Tiếng dương cầm xoa dịu nỗi đau

10/01/2021 - 11:47

PNO - Hơn ba năm qua, sáng nào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng vang lên những bài nhạc quen thuộc, như một cách xoa dịu nỗi đau.

Vừa bước vào sảnh Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bé Gà Con (bốn tuổi, ở H.Bình Chánh, TP.HCM) đã lắc lắc tay mẹ, chỉ về hướng có tiếng đàn: “Mẹ mẹ, bài con vịt”. Bé thích thú xòe hai bàn tay làm điệu bộ của chú vịt, đi lại trong sảnh. Không ai ngờ cô bé tinh nghịch này hai ngày qua sốt cao hơn 390C, cứ nằm thiêm thiếp không chịu ăn uống.

Còn cậu bé Bin (sáu tuổi, ở Q.8, TP.HCM) đã nằm điều trị ở khu nội trú được bốn ngày. Ngày nào bé cũng đòi mẹ dẫn xuống sảnh bệnh viện để nghe chú bác sĩ đánh đàn rồi ngân nga mỗi khi đến điệp khúc quen thuộc.
Không chỉ ở khuôn viên của bệnh viện, những âm điệu du dương còn vang khắp các tầng lầu. Nhiều tiếng khóc tạm dừng, các ông bố, bà mẹ dường như cũng đỡ căng thẳng hơn. Thỉnh thoảng, “chú nhạc sĩ” còn bắt nhịp cho các bé làm ca sĩ. 


Ít ai biết, tiếng đàn “thần kỳ” đó lại đến từ các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện… đặc biệt là chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện. Nhà cách Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM hơn 20 cây số, chuyên gia Toàn Thiện vẫn cố gắng đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Mê âm nhạc từ nhỏ, ngoài piano, anh Thiện còn biết nhiều loại nhạc cụ khác. Anh nói: “Ai đưa con đi khám cũng nghĩ bệnh viện là nơi toàn tiếng khóc đau đớn của trẻ con, mùi thuốc khử trùng, ống chích, sự chờ đợi... Vì vậy, khi Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM mới đi vào hoạt động, tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, giám đốc bệnh viện, đã chủ động đặt cây đàn piano ở ngay sảnh ra vào, đón bệnh nhân bằng tiếng nhạc, để ai cũng thấy nhẹ nhàng hơn.

“Lúc đến xin việc, tôi rất ngạc nhiên, bởi câu đầu tiên bác sĩ Định hỏi tôi là… về âm nhạc. Giờ thì ngoài chuyên môn, tôi có thể chơi đàn, một nhiệm vụ thú vị”, anh Thiện cho biết.

Ban đầu, anh Thiện cũng ngại lắm, không biết người ta có thấy mình kỳ dị không khi ai cũng hối hả, còn mình cứ ngồi thong thả đàn. Thêm phần, anh yêu âm nhạc chứ không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, sợ đánh sai người ta cười. Nhưng rồi, khi thấy “khán giả”… quá phiêu, anh nhận ra âm nhạc không cần phân định rõ đúng sai. Nhìn những ngón tay lướt trên phím đàn, ánh mắt anh nhìn bệnh nhi, như  thấy một nguồn năng lượng tích cực vô giá đang được truyền đi.

Chiếc piano ở sảnh bệnh viện đã kết nối ông bố địu con phía trước, ngồi cùng anh chơi một bản nhạc sôi động hay một cậu bé hơn mười tuổi dũng cảm bước lên bậc cầu thang, lướt nhanh phím đàn cùng “bác sĩ”. 

“Tôi muốn đàn cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, cả nhân viên y tế nữa, để mọi người cùng có những phút giây thư  thái, vì biết đâu sắp tới, với họ là một “trận chiến” với bệnh tật. Tôi cảm nhận rõ ràng hiệu quả của tiếng đàn từ lúc dịch COVID-19 xuất hiện, đặc biệt là trong đợt giãn cách xã hội, ai cũng rất khó khăn. Đàn bài gì bây giờ, tôi tự hỏi. Rồi tôi nhớ đến bộ phim Titanic, khi nước tràn vào khoang tàu, dàn nhạc của Wallace Hartley đã trỗi lên bài hòa tấu bản thánh ca Nearer My God to Thee để trấn an tinh thần những hành khách trong cơn hoảng loạn. Tôi bắt đầu đàn bài Đôi mắt nào mở ra để gửi nguyện ước, hy vọng của mình đến mọi người. Lúc đàn xong, tôi nhìn lên, thấy mọi người rất xúc động. Tiếng đàn đã kéo họ đến gần nhau hơn”, anh Toàn Thiện chia sẻ.

Nói đoạn, Thiện nhớ lại từng khoảnh khắc rời rạc khi anh buông tiếng đàn. Nơi đó có những em bé phải điều trị dài ngày ở khu nội trú, sáng sáng được ba mẹ đẩy xe lăn còn gắn đường truyền, nhăn nhó vì đau đớn; có những em bé rất yếu, phải bế. Nghe anh đàn, có bé ngừng khóc, tạm quên đau đớn rồi lim dim ngủ. Với anh, “Một chút thôi, các con không còn đau đớn nữa cũng đã quá tuyệt vời với người “đánh đàn dạo” này”. 

 Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI