Rồi con kể, đó là lần tôi đưa con đi tắm, tôi đang vội mà con cứ mải vui đùa, chạy quanh phòng tắm rồi khoát nước làm ướt hết bộ quần áo công sở tôi vừa thay, con còn vung cái vòi hoa sen trúng tay tôi đau điếng.
Lúc đó, đúng vậy, chính ngay lúc tôi đang giận dữ vì nghĩ đến việc phải thay lại bộ quần áo khác và trễ giờ họp quan trọng, tôi đã "gầm lên như hổ" (theo lời con tôi) rồi đập cửa phòng tắm cái rầm, tuyên bố: "Lát nữa về mẹ trị tội con sau".
Giờ thì tôi nhớ ra rồi. Không phải nhớ về âm lượng tiếng "gầm" của tôi, hay nhớ về cánh cửa phòng tắm sau hôm đó bị móp đi một mảng, mà nhớ ánh mắt hoang mang xen lẫn thất vọng và buồn bã của con. Con im bặt, như đúng ý tôi, nước mắt lã chã, lặng lẽ đi vào phòng ngủ. Còn tôi cứ thế vội vã lao ra đường.
|
Đừng trút lên người con sự nóng giận của bản thân. Ảnh internet |
Mọi chuyện cứ thế trôi qua, tôi cứ nghĩ là câu chuyện đó đã thực sự bị lãng quên, nhưng hôm nay được con khơi gợi lại. "Đấy đâu phải là đánh con? Đấy là giận thôi mà", tôi thắc mắc. "Lúc mẹ hằm hằm nhìn con, lúc mẹ đóng sập cửa, tai con nhói lên, con thấy đau, mẹ lúc đó không giống mẹ của con nữa", con bé lý giải. Tôi bàng hoàng.
Thì ra, trong mắt con tôi, đâu cứ phải vung tay vung chân mới khiến người khác đau. Một ánh mắt hung dữ, một sự dọa nạt, hay tiếng "rầm" của cánh cửa cũng khiến con sợ hãi, bất an. Con là đứa trẻ nhạy cảm và dễ tổn thương.
Nhiều lần, khi chứng kiến các bạn trạc tuổi mình đang bị bố mẹ hoặc ông bà đánh, con thắc mắc lý do vì sao bị đánh, vì sao phải đánh. Vợ chồng tôi thì chỉ trỏ: "Thấy chưa, xem con nhà người ta hư là bị đánh kìa, chứ đâu phải sướng như con".
Con bé phản bác: "Con ngoan mà. Ba mẹ không thương con à? Sao lại phải đánh con?". Thỉnh thoảng, con nói năng như một bà cụ non, khiến tôi phải nhìn lại chính mình.
Trước đây, đã có lúc tôi tự hỏi, mình hiền với con quá, liệu có khiến con trở nên yếu ớt mà thiếu sự can trường dũng cảm trong cuộc sống? Đôi khi tôi muốn con mình "bụi" hơn một chút để đối diện với cuộc đời khắc nghiệt này. Nhưng rồi, tôi nhận ra sự khác biệt giữa dạy con một cách hiền từ mà có nguyên tắc sẽ hoàn toàn khác với dạy con một cách nghiêm khắc mà thiếu sự thấu hiểu. Tôi cũng nhận ra sự khác biệt bên trong giữa một đứa trẻ tự tin và một đứa trẻ lì lợm.
Trong khu phố tôi ở, có những đứa trẻ suốt ngày "ăn đòn". Qua năm tháng, chúng càng trở nên ít nói, thậm chí lì lợm và tỏ vẻ bất cần. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn nghe vọng đến tiếng đánh xen với tiếng chửi từ một căn nhà gần kề: "Tao nói mà mày không trả lời à? Mày điếc à? Đồ lì như trâu". Và đúng là càng ngày đứa trẻ ấy càng giống như lời ba mẹ nó nói lúc tức giận.
Còn nhớ, trước khi con vào lớp Một, hai vợ chồng tôi đã rất lo lắng. Nhiều phụ huynh xin được cho con vào lớp chọn, vì nghe đâu cô giáo lớp này rất nghiêm khắc, rèn tới đâu là vào nếp tới đó, lớp cô luôn dẫn đầu thành tích thi đua ở trường. Vợ chồng tôi thì ngược lại. Chúng tôi hồi hộp xem danh sách phân chia lớp học, mừng vì con không vào lớp của cô giáo có quyền năng "hét ra lửa" ấy mà trở thành học trò của một cô giáo rất hiền. Chúng tôi biết, với tính cách của con mình, càng dùng bạo lực, dù đó chỉ là bạo lực tinh thần, con cũng sẽ không phát huy được sự tự tin của mình.
Được một cô giáo hiền từ chỉ dạy, con luôn cố gắng trong vui vẻ chứ không phải trong áp lực. Tôi cũng không đặt nặng thành tích lên một đứa trẻ 6 tuổi, không la mắng khi con viết xấu, đọc chậm, tính sai.
Mỗi sáng trên xe, con ngồi giữa ba và mẹ líu lo trò chuyện cho đến khi tới trường, liến thoắng kể chuyện ở lớp cho ba mẹ nghe sau những chiều tan học. Quãng thời gian đó, như con nói "mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui".
Con đã từng hỏi tôi: "Mẹ từng bị ông bà ngoại nó đánh chưa?". Tôi đương nhiên phải thú nhận: “Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ hay dì và cậu con có lỗi, ông ngoại con đều gọi một người đi lấy roi, sau đó cả 5 chị em nằm sấp trên giường để ông đánh một lượt, ai cũng phải chịu đòn”.
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, chuyện của tôi và 4 đứa em nghịch phá như quỷ sứ. Còn bây giờ, tôi nhận ra, riêng đối với con, bạo lực dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng sẽ khiến con co mình lại và tổn thương sâu sắc.
|
Bạo lực khiến con tổn thương sâu sắc. Ảnh internet |
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều sau khi con kể lại lần mà tôi "đánh" con. Đêm đến, tôi hôn lên trán con, thì thầm lời xin lỗi. Con ôm chặt tôi: "Con tha lỗi cho mẹ lâu rồi, vì con biết mẹ luôn thương con mà. Mình tha lỗi cho nhau, mẹ nhé". Cô gái bé nhỏ ấy luôn biết cách khiến trái tim tôi tan chảy như vậy đấy.
Tôi chẳng biết, mình có dễ dãi với con quá không, nhưng sự thật là tôi đang được hưởng rất nhiều quả ngọt. Mỗi tối, luôn có “cô tiên tí hon” tự giác chuẩn bị sẵn cho tôi kem bóp đánh răng đặt ngay ngắn trên bồn rửa mặt.
Mỗi lần tôi đi làm về mệt, “cô tiên” ấy chạy lại xoa bóp, hỏi han, an ủi. Hơn thế, khi nhà có một cô con gái, lúc bạn nổi giận, cô bé ấy sẽ nói: "Mẹ đừng giận nữa nhé! Mẹ cười lên một cái con xem nào! Không, mẹ phải cười nhe răng ra chứ! Không, không, không, cười nhe răng nhưng phải tươi lên cơ". Và thế là cơn giận của tôi bay theo mây gió tự lúc nào không hay.
Hoài Vũ