hiện tốt nhất và tôn trọng người nghe”- bác sĩ Hiển tâm sự.
Suốt bốn năm qua, khoản tiền thu được của Quỹ sau gần 100 đêm nhạc Blouse trắng - Hát cho yêu thương khá ấn tượng: khoảng sáu tỷ đồng. Riêng hoạt động phối hợp với Hội Cựu sinh viên trường đại học Y dược TP.HCM, quỹ tổ chức được bốn đêm nhạc ngay tại hội trường, thu được 300 - 400 triệu đồng/đêm, và dùng số tiền đó để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi tổ chức đêm nhạc vào hai đợt: ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) và dịp bắt đầu năm học mới. Những khoản đóng góp trong các đêm đều được trao lại để trường giúp đỡ các em. Tuy nhiên, đã hai năm, chúng tôi không thể tổ chức vì dịch COVID-19” - bác sĩ Hiển nói thêm.
Tiếng hát “vượt” dịch bệnh
Từ ngày tổ chức những đêm nhạc đầu tiên, vì muốn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh nhất có thể, các thành viên đều cố gắng thu xếp công việc, duy trì đêm nhạc một lần một tuần, hoặc chậm nhất là hai tuần. Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, thời gian cứ thế kéo dài đến ba tuần, bốn tuần, và giờ đã tám tuần trôi qua, vẫn chưa đêm nhạc nào được tổ chức.
“Dịch bệnh thay đổi hoạt động của nhóm khá nhiều. Chúng tôi tổ chức theo hình thức livestream, hát không có khán giả. Cảm giác chỉ có các đồng nghiệp hát với nhau lạ lắm, không vui bằng trước kia, như thể cầu thủ trên sân bóng mà không có người xem hò hét ở khán đài. Nhưng để duy trì hoạt động của nhóm nhạc và quyên thêm tiền giúp bệnh nhân nghèo, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục” - bác sĩ Hiển tâm sự. Theo bác sĩ, mặc dù các đêm nhạc không được tổ chức thường xuyên, nhưng các Mạnh Thường Quân biết đến hoạt động này vẫn chuyển tiền đều đặn. Dịp cuối năm, Quỹ Trái tim trên tường vận động được 100 triệu đồng, ủng hộ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu mỗi nơi 50 triệu đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ 100 bệnh nhân nghèo không có điều kiện về quê ăn tết.
Nhớ lại khoảng thời gian hơn bốn năm qua, bác sĩ Hiển cứ lặp đi lặp lại: chính khán giả và các Mạnh Thường Quân đã giúp các thành viên có thêm động lực để tiếp tục. “Đêm đó, tôi nhớ một người phụ nữ bán vé số cứ đứng lấp ló bên ngoài khu vực tổ chức biểu diễn, tưởng chị muốn vào bán, tôi không đồng ý. Nhưng đến lúc chị nói muốn ủng hộ tiền cho quỹ, nhìn xấp tiền lẻ trên tay chị ước chừng khoảng 40.000 đồng, tôi vô cùng xúc động. Chị bảo mình và con khi chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng từng nhận được hỗ trợ của quỹ, nên bây giờ chị muốn ủng hộ để những hoàn cảnh như mẹ con chị cũng được tiếp sức”- bác sĩ Hiển kể.
Tình thương giữa người với người như một vòng tròn hồi sinh, được tiếp nối và lan tỏa một cách hồn nhiên và vô tư nhất. Cho đến nay, Quỹ Trái tim trên tường và đêm nhạc Blouse trắng - Hát cho yêu thương đã được nhiều y bác sĩ tại các tỉnh/thành như Đắk Lắk, Đà Nẵng, Thanh Hóa... học tập, làm theo. Trong đó, bác sĩ Hiển cho biết các đồng nghiệp tại thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) làm rất tốt mô hình, thu về gần 20 tỷ đồng, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân khó khăn. Dự kiến trong thời gian tới, các y bác sĩ tại thành phố Huế sẽ tổ chức đêm nhạc với mô hình tương tự.
Ca hát, hoạt động thiện nguyện bằng tất cả trái tim, nhưng để củng cố niềm tin, cũng như duy trì lâu dài, mọi khoản tiền dù là nhỏ nhất cũng được Quỹ Trái tim trên tường minh bạch. “Làm từ thiện quan trọng ở chữ tín, nên để kiểm soát tài chính, chúng tôi thống nhất mọi kê khai, đóng góp đều phải được thực hiện thông qua ngân hàng để dễ dàng cho việc sao kê, báo cáo. Chúng tôi mượn âm nhạc là phương tiện truyền tải thông điệp yêu thương, gây quỹ vì người nghèo, thì khi nhận được dù chỉ một đồng, khoản tiền đó cũng vô cùng quý giá, đáng trân trọng” - bác sĩ Hiển nói thêm.
Diễm Mi