Tiếng gọi về nhà

20/10/2024 - 11:56

PNO - Muôn vị miền Tây của nhà văn Trương Chí Hùng (Nhà xuất bản Kim Đồng) không chỉ là những trang viết đẹp về ẩm thực, văn hóa đặc trưng của một miền đất mà còn là câu chuyện về thế giới tuổi thơ sống động, khó quên của những đứa trẻ miệt vườn.

Trương Chí Hùng sinh ra và lớn lên tại An Giang, hiện là giảng viên Khoa Sư phạm, Trường đại học An Giang. Từng đoạt giải Nhất cuộc thi bút ký văn học khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần VII, năm 2017, sau này tác giả đều đặn ra mắt bạn đọc những tập sách mang đậm dấu ấn quê nhà: Một nửa nhà quê, Trong sương thương má, Man mác Vàm Nao, Miền Tây lạ lắm à nghen… Muôn vị miền Tây là tập sách mới nhất của anh.

Cuốn sách chủ yếu viết về ẩm thực, tuy nhiên, những đoạn khiến bạn đọc cảm động nhất có lẽ là khi tác giả kể về những kỷ niệm thân thương từng có với gia đình. “Hôm về nhà mùng Năm, thiệt bất ngờ khi thấy má đã ngồi được. Má còn tươi cười kêu tôi dìu ra trước hàng ba để má nhìn cánh đồng xanh mướt, đón lấy mấy ngọn gió mát rượi thổi vô nhà. Mấy anh chị em tôi cũng lăng xăng, hết lấy nước cho má uống lại quay qua lấy trái cây cho má ăn, nói toàn chuyện vui khiến má cười nhiều lắm. Trưa trưa, mấy chị vô bếp nấu bún thịt xào đem lên bàn thờ cúng, xong rồi dọn ra cả nhà cùng ăn. Ai cũng nói, món này nấu hoài nhưng không bao giờ ngon được như chính tay má nấu. Má cười” (Rưng rưng nhớ bún thịt xào).

Trương Chí Hùng đã có sự đối chiếu, so sánh để nhận ra những dấu ấn, giá trị đáng quý được đồng bào miền Tây lưu giữ qua dòng chảy thời gian. Thấm đẫm trong từng con chữ, câu chuyện là sự thôi thúc, tinh tế khi quan sát đồng thời vẫn phảng phất một nỗi niềm tiếc nhớ, chơi vơi.

Có những món truyền thống từ thời khai hoang lập đất đến nay vẫn được lưu giữ như canh chua, cá kho tộ, mắm kho, điên điển xào… Có những món mới xuất hiện sau này như lẩu bần, cá kèo nướng ống sậy, cá thòi lòi nướng trui… Rồi những món ăn có sự kết hợp linh hoạt văn hóa ẩm thực nhiều dân tộc anh em như gà đốt Ô Thum, canh chua kiến vàng, bún nước lèo, cơm nị… Tác giả đúc kết: “Người miền Tây đã chế biến, sáng tạo nên những món đặc sản vô cùng hấp dẫn. Biến khó thành dễ, biết cách thích nghi và làm mới không ngừng, đó là lý do vì sao miền Tây ngày càng nức tiếng bởi những món ngon khó cưỡng”.

Tác phẩm như cuốn cẩm nang ẩm thực miền Tây với lối viết nhẹ nhàng, gần gũi, trong sáng. Nhẩn nha đi qua từng trang sách, người đọc sẽ được thưởng thức lần lượt những món ngon mang hương vị vừa thanh lành vừa độc đáo như cá lóc nướng trui, cá kho trái giác, củ hũ dừa, bông súng ăn với mắm kho, bánh gói lá… Mới thấy, ẩm thực vùng đất này vừa đa dạng, vừa hấp dẫn, vừa đầy sắc màu. Những món bánh, món lẩu, món mặn, món trộn nơi đây không quá cầu kỳ, tinh tế như ở miền Bắc; cũng không thấm thía, nồng cay như ở miền Trung mà hầu hết đều nghiêng về vị ngọt thanh, tươi mát cũng như con người miền Tây bao giờ cũng niềm nở, ngọt ngào, hào sảng.

Viết về ẩm thực, người cầm bút cần có kỹ năng quan sát, ghi nhớ để gọi tên thật chuẩn xác sắc màu, mùi, vị của từng nguyên liệu hay miêu tả tỉ mỉ cách chế biến để người khác có thể sao chép, làm theo. Với Trương Chí Hùng, để viết hay, lưu lại những dư âm sâu sắc nhất cho độc giả, anh đã đan cài vào ẩm thực những câu chuyện ấm áp, sinh động về tình quê hương, làng xóm, tình cảm gia đình.

Khi những trang sách cuối cùng của Muôn vị miền Tây khép lại, điều in dấu mãi chính là những cảm thức hay ho, bình dị về tình đất, tình người; về miền ký ức tuổi thơ thơm thảo. Những cảm nhận ấy quen thuộc lắm, thân thương lắm, như một làn hương, như khói bếp, như tiếng củi cháy, như tiếng gọi mỗi chiều của mẹ giục những bước chân tha hương quay gót trở về nhà.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI