'Tiếng gọi nơi hoang dã': Nỗi tuyệt vọng về tình người

29/02/2020 - 12:16

PNO - Buck là hiện thân cho một cuộc chiến sinh tồn, là khả năng thích ứng với thời cuộc để có thể sống sót, điều mà xã hội Mỹ những năm 1930 không là ngoại lệ cho bất cứ cá thể nào, khi “luật dùi cui và nanh vuốt” là công cụ xác định quyền thế, tầng lớp, cấp bậc lẫn mạng sống.

Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt, toàn bộ ấn phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã được bán sạch, đưa cái tên Jack London một tác giả 27 tuổi vào danh sách những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới. 

1.

Những ngày cuối tháng Hai này, khán giả Việt gặp lại chú chó Buck (mà hàng triệu người vốn quen với tên Bấc qua phiên âm trong sách giáo khoa ngữ văn) qua phiên bản điện ảnh mới nhất của Tiếng gọi nơi hoang dã.

Cho đến nay, không dễ để xác định Tiếng gọi nơi hoang dã - một truyện ngắn của Jack London - nhà văn hiện thực lớn của Mỹ, bên cạnh Mark Twain, O’Henry… - đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, bởi… nhiều quá (và vì thời hiệu bản quyền đã hết, tác phẩm trở thành tài sản của nhân loại, không còn được quản lý bởi một tổ chức xác định).

Bản điện ảnh Tiếng gọi nơi hoang dã (2020) được cho là không có nhiều đột phá so với truyện và chính diễn xuất của diễn viên gạo cội Harrison Ford (vai John Thornton) đã “cứu” bộ phim
Bản điện ảnh Tiếng gọi nơi hoang dã (2020) được cho là không có nhiều đột phá so với truyện và chính diễn xuất của diễn viên gạo cội Harrison Ford (vai John Thornton) đã “cứu” bộ phim

Cũng không dễ để đếm được bao nhiêu nước đang sử dụng tác phẩm này trong giáo trình học đường. Chỉ biết rằng, ngay từ khi xuất hiện, Tiếng gọi nơi hoang dã đã tạo nên một cơn chấn động. Hàng loạt quốc gia mang tác phẩm này giảng dạy cho học sinh. 

Không mang nhiều luồng ý kiến ngược chiều, không có yếu tố gây tranh cãi và phải trải qua một giai đoạn “chiêm nghiệm” mang tính thời cuộc để được công nhận, chú chó Buck tạo cơn sốt ngay khi ra đời. Dù rằng, ở thuở ban đầu, người ta phân loại đây là sách cho trẻ em, chỉ vì nhân vật chính là một chú chó.

Buck là hiện thân cho một cuộc chiến sinh tồn, là khả năng thích ứng với thời cuộc để có thể sống sót, điều mà xã hội Mỹ những năm 1930 không là ngoại lệ cho bất cứ cá thể nào, khi “luật dùi cui và nanh vuốt” là công cụ xác định quyền thế, tầng lớp, cấp bậc lẫn mạng sống. Buck cũng là cuộc đấu tranh của chính mỗi người trong vòng xoáy tồn tại ấy, với tiếng gọi của bản năng, nguồn gốc vọng lên trong ký ức mỗi ngày.

Cuộc đời của Buck - từ một chú chó cưng trong một gia đình quyền thế quen với phương Nam nắng ấm, bị đưa về phương Bắc giá lạnh và chịu cảnh tra tấn, đói rét - là hành trình của những phận người luân lạc ở giai đoạn xã hội ấy. Một tầng lớp của xã hội Mỹ tìm cơ may cho mình ở các mỏ vàng (và chính Jack London cũng thế), để rồi rất nhiều người đã bỏ mạng vì bệnh, vì đói, vì bị vùi dưới dòng sông băng hoặc vì bị rìu của kẻ khác bổ xuống.

Để tồn tại, Buck phải trở thành chú chó mạnh nhất, thích ứng tốt nhất, kiên cường nhất. Để rồi, ngày Buck hú lên tiếng hú của kẻ đầu đàn (sau khi quật ngã chó đầu đàn trước đó), nó đã đến gần hơn với sự “hoang dã”, ý thức rõ hơn việc sử dụng sức mạnh của mình. 

2.

Nhưng Tiếng gọi nơi hoang dã  không chỉ đơn thuần là cuộc đấu tranh sinh tồn, không phải là cuộc phô diễn sức mạnh cơ học. Ở đó có trái tim của Buck dành cho những người chủ tử tế của mình, dù bên trong nó, tiếng gọi nơi hoang dã thôi thúc mỗi đêm.

Mỗi năm một lần, Buck quay trở lại túp lều nơi người chủ cuối cùng, John Thornton, bị toán người da đỏ sát hại và cũng là nơi chú ngoạm vào cổ những kẻ sát nhân ấy bằng sự giận dữ nhất của một con thú nanh sắc, hú lên những tiếng hú dài đầy bi thương.

Cuộc quy hồi làm hàng triệu độc giả rơi nước mắt vì chứa trong đó tình cảm khắc sâu của một người bạn trung thành, dù năm tháng đã qua đi và Buck ngày càng hoang dã hơn với vai trò thống soái của một đàn sói Eskimo hung dữ nơi rừng rậm phủ đầy tuyết. Khép cuốn sách lại, nhiều độc giả nhí trên thế giới ngày ấy ngoái đầu gọi chú chó cưng của mình là Buck…

Nhà phê bình xã hội học nổi tiếng H.L. Mencken nói: “Không có bất cứ nhà văn nào cùng thời với Jack London có thể viết hay hơn những gì mà ông đã viết trong Tiếng gọi nơi hoang dã”. Nhà phê bình này cũng dành từ “phi thường” cho trí tưởng tượng của Jack London.

Bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn Jack London
Bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn Jack London

Dẫu rằng, ở những ngày đầu, có rất nhiều sự lo ngại của các nhà giáo dục học về tính bạo lực của tác phẩm thông qua các hành động đầy bản năng của Buck, nhất là khi người ta phân loại đây là tác phẩm dành cho trẻ em. Thế nhưng, sự e ngại đó rốt cuộc đã bị “thuần hóa” bởi tình cảm Buck dành cho người chủ của mình, hệt như Buck đã được thuần hóa bởi tình cảm chân thành của John Thornton. 

Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày mất của Jack London. Trên bộ tem (với một mẫu duy nhất), chân dung nhà văn được in với tông màu đen - trắng, thể hiện sự hoài cổ. Nền mẫu tem màu xanh dương làm tôn chân dung. Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thiết kế, kích cỡ 43x32mm.

Bằng cách xây dựng xung đột giữa con người và loài vật, Jack London dường như đã thức tỉnh con người về giá trị của tình yêu thương đang ngày càng trở nên vắng mặt bởi những mối lo sinh tồn. Ông cũng muốn nói rằng, sự hoang dã, tàn bạo của mỗi người nằm ở mức nào không chỉ phụ thuộc vào chính họ mà còn chịu tác động bởi sự yêu thương từ xung quanh...

3.

Jack London (tên thật là John Griffith Chaney) sinh ngày 12/1/1876 tại San Francisco trong một gia đình nghèo. Năm 20 tuổi, ông gia nhập đội ngũ tìm vàng ở Klondike (Canada). Tại đây, những trải nghiệm của ông chính là những gì đã được thấy trong Tiếng gọi nơi hoang dã: những trận bão tuyết kinh hoàng, những chú chó trung thành và cả những cuộc va chạm đẫm máu giữa các toán đào vàng…

Theo nghề viết 16 năm, tính cả giai đoạn ông ngồi trên ghế nhà trường với một số truyện ngắn về những người lang thang kiếm ăn trên đường phố, Jack London có hết thảy 19 tiểu thuyết, 18 cuốn bình luận và truyện ngắn, cùng nhiều cuốn sách liên quan đến tự thuật và xã hội học (Gót sắt, Văn phòng ám sát, Đứa con của chó sói, Nanh trắng, Ánh sáng ban ngày cháy đỏ…).

Trong đó, Nanh trắng cũng là tâm tư của một chú chó, như Buck. Riêng Văn phòng ám sát, tuy gọi là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp văn học của ông nhưng ông ra đi khi tác phẩm chưa hoàn thành. Ngày 22/11/1916, Jack London qua đời ở tuổi 40, vì uống quá nhiều thuốc mà cho đến nay, người ta vẫn còn tự hỏi không biết đó có phải là một cuộc tự kết liễu hay không…

Nam tài tử Clark Gable và Buck trong bản điện ảnh năm 1935 (bắt đầu quay năm 1934)
Nam tài tử Clark Gable và Buck trong bản điện ảnh năm 1935 (bắt đầu quay năm 1934)

47 năm sau ngày ông mất, Văn phòng ám sát mới được ra mắt độc giả Mỹ, sau khi nhà văn Robert Fish viết nốt phần kết của câu chuyện dựa trên các ghi chú chi tiết Jack London để lại. Với Jack London: “Khi nhìn mọi thứ một cách bình thản, khoa học, tôi vẫn thấy mọi thứ dường như vô vọng. Sau nhiều năm lao động và phát triển, con người lại trở nên xấu xa hơn bao giờ”. 

Năm 1934, Tiếng gọi nơi hoang dã được chuyển thể điện ảnh, với nam diễn viên chính là tài tử lừng danh Clark Gable - người mà chỉ 5 năm sau đó được nhắc đến trên toàn cầu với vai diễn Rhett Butler trong Cuốn theo chiều gió. Nhưng, Tiếng gọi nơi hoang dã phiên bản điện ảnh còn khiến đời tư Clark Gable mãi mãi có một vết gợn: Trong thời gian đóng phim này, ông đã cưỡng hiếp bạn diễn Loretta Young khiến bà mang thai và sinh con trong giấu giếm. Chỉ đến khi Rhett Butler qua đời vài năm, con gái của ông mới biết đó là cha mình.

 

Lương Hàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI